Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022

Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh bất động sản

- Thứ Hai, 11/07/2022, 04:56 - Chia sẻ

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 đã bổ sung quy định mới là doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán; chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ.

Khuyến khích phát triển bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp

Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 gồm 7 chương, 157 điều, đã bổ sung nhiều quy định mới để bảo vệ bên mua bảo hiểm, như: quy định về quản trị rủi ro, an toàn tài chính, biện pháp can thiệp sớm, biện pháp kiểm soát… Các quy định này còn là điều kiện để bảo đảm “sức khỏe” của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn, từ đó bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm tốt hơn.

Luật bổ sung quy định Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nhằm phục vụ cho các mục đích: quản lý, giám sát, phòng, chống gian lận bảo hiểm, xây dựng mức phí bảo hiểm, đánh giá dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm... Theo đó, việc thống kê số liệu về tỷ lệ rủi ro theo nghiệp vụ hoặc theo loại rủi ro của doanh nghiệp, các dữ liệu kinh tế chung sẽ làm cơ sở cho hoạch định chính sách, đánh giá thị trường của cơ quan quản lý, xây dựng phí bảo hiểm thuần, giám sát mức độ đầy đủ về phí bảo hiểm cũng như giảm thiểu rủi ro trục lợi bảo hiểm, có vai trò quan trọng trong việc chuẩn hóa công tác thiết kế sản phẩm bảo hiểm, quản trị rủi ro thị trường, tăng cường tính minh bạch và chủ động của các bên tham gia thị trường.

Bên cạnh đó, Luật quy định, việc sử dụng dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật này và các luật khác có liên quan về bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh, không mang tính định danh cá nhân, bảo đảm việc sử dụng thông tin đúng mục đích, đúng thẩm quyền.

Một trong những điểm đáng chú ý được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh là Luật cho phép tổ chức tương hỗ triển khai bảo hiểm vi mô, với các điều kiện về tài chính, nhân sự, nghiệp vụ thấp hơn so với doanh nghiệp bảo hiểm để phù hợp với tính chất của bảo hiểm vi mô, nhằm hướng tới đối tượng yếu thế trước những rủi ro có thể xảy ra trên tất cả các lĩnh vực.

Về chính sách khuyến khích bảo hiểm nông nghiệp phát triển trong thời gian tới, Luật đã có quy định về việc Nhà nước có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện đối với việc triển khai và tham gia các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, ngư nghiệp và các sản phẩm bảo hiểm vì mục tiêu an sinh xã hội.

Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép kinh doanh bất động sản -0
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại buổi công bố lệnh của Chủ tịch Nước về 5 luật ngày 5.7.2022
Ảnh: Hoàng Ngọc

Đầu tư ra nước ngoài phải được Bộ Tài chính chấp thuận

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 bổ sung quy định quan trọng, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không được phép kinh doanh bất động sản, trừ các trường hợp: mua cổ phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản niêm yết trên thị trường chứng khoán, chứng chỉ quỹ của Quỹ đại chúng; mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ; cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng; nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, do đối trừ công nợ phải thu bằng bất động sản trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nắm giữ. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết về hạn mức đầu tư mua cổ phiếu, chứng chỉ quỹ để bảo đảm thận trọng, tránh rủi ro đầu cơ bất động sản.

Luật quy định về đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm và yêu cầu phải đáp ứng tất cả các quy định của pháp luật có liên quan về đầu tư, pháp luật về ngoại hối. Theo đó, việc doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư ra nước ngoài phải được Bộ Tài chính cho phép, việc đầu tư gián tiếp ra nước ngoài phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý về hạn mức và đáp ứng yêu cầu quản lý ngoại hối chung cho toàn quốc. Luật yêu cầu thực hiện theo dõi tách biệt đầu tư ra nước ngoài và không được sử dụng tiền, tài sản của bên mua bảo hiểm trong nước để bù đắp lỗ, thiếu hụt tiền của hoạt động đầu tư ra nước ngoài, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Đối với khả năng thanh toán, doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng quy định về khả năng thanh toán khi đáp ứng đồng thời các điều kiện như: trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ và bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn. Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn thực hiện trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ để bảo đảm trách nhiệm cam kết với bên mua bảo hiểm và đã được quy định tại Điều 97 của Luật. Trường hợp trích lập dự phòng nghiệp vụ không đầy đủ sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ an toàn vốn, an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm.

Luật cũng sửa đổi các quy định về an toàn tài chính theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam được coi là bảo đảm an toàn tài chính khi đáp ứng các quy định về vốn, khả năng thanh toán, đầu tư và khả năng kiểm soát rủi ro. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp bảo hiểm phải chủ động rà soát các quy trình, quy chế, khung quản trị rủi ro, kế hoạch kinh doanh, đánh giá hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tái bảo hiểm, hoạt động tài chính, bảo đảm an toàn hiệu quả và tuân thủ pháp luật.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023. Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, riêng chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày luật có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31.12.2025. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này. Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.

Đối với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, do Luật Kinh doanh Bảo hiểm năm 2022 không quy định về Quỹ này, do vậy, kể từ ngày 1.1.2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói “việc xử lý Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được thực hiện như sau, toàn bộ số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Bộ Tài chính quản lý để sử dụng cho mục đích bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư của Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm”.

Hoàng Ngọc