Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Hài hòa lợi ích các bên

- Thứ Tư, 23/03/2022, 06:12 - Chia sẻ
Cho ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) tại phiên họp sáng qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, để thực hiện nguyên tắc quan trọng khi sửa đổi Luật này là bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên thì cần tiếp tục rà soát hoàn chỉnh các quy định liên quan, nhất là Chương II về hợp đồng bảo hiểm.

Tiếp tục nghiên cứu, rà soát

Nhận định hợp đồng bảo hiểm là một chế định quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung và quy định rõ một số nội dung tại Chương II. Bên cạnh đó, để bảo đảm nhất quán giữa các quy định trong chính dự thảo Luật, phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, bảo đảm tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về hợp đồng bảo hiểm tại dự thảo Luật như quy định về điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe cho trường hợp chết, thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Nội dung này tại dự án Luật cũng sẽ trình xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, sau đó tiếp tục hoàn thiện báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Ba tới đây.

Đánh giá Chương II của dự thảo Luật đã có bước tiến so với các dự thảo trình trước đây, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng tán thành phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát và trình ra Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lấy ý kiến. Bởi, với quy định tại khoản 2, Điều 16 về nguyên tắc giao kết thực hiện hợp đồng theo hướng phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và 5 nguyên tắc bổ sung khác. Tuy nhiên, các nguyên tắc được dự thảo Luật bổ sung chỉ đúng với trường hợp người ký hợp đồng, bên cung cấp dịch vụ với người hưởng là một, chưa bao quát được trường hợp người ký hợp đồng với người nhận là chủ thể khác nhau, độc lập với nhau. 

Tương tự, tại Điều 24 về giải thích hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, dự thảo Luật quy định trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng, dẫn đến cách hiểu khác nhau thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm. Trong khi đó, tại Điều 404 của Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định đầy đủ, chi tiết, rõ ràng tất cả các trường hợp. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: có cần thiết có điều này hay không, phải chăng cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự, nhất là khi tại Bộ luật quy định giải thích hợp đồng theo thứ tự ưu tiên rất chặt chẽ, với 6 bước và 6 việc? Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, quy định về giải thích hợp đồng tại Bộ luật Dân sự với theo trình tự ưu tiên rõ ràng, giúp cắt khúc ra được mỗi việc thực hiện như thế nào.

Có thiên về bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm?

Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia cũng là một vấn đề cần phải tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh thêm. Vì theo lý giải của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, một trong những nguyên tắc cơ bản trong việc xây dựng dự án Luật này là phải bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người nộp bảo hiểm, cũng như người mua bảo hiểm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhận thấy, có vẻ như các quy định của dự án Luật đang thiên về bảo vệ các doanh nghiệp bảo hiểm, chưa bảo vệ một cách đầy đủ, chưa bảo đảm nguyên tắc hài hòa đối với việc bảo vệ quyền lợi của người được bảo hiểm và người mua bảo hiểm.

Cụ thể, khoản 3 Điều 22 của dự thảo Luật quy định cho phép một bên được hủy bỏ hợp đồng, nếu bên kia không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật. Trong khi đó, Điều 127 Bộ luật Dân sự quy định hợp đồng vô hiệu do lừa dối, quy định trường hợp im lặng, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cũng được coi là hành vi lừa dối trong giao kết hợp đồng. Như vậy, quy định về cho phép hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm tại dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) không thật sự phù hợp với tính chất hủy bỏ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, quy định này không chỉ khác với Bộ luật Dân sự mà còn có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của bên mua bảo hiểm, tạo ưu thế rất lớn cho doanh nghiệp bảo hiểm. Ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị, cân nhắc quy định phương án xử lý trường hợp này theo hướng: một hoặc các bên có quy định phương án xử lý, có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu, thay vì cho phép một bên đơn phương hủy bỏ hợp đồng. Việc đưa ra Tòa án để tòa xem xét tuyên hợp đồng trong trường hợp như vậy là vô hiệu sẽ bảo vệ tốt hơn quyền của bên mua bảo hiểm.

Tương tự như quy định về hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý đến khoản 3, khoản 4, Điều 27 dự thảo Luật quy định về hoàn phí bảo hiểm. Nguyên nhân do, phần lớn các hợp đồng bảo hiểm là hợp đồng do doanh nghiệp bảo hiểm soạn thảo sẵn và người mua bảo hiểm chỉ có thể đồng ý hay không đồng ý đối với các hợp đồng đó. Trong trường hợp này, nếu quy định như dự thảo Luật là việc hoàn phí bảo hiểm được loại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, thì có thể khi nhìn vào hợp đồng người mua bảo hiểm sẽ không được hoàn phí, vì bị ràng buộc bởi những quy định khác được doanh nghiệp lồng ghép trong hợp đồng.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định về nội dung này phải hết sức cân nhắc yếu tố rất đặc thù của các hợp đồng bảo hiểm, qua đó, đưa ra định hướng hợp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, phải rà soát, cân nhắc kỹ với các điều khoản có quy định “trừ trường hợp trong hợp đồng thỏa thuận khác” được quy định tại dự thảo Luật.

Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra một số yêu cầu để nâng cao chất lượng dự án Luật này. Cụ thể, sau phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Chính phủ để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện và hoàn thiện hồ sơ để trình Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Đồng thời, phải gửi xin ý kiến lần cuối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cần thiết thêm nữa thì gửi Hiệp hội kinh doanh bảo hiểm. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tổ chức và thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ hoàn thiện lần cuối để trình Quốc hội xin ý kiến về những vấn đề lớn, vấn đề còn ý kiến khác nhau. Với cách làm như vậy, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, chúng ta vẫn bảo đảm được chất lượng dự thảo Luật, song thời gian để thảo luận, xem xét thông qua được tiết kiệm ở mức tối đa.

Thanh Hải