Xây dựng công an xã chính quy là yêu cầu tất yếu
Một trong những bổ sung mới của dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp thứ Năm vừa qua là Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. Theo ĐBQH HOÀNG THỊ THU TRANG (Nghệ An), đây là yêu cầu tất yếu để nâng cao hiệu quả hoạt động của công an xã, thị trấn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự cơ sở trong tình hình mới.
Năng lực chưa đáp ứng với thẩm quyền, nhiệm vụ
- Bà đánh giá như thế nào về quy định mới trong dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi): Chính phủ quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy?
|
- Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn xã. Pháp lệnh Công an xã năm 2008 và Nghị định 73 năm 2009 của Chính phủ đang giao cho công an xã rất nhiều thẩm quyền. Cụ thể, thẩm quyền lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai của người bị hại, nhân chứng, thu giữ vật chứng, thẩm quyền vẽ sơ đồ, lấy lời khai người phạm tội quả tang, lấy lời khai người bị bắt theo lệnh truy nã. Trường hợp tiếp nhận đối tượng do nhân dân giải đến thì lập biên bản vụ việc, cử người vẽ sơ đồ, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ, bảo quản vật chứng. Hay khi đến hiện trường mà người phạm tội đã bỏ trốn thì tiến hành truy xét, lấy lời khai tạm giữ, bảo quản vật chứng… Đây là những hoạt động vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các vụ án, nếu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công an xã làm sai lệch thông tin ban đầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bản chất vụ án.
Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, hay Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn cho công an xã. Hiện tại, công an xã được giao sử dụng nhiều loại vũ khí và công cụ hỗ trợ như súng trường, súng tiểu liên, bình xịt hơi cay, roi điện, dùi cui. Khi sử dụng những công cụ này có thể hạn chế quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp bảo vệ.
Dù được giao nhiều nhiệm vụ và thẩm quyền lớn như vậy, nhưng tiêu chuẩn về trình độ học vấn để tuyển chọn công an xã dường như chưa tương xứng. Theo Điều 4 Nghị định 73 năm 2009 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Công an xã, thì Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã phải là người đã học xong chương trình THPT trở lên (có bằng tốt nghiệp hoặc có giấy chứng nhận đã học hết chương trình THPT do cơ quan có thẩm quyền cấp). Công an viên phải là người đã tốt nghiệp từ THCS trở lên. Đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa, không có đối tượng tuyển chọn có đủ tiêu chuẩn học vấn theo quy định tại điểm này thì trình độ học vấn của Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thể thấp hơn nhưng cũng phải là người đã học xong chương trình tiểu học trở lên. Điều đáng lưu ý là, ngoài tiêu chuẩn này, Nghị định cũng không có yêu cầu phải qua đào tạo nghiệp vụ trước khi tuyển chọn.
Không thể phủ nhận những đóng góp của lực lượng công an xã thời gian qua, thậm chí họ đã hy sinh cả tính mạng, sức khỏe để bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, lực lượng này cũng chưa đủ mạnh về số lượng và chất lượng. Công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở xã, phường vẫn còn yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ, đã xảy ra nhiều sai phạm làm ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân và ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước... Để khắc phục tồn tại này, việc xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy như dự thảo Luật là yêu cầu tất yếu, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công an xã, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.
- Để công an xã, thị trấn hoạt động chính quy thì cần đầu tư tương ứng về cơ sở vật chất, như trụ sở, đồn trạm. Trong điều kiện ngân sách hiện nay thì việc đầu tư nguồn lực để đáp ứng yêu cầu này cũng còn khó khăn, thưa bà?
- Nếu bắt buộc phải xây dựng ngay trụ sở, đồn trạm riêng cho công an xã, thị trấn chính quy sẽ thực sự là thách thức không nhỏ trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp như hiện nay. Tuy nhiên, hiện lực lượng công an xã đang được bố trí làm việc tại UBND các xã, phường, thị trấn, về cơ bản chưa phát sinh bất cập.
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại của an ninh cơ sở thời gian qua không phải do việc bố trí trụ sở, đồn, trạm mà xuất phát từ năng lực chuyên môn của lực lượng này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Do đó, trong điều kiện hiện nay, khi xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, trước mắt chưa nhất thiết phải xây dựng mới tất cả các đồn, trạm riêng mà nên sử dụng trụ sở như đối với lực lượng công an xã, phường, thị trấn đang sử dụng.
Không tăng biên chế
- Có ý kiến lo ngại, việc xây dựng lực lượng công an xã, phường, thị trấn chính quy có thể làm tăng biên chế. Ý kiến của bà như thế nào?
Tôi nhất trí với quy định của dự thảo Luật về xây dựng công an xã, thị trấn chính quy với vị trí là lực lượng công an cấp cơ sở thực hiện nhiệm vụ nắm tình hình, tiếp nhận, giải quyết ban đầu tại chỗ các vấn đề về an ninh trật tự của cơ sở, trực tiếp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, hướng dẫn các tổ chức quần chúng trong công tác an ninh, trật tự. Tuy nhiên, dự thảo Luật cần thể hiện rõ các quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an xã, mối quan hệ giữa công an xã với cấp ủy, chính quyền địa phương và với lực lượng quân sự cùng cấp. Đồng thời, bảo đảm cơ sở vật chất cho lực lượng này sau khi Luật Công an nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành. ĐBQH Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) |
- Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII và Nghị quyết 56 của QH về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đặt ra yêu cầu về việc tinh giản biên chế. Do đó, trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy hiện nay phải quán triệt yêu cầu không phát sinh biên chế.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc xây dựng lực lượng công an xã thành chính quy không làm tăng biên chế. Bởi, Bộ Công an đã bố trí công an chính quy tại 1.065 đơn vị công an xã, thị trấn. Còn lại 8.516 đơn vị vẫn chưa sắp xếp. Nếu được QH thông qua quy định này, để xây dựng lực lượng công an xã chính quy, Bộ Công an sẽ điều động khoảng 25.000 công an chính quy trong biên chế hiện có để đảm nhận nhiệm vụ ở các xã, phường, thị trấn. Đây là điều động lực lượng về cơ sở trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức nên sẽ không làm phát sinh biên chế. Đây là phương án khả thi, bởi Bộ Công an đang là đơn vị tiên phong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
- Theo bà, cần có giải pháp gì để vừa bảo đảm xây dựng được lực lượng công an xã, thị trấn chính quy, vừa bảo đảm sắp xếp hợp lý đội ngũ công an đang thực hiện nhiệm vụ tại phường, xã, thị trấn?
- Đây là vấn đề lớn. Theo tôi, Bộ Công an và Bộ Nội vụ cần phối hợp, nghiên cứu xây dựng Đề án, tiến hành khảo sát, đánh giá để tham mưu cho Chính phủ lộ trình thực hiện. Cùng với đó, đưa ra các chính sách tổng thể, cụ thể để thực hiện, tránh những xáo trộn, cú shock tâm lý khi triển khai thực hiện. Từ đó, xây dựng lực lượng công an chính quy hoạt động hiệu quả, nhưng cũng bảo đảm sắp xếp hợp tình, hợp lý đội ngũ công an xã đang công tác tại xã, phường, thị trấn, nhất là đối với những người có nhiều năm cống hiến. Về mặt nguyên tắc, Nhà nước phải bảo đảm việc làm, chính sách cho lực lượng công an xã, phường, thị trấn.
Trước mắt, thực hiện thay thế những vị trí khuyết thiếu tự nhiên như trường hợp nghỉ hưu, chuyển công tác. Bố trí công an xã chính quy tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự. Sau khi hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan thì thực hiện thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
- Xin cảm ơn bà!