Xây dựng định hướng phát triển ngành năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình

- Thứ Ba, 29/12/2020, 16:38 - Chia sẻ
Sáng 29.12, Cục Năng lượng nguyên tử đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc dự và chỉ đạo hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết: Trong 15 năm qua, kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi rất căn bản, nếu như GDP năm 2006 khoảng 65-66 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người 750-800 USD/người/năm thì đến nay, tổng GDP cả nước đạt khoảng 340-350 tỷ USD, bình quân đầu người đạt 3500 USD/người/năm. Qua đó, có thể thấy nhu cầu về năng lượng và ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ các ngành công nghệ hạt nhân trong đời sống hiện tại ở trạng thái khác.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Công Tạc, chiến lược hạt nhân của nước ta trong 15 năm qua có 2 mảng, điện hạt nhân và ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ. Đối với điện hạt nhân, Quốc hội Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 31/2016 về việc tạm dừng triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, nhu cầu phát triển đất nước cũng như năng lượng của quốc gia và đối với hơn 96 triệu dân là rất lớn. Trong tương lai không xa, buộc chúng ta phải phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Như vậy, chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử trong thời gian tới có nhiều ứng dụng, chứ không riêng gì bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y học, công nghiệp và nông nghiệp như hiện nay, Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Thông qua hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc mong muốn các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu đóng góp ý kiến vào kết quả đã đạt được, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm chuẩn bị xây dựng cho định hướng phát triển ngành năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình cho giai đoạn tới. Những ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội nghị sẽ được Bộ tiếp thu, tổng hợp trình Chính phủ có phương án phát triển năng lượng nguyên tử tại Việt Nam.

Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo đánh giá, ứng dụng năng lượng nguyên tử vào lĩnh vực y tế, đến cuối năm 2020, cả nước có 40 cơ sở y học hạt nhân, chủ yếu tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn. Về trang thiết bị có khoảng 52 thiết bị xạ hình, đạt tỷ lệ 0,55 máy/1 triệu dân. Nhiều kỹ thuật điều trị y học hạt nhân hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế hiện đại đã được triển khai tại Việt Nam như: Điều trị ung thư tế bào gan; kỹ thuật điều trị miễn dịch phóng xạ bằng kháng thể đơn dòng Rituzumab gắn I-131; kỹ thuật cấy phóng xạ trong điều trị ung thư tuyến tiền liệt… Về xạ trị, cả nước có 42 cơ sở xạ trị, các cơ sở xạ trị tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn, có trình độ kinh tế – xã hội phát triển. Tổng số thiết bị có 96 thiết bị, đạt tỷ lệ 1 thiết bị/1 triệu dân. Sự tiến bộ của KHCN mà đặc biệt là công nghệ gia tốc đã giúp cho phương pháp xạ trị đạt được hiệu quả và có nhiều ưu thế trong trị liệu ung thư. Năm 2020, thiết bị gia tốc xạ trị LINAC hiện đại đầu tiên của Việt Nam được lắp đặt và đưa vào phục vụ điều trị bệnh ung thư tại Bệnh Viện K. Đối với chuẩn đoán hình ảnh, hiện cả nước có khoảng 8.770 thiết bị X-quang, gần 900 máy chụp cắt lớp vi tính, 280 máy chụp cộng hưởng từ và trên 70 máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA. Các kỹ thuật tiên tiến về điện quang như điện quang can thiệp đã được áp dụng thành công ở các bệnh viện tuyến trung ương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, đã chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến đã có sự phát triển đáng kể bằng việc tạo ta và đưa vào sản xuất nhiều loại giống cây trồng như lúa, ngô, đậu tương có năng suất cao, phẩm chất tốt; hình thành 10 cơ sở nghiên cứu chọn tạo giống tập trung ở miền Bắc và miền Nam, trong đó có 8 cơ sở đã có giống đột biến phóng xạ được đăng ký và đưa vào sản xuất. Đến nay, Việt Nam đã tạo ra và đưa vào sản xuất 71 giống cây trồng đột biến bằng phương pháp chiếu xạ… Trong lĩnh vực Công nghiệp và ngành kinh tế kỹ thuật khác, theo thống kê đến năm 2019, trong lĩnh vực công nghiệp có 1.600 cơ sở tiến hành công việc bức xạ chiếm khoảng 60% tổng số cơ sở tiến hành công việc bức xạ trên cả nước, sử dụng 3.500 ngồn phóng xạ, 3.200 thiết bị phát tia X. Các kỹ thuật kiểm tra không phá hủy (NDT) đã được ứng dụng trong các công trình trọng điểm quốc gia như: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình… đem lại lợi ích rõ rệt cho công tác bảo đảm an toàn và duy trì sản xuất. Đồng thời, công nghệ bức xạ bằng nguồn Co-60 và máy gia tốc đã được các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp ứng dụng thành công và hiệu quả tại Việt Nam. Doanh thu từ chiếu xạ ở quy mô công nghiệp phục vụ xuất khẩu các mặt hàng hoa quả, thủy sản, hải sản vào các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Úc… đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm… Đối với lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia đã dần được hình thành với Trạm điều hành và trạm vùng tại Hà Nội được đặt ở Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, các thiếu bị online đo phóng xạ đã được lắp đặt tại một số trạm địa phương…

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trao bằng khen cho 18 tập thể đã có nhiều đóng góp trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trao bằng khen 8 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

Cũng tại Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã trao tặng Bằng khen cho 18 tập thể, 8 cá nhân và kỉ niệm chương cho 1 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Khánh Duy