Xây dựng hồ sơ Cố đô Hoa Lư: Di sản văn hóa, thiên nhiên hay hỗn hợp?

- Thứ Hai, 27/10/2008, 00:00 - Chia sẻ
UBND tỉnh Ninh Bình đang tập hợp ý kiến của các chuyên gia đầu ngành nhằm xác định giá trị Di sản văn hóa cố đô Hoa Lư và Khu du lịch sinh thái Tràng An làm căn cứ khoa học trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Mặc dù các nhà khoa học đánh giá cao giá trị văn hóa-lịch sử, địa chất-địa mạo... của khu vực này song đều thừa nhận còn thiếu nhiều căn cứ để đáp ứng ít nhất 1/10 tiêu chí nổi bật toàn cầu của UNESCO.

      Kinh đô vàng son mới... hé lộ
      Mặc dù kinh đô Hoa Lư chỉ tồn tại ngắn ngủi trong 42 năm (968 - 1010) song có giá trị lớn trong lịch sử vì gắn liền với hàng loạt biến cố trọng đại: thống nhất giang sơn (triều Đinh), chống giặc ngoại xâm (tiền Lê), phát triển quốc gia phong kiến độc lập (Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long - Hà Nội hiện nay). Hai triều Đinh - Tiền Lê đã tận dụng điều kiện tự nhiên núi non trùng điệp, cho đắp 10 đoạn tường thành quy mô lớn nối với các dãy núi đá, tạo nên quân thành Hoa Lư (hiện thuộc địa bàn xã Trường Yên - huyện Hoa Lư)... Song sau hơn 1.000 năm biến thiên lịch sử, đại đa số công trình còn tồn tại trên mặt đất đã được xếp hạng di tích quốc gia (điển hình nhất là hai đền Đinh - Lê còn tương đối nguyên vẹn) ở khu vực vẫn được gọi là cố đô Hoa Lư hiện nay lại được xây dựng từ thế kỷ... XVII! 
      Theo Viện trưởng Viện Khảo cổ học Tống Trung Tín, kết quả đợt khai quật tại khu vực đền Lê và Bãi Hội (năm 1997 - 1998) đã hé mở phần nào diện mạo của kinh đô Hoa Lư: thành quách kiên cố, nhiều kiến trúc lớn và trang trí cầu kỳ mang đậm phong cách nghệ thuật riêng thời Đinh - Lê (đơn giản, khỏe khoắn). Đặc biệt, các nhà khảo cổ đã phát hiện trong số các loại gạch chỉ có ở thời Đinh - Tiền Lê, có một số viên in chữ Đại Việt quốc quân thành chuyên (chuyên để xây thành của vua nước Đại Việt) mang tính "tuyên ngôn độc lập" sau gần 1.000 năm Bắc thuộc. 
      Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học vẫn nhận định những di tích, di vật trên chưa đủ sức thuyết phục cho sự tồn tại của một kinh đô nửa cuối thế kỷ X đến đầu thế kỷ XI. Giáo sư sử học Lê Văn Lan lấy ví dụ điển hình nhất là dòng chữ in trên mấy viên gạch kia lại không đúng với quốc hiệu Đại Cồ Việt do Đinh Tiên Hoàng đặt đều được sử sách chính thống ghi rõ!? 
      Giá trị một "Hạ Long cạn" 
      Kề bên cố đô Hoa Lư, khu sinh thái - hang động Tràng An được Viện trưởng Viện Khảo cổ học Nguyễn Văn Nhật cho rằng chính là thành Nam bảo vệ mặt sau cố đô Hoa Lư. Dưới con mắt các nhà khoa học tự nhiên, khu vực này mang giá trị của một "Hạ Long cạn", cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghiên cứu của Gs Trần Nghi (Khoa Địa chất, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) cho thấy, vỏ trái đất khu vực Tràng An - Bích Động (huyện Hoa Lư) có lịch sử phát triển địa chất từ 245 triệu năm đến nay gồm 6 hệ tầng tuổi Trias và hệ tầng Đệ Tứ. 
      Khối karst già Tràng An - Bích Động (rộng khoảng 70km2 trên địa bàn sáu xã của huyện Hoa Lư) mang đặc điểm nhiệt đới điển hình: những dãy núi đá hoặc khối đá vôi sót cao 150 - 200m có đỉnh dạng tháp (giống Hạ Long), vòm, chuông và sườn vách dốc đứng. Phần rìa khối là các thung lũng bằng phẳng dễ úng ngập vào mùa mưa. Đặc điểm này tạo cảnh quan nhiều dãy núi đá vôi thấp trùng điệp bao quanh các thung lũng (hồ nước) nối tiếp nhau, vừa hùng vĩ vừa nên thơ.
      Trong hệ thống hang động karst đặc sắc nhất là loại "hang sông" nằm ngang xuyên qua lòng các dãy núi lớn, ngập nước thường xuyên. TSKH Vũ Quang Côn (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) thống kê, riêng khu Tràng An có 50 hang nước và 50 hang khô tập trung thành cụm với cấu tạo theo tầng lớp và liên hoàn do dấu vết thời kỳ biển tiến, biển thoái (vì các đợt tan băng và khí hậu nóng lên ở kỷ Đệ Tứ cách đây 6.000 năm) nên nước xâm thực, liên thông các hang động với nhau. 
      Văn hóa, tự nhiên hay hỗn hợp?
      Theo Gs Lê Văn Lan, UNESCO đã phản hồi cho phía Việt Nam về việc xác định giá trị văn hóa - lịch sử khu di tích cố đô Hoa Lư, trong đó có nội dung phải kèm thêm các giá trị khác. Do vậy, cần bám chắc các tiêu chí về văn hóa và làm "đậm nét" hơn bằng các giá trị của khu sinh thái Tràng An. Gs Phan Khanh (Hội Khoa học lịch sử VN) cho rằng, nên đề nghị công nhận cố đô Hoa Lư, gồm cả khu vực Tràng An và danh lam Tam Cốc - Bích Động, là di sản thiên nhiên sẽ thuận lợi hơn với "linh hồn" là giá trị văn hóa - lịch sử. Gs Trần Nghi lại chọn hai phương án: Di sản thiên nhiên (gồm cả khu Tam Cốc - Bích Động) là chính với tiêu chí địa chất - địa mạo, văn hóa là phụ; hoặc tách làm hai hồ sơ riêng. Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN Lưu Trần Tiêu cũng lưu ý, UNESCO thiên về công nhận Di sản thiên nhiên, nhất là liên quan tới biển. Do đó, UBND tỉnh Ninh Bình nên quan tâm tới giá trị địa chất - địa mạo hoặc cảnh quan. Phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nguyễn Quốc Hùng lại đặt vấn đề trình hồ sơ theo hướng di sản hỗn hợp (vừa có giá trị nội bật toàn cầu về văn hóa, vừa tiêu biểu về tự nhiên).  
      Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Trần Chiến Thắng cho rằng, lập kế hoạch khảo cổ một cách kỹ lưỡng là quan trọng nhất và phải được tiến hành trước tiên nhằm xác định phạm vi kinh đô đến đâu, hình hài và vận hành thế nào... Tiếp đó phải công nhận khu vực cố đô Hoa Lư là di tích cấp quốc gia đã. Do vậy, trong quy hoạch vùng, UBND tỉnh Ninh Bình phải xác định cố đô Hoa Lư là vùng nào cần được bảo vệ. Như vậy phạm vi bảo vệ không chỉ là quần thể núi đá vôi và hang động hiện có trong 2.168ha của Khu du lịch sinh thái Tràng An mà còn ở các huyện xung quanh. Tôi nhất trí với việc xem xét lại mối quan hệ giữa Khu du lịch sinh thái Tràng An - một dự án du lịch riêng biệt bao gồm chùa Bái Đính xây mới hoàn toàn - với cố đô Hoa Lư và vùng sinh thái Tràng An! Từ đó đặt lại tên đầy đủ và rõ nghĩa đối với vùng sinh thái của cố đô Hoa Lư, làm cơ sở hoạch định các tiêu chí tiếp theo.

TIẾN NGÂN