Thảo luận kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII

Xây dựng kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh

- Thứ Sáu, 03/12/2021, 06:18 - Chia sẻ
Thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Hà Giang Khóa XVIII, các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu phải có chiến lược, kịch bản để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế bền vững.
Đại biểu Bùi Quang Trí (tổ thành phố Hà Giang) phát biểu tại phiên thảo luận
Ảnh: Trọng Hiếu

Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”

Tại kỳ họp, các đại biểu cho rằng: Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, có thể còn các đợt bùng phát với biến chủng mới, lây lan nhanh và nguy hiểm hơn, khó có thể kiểm soát một cách tuyệt đối. Do đó, cần có chính sách, biện pháp phù hợp để thích ứng an toàn, linh hoạt. Đặc biệt, phải đổi mới tư duy, nhận thức đúng đắn hơn về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, có các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 sát với tình hình thực tế; kịp thời điều chỉnh kế hoạch, phương án, huy động nguồn lực để từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, tạo việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động; tập trung xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng trong đầu tư, phát triển.

Bàn về các chỉ tiêu liên quan đến lĩnh vực giáo dục trong năm 2021, đại biểu Bùi Quang Trí đề nghị: Từ những năm sau, UBND tỉnh cần xem xét, lựa chọn thêm một số chỉ tiêu chủ yếu khác để phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục đối với vùng dân tộc thiểu số, thay vì chỉ đưa ra chỉ tiêu là tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia và duy trì sĩ số học sinh hàng ngày. Cùng với đó, cần ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh về chế độ cho học sinh nhằm thay thế nghị quyết cũ không còn phù hợp; bổ sung chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo học tại trường không phải là trường bán trú. Mặt khác, cần hết sức quan tâm đến chất lượng giáo dục; quan tâm cử tuyển học sinh dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù để tránh tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực sau này.

Đại biểu Triệu Tài Phong đề nghị, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ các đối tượng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; xác định rõ nguyên nhân, giải pháp về chỉ tiêu đào tạo nghề đạt thấp. Đồng thời, sớm giải quyết tồn đọng trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Trong đó, cơ quan chuyên môn cần thống nhất với địa phương để phân khai địa bàn cụ thể, tránh tình trạng cấp trùng. Mặt khác, tỉnh cần sớm triển khai dịch vụ cung ứng internet đến các địa bàn "vùng lõm" phục vụ người dân, nhất là trong thời điểm học sinh học trực tuyến để phòng, chống Covid-19.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh đánh giá thực trạng, nguyên nhân và có giải pháp hiệu quả hạn chế nạn tảo hôn, sinh con thứ ba. Nhiều ý kiến đề xuất, UBND tỉnh quan tâm triển khai giải pháp thực hiện bình đẳng giới, nâng cao chất lượng hạnh phúc gia đình, nhất là tạo thu nhập cho phụ nữ trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao chất lượng công vụ; làm rõ số liệu, phân loại số hộ nghèo thoát nghèo, số hộ tái nghèo trong năm 2021; sửa đổi một số thông tư liên quan đến thăng hạng cho đội ngũ giáo viên...

Xoay quanh lĩnh vực du lịch, đại biểu Hoàng Đình Phới nhấn mạnh: Lợi thế của du lịch online là được tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm nhiều địa danh, nhiều tour tuyến, điểm đến với chi phí thấp. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, nhiều khu vực trên thế giới đi lại rất khó khăn, việc tham gia tour online giúp người dân được giải trí, thư giãn, tìm hiểu và khám phá các địa danh, nền văn hóa, đời sống con người ở các quốc gia khác nhau. Do đó, tỉnh cần tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm du lịch số, chuyển đổi số trong ngành du lịch.

Đại biểu cũng đề nghị, tỉnh cần tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để chuẩn bị hạ tầng du lịch tốt hơn, bảo đảm du lịch bền vững, an toàn đón du khách trở lại. Mặt khác, cần chú trọng cơ chế ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư hệ thống cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cao cấp hài hòa với văn hóa bản địa; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách và hành lang pháp lý cho phát triển du lịch biên giới; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các khu, điểm du lịch; chú trọng bảo vệ tài nguyên môi trường trong hoạt động đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch.

Tại phiên thảo luận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn đã giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm như: Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân chậm của nguồn vốn đầu tư công năm 2021; quan điểm của UBND tỉnh về chỉ tiêu giảm nghèo giao theo tỷ lệ phần trăm để thống nhất với Nghị quyết Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, khi UBND tỉnh giao kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết của HĐND sẽ giao chi tiết theo số hộ để cơ sở dễ thực hiện và thông tin thêm về tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương, sử dụng dự phòng ngân sách trong năm 2021…

TRỌNG HIẾU