Xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 05:38 - Chia sẻ
Dự thảo Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 đặt mục tiêu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng.

Cụ thể, duy trì và nâng cao đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế thể hiện qua đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt từ 45 - 50%. Tỷ trọng giá trị trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) không ngừng được cải thiện, thuộc nhóm 40 nước hàng đầu thế giới. Phấn đấu tổng chi quốc gia cho nghiên cứu và phát triển đạt 1 - 2% GDP, trong đó đóng góp từ xã hội chi cho nghiên cứu phát triển chiếm 65 - 70%.

Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức khoa học công nghệ được cơ cấu lại theo hướng tự chủ, liên kết, tiếp cận chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả. Đến năm 2030 có 60 tổ chức khoa học công nghệ được xếp hàng khu vực và thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 40% trong tổng số doanh nghiệp, tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước...

Ngoài những mục tiêu cụ thể trên, dự thảo Chiến lược còn nhấn mạnh đến việc tháo gỡ các cản trở, vướng mắc từ cơ chế, chính sách kinh tế, đầu tư, thương mại, mua sắm công… Làm rõ vai trò và nội hàm của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số. Khung chính sách và triển khai chính sách được điều chỉnh để tăng cường hỗ trợ ứng dụng, áp dụng, hấp thụ công nghệ thay vì quá tập trung vào nghiên cứu phát triển.

Những định hướng, giải pháp này là phù hợp. Tuy nhiên thực tế hiện nay, tiềm lực khoa học công nghệ của nước ta còn yếu, không thể đầu tư tất cả các lĩnh vực nên cần lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, mũi nhọn để đầu tư, ví dụ như công nghệ giao thông, chế tạo máy, nông lâm ngư nghiệp, khoáng sản - dầu khí, luyện kim và vật liệu tiên tiến, y sinh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục - đào tạo. Lý giải về việc phải lựa chọn những vực này, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển công nghệ không có nghĩa là chạy đua. Công nghệ phải đưa được vào sản xuất, ai cũng hiểu, dùng được và nhất là đầu tư phải có trọng điểm. Bên cạnh đó, hệ thống khoa học công nghệ trong nước quá lớn, cồng kềnh nên ngân sách không thể bảo đảm đầu tư tới hạn để phát huy hiệu quả. Do vậy, để chuyển dịch từ ứng dụng công nghệ sang sáng tạo ra công nghệ, cần có cơ chế tài chính phù hợp, hấp dẫn để thu hút nguồn nhân lực và chỉ tập trung đầu tư vào các đề tài công nghệ có tính ứng dụng cao, đem lại hiệu quả.

Ở góc nhìn khác, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trong hệ thống đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp là trung tâm. Chiến lược này của nước ta cũng đi theo hướng đó. Dù vậy, chủ thể nghiên cứu vẫn là các viện và trường đại học. Doanh nghiệp là đơn vị đặt hàng, đưa ra "đầu bài" để nhà khoa học nghiên cứu, sau đó trở lại ứng dụng vào sản xuất của doanh nghiệp. Ở nước ta, đã có thời gian yêu cầu nhóm nghiên cứu phải có được sản phẩm thương mại. Việc này sai về quy trình. Nhà khoa học chỉ có thể đưa ra được sản phẩm trí tuệ, không thể có quy trình sản xuất hay tiềm lực đầu tư tài chính, marketing... Do đó, Chiến lược lần này đã đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.

Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. Thế nhưng thực tế, hoạt động khoa học công nghệ còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế. Bởi vậy, theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, nếu không tập trung xây dựng cơ chế vượt trội, đột phá để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào kinh tế - xã hội thì rất khó đạt mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ninh Hà