Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

NHẬT ANH 16/11/2023 19:08

Ngày 16.11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023 với chủ đề “Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự, phát biểu chỉ đạo.

Tham dự diễn đàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; đại diện đại sứ các nước tại Việt Nam; đại diện các Bộ, ngành, doanh nghiệp lớn; các tổ chức phi chính phủ, các trường đại học, Viện nghiên cứu.   

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn 

Kinh tế tuần hoàn, hướng đi cho phát triển bền vững

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, các sáng kiến về kinh tế xanh, kinh tế biển xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn… là những nỗ lực của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng đe dọa đến sự phát triển bền vững. Trong đó, kinh tế tuần hoàn đang được cộng đồng quốc tế đánh giá là cách tiếp cận phù hợp và thực tiễn để giúp nhân loại giải quyết được những thách thức đang đặt ra và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

“Phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp trọng tâm để đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm sản xuất và tiêu dùng bền vững, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường”, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn
Các đại biểu dự Diễn đàn 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đề nghị các đại biểu, đại diện các tổ chức quốc tế chia sẻ, gợi ý bài học kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn. Dự thảo đã xác định 5 quan điểm chính, mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ nay đến 2025, đến 2030 cho thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam để thúc đẩy tiến trình chuyển dịch mô hình kinh tế theo hướng bền vững, đưa chất thải thành tài nguyên, trung hòa carbon và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trên cơ sở đó, dự thảo đề xuất áp dụng 16 chỉ tiêu đánh giá việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở cấp độ quốc gia phân theo 3 nhóm gồm: Nhóm chỉ tiêu về sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật liệu.

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn -0
Toàn cảnh Diễn đàn 

Tại Diễn đàn, các diễn giả đại diện cơ quan quản lý trong nước và quốc tế đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ các vấn đề liên quan, cơ bản nhất trí với dự thảo và đóng góp các quan điểm, ý kiến vào lộ trình triển khai trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn
Các diễn giả đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi tại Diễn đàn 

Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Ramla Khalidi chia sẻ, việc xây dựng một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng vào năm 2030 hoàn toàn khả thi. Bà Ramla Khalidi cho rằng, nền kinh tế tuần hoàn phù hợp với mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững. Thông qua thúc đẩy chuyển dịch sang một nền kinh tế carbon thấp và kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể dẫn dắt cũng như định hướng con đường phát triển nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững về phát triển kinh tế tuần hoàn.

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn -0
Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023

“Có tới 80% nguy cơ tác động môi trường có thể được xác định ở giai đoạn thiết kế sản phẩm. Bằng cách tạo ra thay đổi từ khâu thiết kế, doanh nghiệp có thể phù hợp hơn với những mong đợi ngày càng tăng của xã hội và yêu cầu quy định. UNDP khuyến nghị áp dụng lộ trình thiết kế sinh thái, bắt đầu từ các yêu cầu chung mang tính sinh thái cho các sản phẩm như bao bì, nhựa, thực phẩm và đồ uống, dệt may và điện tử, tập trung vào các doanh nghiệp vừa và lớn”, bà Ramla Khalidi nói.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SCG, ông Roongrote Rangsiyopash cho rằng, để thúc đẩy hơn nữa các tác động của kinh tế tuần hoàn và tiến trình thực hiện, cần có sự hợp tác liên ngành nhằm đạt được những kết quả lớn hơn. Mạng lưới sẽ tích cực cộng tác với các đối tác tại Việt Nam để áp dụng và thực hành các nguyên tắc ESG. Từ đó, thúc đẩy thực hiện kinh tế toàn hoàn và hướng tới mục tiêu tăng cường năng lực cạnh tranh của khối kinh tế ASEAN trên trường quốc tế.

Không thể bàn mãi về lý thuyết mà cần phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhận định, Việt Nam không thể phát triển như trước, nếu dựa vào khai thác tài nguyên thì với sự phát triển như hiện nay cần 3 lần trái đất thì mới đủ cho không gian sinh tồn. Bởi vậy, kinh tế tuần hoàn là con đường đi, xu thế, dòng chảy chính của thời đại và không thể khác được, mặc dù đối với Việt Nam hiện tại là một thách thức rất lớn.

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn -0
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tham quan các gian hàng trưng bày về kinh tế tuần hoàn bên lề Diễn đàn

“Không thể bàn mãi về lý thuyết của kinh tế tuần hoàn, nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện. Phải phát triển và giữ được những tài nguyên trường tồn là tài nguyên tái tạo và tài nguyên trí thức. Điều này đòi hỏi phải chuyển lý luận thành chính sách và khuôn khổ pháp lý, đặt ra mục tiêu cụ thể cho mỗi bên liên quan. Mọi chi phí, kết quả kinh tế phải được hạch toán, để thấy rằng tiếp cận kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích như thế nào”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Thủ tướng, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, cần có kế hoạch rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Đồng thời, cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất.  Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành chức năng cùng các tổ chức, doanh nghiệp, nhà khoa học chung tay hành động để thực hiện kinh tế tuần hoàn một cách hiệu quả.

Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn -0
Đại diện Ngân hàng Viettin Bank giới thiệu khách hàng về mô hình chuyển đổi xanh tại gian hàng bên lề Diễn đàn  

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đánh giá cao chia sẻ quý báu của các đại biểu tại Diễn đàn. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá việc xây dựng Kế hoạch hành động Quốc gia sẽ cung cấp một chiến lược cụ thể trong giai đoạn ngắn hạn, cũng như dài hạn để chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững. Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương lồng ghép kinh tế tuần hoàn trong quá trình xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển; phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với Kế hoạch quốc gia và đặc điểm của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Cộng đồng doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và áp dụng các biện pháp để khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải, nâng cao mức độ tái chế, tái sử dụng chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế đến giai đoạn sản xuất, phân phối sản phẩm, hàng hóa.

Theo chương trình Diễn đàn, sau Phiên khai mạc toàn thể sẽ diễn ra 3 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: Lộ trình triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về thực hiện kinh tế tuần hoàn; Phương pháp tiếp cận ESG để thực hiện kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp và cơ chế tài chính cho kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững.

Cũng tại Diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về các mô hình thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhằm hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO