Điều khiển xe máy dưới 50cm3 phải có bằng lái

Xây dựng lộ trình cụ thể

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 08:48 - Chia sẻ
Việc quy định người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW phải học, thi lấy giấy phép lái xe là thiết thực, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18, nên cần tính toán cụ thể về lộ trình và biện pháp thực hiện phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến việc học tập của lứa tuổi này.

Nguy cơ mất an toàn giao thông

Khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, hầu hết người sử dụng phương tiện dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW hiện nay là học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông. Đáng lo ngại, hơn 50% số này không có giấy phép lái xe, đồng nghĩa với việc chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng lái xe, kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ. 

Đánh giá về tình trạng sử dụng phương tiện này tham gia giao thông, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an Đỗ Thanh Bình cho biết, xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW nhưng có tốc độ khá cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Cụ thể, năm 2020, toàn quốc có 556 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy dưới 50cm3, trong đó có 117 vụ có nguyên nhân trực tiếp là do phương tiện này gây ra.

Để bảo đảm an toàn giao thông cho người điều khiển phương tiện, cũng như người tham gia giao thông khác, thời gian tới, người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW sẽ phải được đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Đây là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12.12.2020.

Cần trang bị kiến thức pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh  

Nguồn: ITN 

Giáo dục ý thức cho học sinh

Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang phối hợp với các cơ quan chức năng, các chuyên gia nghiên cứu phương án xây dựng chương trình đào tạo phù hợp, với nguyên tắc là các kiến thức đưa vào học đơn giản, dễ hiểu, cung cấp đầy đủ các kiến thức về giao thông đường bộ, để hầu hết học sinh nắm được và thực hiện bảo đảm an toàn giao thông; trong đó, phương án phải thuận tiện, chi phí tiết kiệm.

Theo các chuyên gia, việc quy định người điều khiển xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW phải học, thi lấy giấy phép lái xe là thiết thực, phù hợp với thực tiễn, nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng phương tiện trong việc chịu trách nhiệm cho hành vi tham gia giao thông của mình. Theo đó, nếu ngay từ đầu việc đào tạo, sát hạch được thực hiện nghiêm túc sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, cũng như nắm được các quy tắc tham gia giao thông, nhận diện biển báo, khả năng đoán trước và phòng tránh những tình huống nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng.

Việc cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện dưới 50cm3 là quy định nhiều nước trên thế giới đều đã áp dụng từ lâu. Tại một số nước có tỷ lệ tai nạn giao thông thấp, sau khi tốt nghiệp ở trường, họ chỉ cấp 1 bằng lái tạm thời cho học sinh, sau đó mất 1 năm để từ bằng tạm thời trở thành bằng chính thức. Trong 1 năm đó, nếu chỉ 1 lần vi phạm Luật giao thông, học viên phải thi lại từ đầu. Nói cách khác, chính thời gian này đã giúp hình thành nên ý thức, văn hóa và kỹ năng tham gia giao thông.

Tuy nhiên, theo nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khương Kim Tạo, đối tượng chịu tác động chủ yếu của quy định này là học sinh độ tuổi từ 16 - 18, nên để thực hiện được cần tính toán cụ thể về lộ trình và biện pháp thực hiện phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến việc học tập của lứa tuổi này. Bởi, với gần 3 triệu học sinh trung học phổ thông thì nhu cầu đào tạo, sát hạch để được cấp bằng là rất lớn. Nếu đồng loạt yêu cầu các em đến các trung tâm đào tạo lái xe để học, để thi sát hạch sẽ gây xáo trộn không nhỏ và là điều khó khả thi khi các em phải sắp xếp giữa việc học ở trường và học thi bằng lái.

Để vừa trang bị kiến thức pháp luật về an toàn giao thông với đầy đủ các khóa đào tạo, sát hạch về kiến thức, kỹ năng điều khiển phương tiện, vừa không gây xáo trộn cho các em học sinh, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc giáo dục về Luật Giao thông đường bộ cần được thực hiện một cách bài bản ngay trong trường học. Cùng với đó, việc thi sát hạch cũng có thể thực hiện ngay tại trường học như những môn thi bắt buộc. Ngoài ra, cũng cần có những quy định cụ thể, hài hòa về quy trình, phương pháp và nội dung đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc xe máy điện có công suất động cơ dưới 4kW so với các giấy phép lái xe khác. Mặt khác, chính lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra để buộc các chủ thể sử dụng phương tiện phải tuân thủ nghiêm túc.

Hiểu Lam