Xây dựng Chương trình quốc gia về phát triển nhân lực phục vụ chuyển đổi số
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ Chín, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, cần xây dựng chương trình quốc gia về phát triển nhân lực phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn.
ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình): Hoàn thiện Trung tâm dự báo cung cầu lao động quốc gia và vùng

Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện những giải pháp để phát triển thị trường lao động, tạo việc làm bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là động lực đột phá cho tăng trưởng năng suất lao động.
Phát triển thị trường lao động hiện đại, hiệu quả gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực số và xanh chính là điều kiện nền tảng để Việt Nam chuyển đổi thành công sang mô hình tăng trưởng bền vững, hội nhập sâu rộng và bắt nhịp kỷ nguyên số. Theo đó, Chính phủ cần sớm triển khai, đưa các chính sách trong Luật Việc làm (sửa đổi) đi vào cuộc sống.
Đồng thời, đổi mới mạnh mẽ hệ thống giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động. Tăng cường đào tạo kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, module hóa theo nhu cầu doanh nghiệp. Phát triển đào tạo kép, học đi đôi với làm. Có cơ chế đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường, trong đó doanh nghiệp là người dùng cuối đánh giá hiệu quả.
Phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động hiện đại, minh bạch và liên thông; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động và việc làm tích hợp với dữ liệu dân cư, bảo hiểm, giáo dục, đào tạo, y tế; hoàn thiện Trung tâm dự báo cung cầu lao động quốc gia và vùng bảo đảm dự báo theo ngành nghề, địa phương, trình độ.
Thúc đẩy chính sách việc làm bền vững, hỗ trợ khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức, hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao kỹ năng cho lao động phi chính thức. Tăng cường tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho mọi người lao động.
Thực hiện đầu tư có trọng tâm và phát triển nhân lực chất lượng cao, nhân lực số, nhân lực đổi mới sáng tạo; xây dựng chương trình quốc gia về phát triển nhân lực phục vụ chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn. Có cơ chế thu hút nhân lực, chuyên gia giỏi đầu tư vào các cơ sở đào tạo mũi nhọn, trung tâm mới đổi mới sáng tạo quốc gia và địa phương.
ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương): Tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức

Việt Nam là quốc gia có dân số đông và nền kinh tế còn ở nhóm thu nhập trung bình thấp. Hiện nay, lao động phi chính thức chiếm hơn 60% lực lượng lao động cả nước. Đây là một bộ phận rất quan trọng của thị trường lao động, đã và đang đóng vai trò thu hút, giải quyết phần lớn việc làm cho người lao động.
Đại đa số lao động phi chính thức đều có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, thu nhập thấp và thời gian làm việc kéo dài, đó là những người bán hàng rong, xe ôm công nghệ, thợ hồ, giúp việc hàng triệu hộ cá thể, họ thường không có hợp đồng lao động hoặc có nhưng không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, không được chi trả các chế độ phụ cấp và các khoản phúc lợi xã hội khác... Thực trạng này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động, mà còn tạo ra bất bình đẳng trong tiếp cận an sinh xã hội, làm gia tăng nguy cơ nghèo đói khi gặp rủi ro và ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Dự báo trong thời gian tới, số lượng lao động phi chính thức sẽ còn tiếp tục gia tăng. Do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm sát sao và có các giải pháp bền vững để phát triển thị trường lao động, chú trọng khu vực lao động phi chính thức.
Cụ thể, quan tâm đến môi trường, điều kiện làm việc, tăng cường bảo đảm an sinh xã hội cho lao động phi chính thức, đặc biệt là cho nhóm lao động nữ và người khuyết tật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người lao động và người sử dụng lao động thực hiện ký kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, nâng cao nhận thức và hiểu biết của lao động trong khu vực phi chính thức về chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, từ đó góp phần từng bước hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người lao động một cách hiệu quả nhất.
ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội): Nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu

Những năm qua, nông nghiệp nước ta đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục, tăng 18,7% so với năm 2023, xuất siêu là 17,9 tỷ USD. Tuy nhiên, đi kèm với những thành tựu là không ít thách thức.
Gần đây, có một số lô hàng nông sản của một số doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu về hàng rào kỹ thuật nên không xuất khẩu được. Đây không chỉ là câu chuyện của một vài doanh nghiệp mà cần nghĩ đến bài toán hệ thống liên quan tới quy hoạch vùng trồng, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc thị trường và đặc biệt là năng lực canh tác an toàn của nông dân.
Đề nghị cần rà soát, đánh giá tổng thể lại các mặt hàng chủ lực có giá trị xuất khẩu cao của ngành nông nghiệp để có bức tranh toàn diện, khách quan, nhận định chính xác những điểm đã và đang triển khai hiệu quả, các vấn đề còn bất cập dẫn đến thị trường xuất khẩu chưa ổn định, từ đó đưa ra cách giải bài toán tổng thể.
Đặc biệt, chú trọng việc áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong từng khâu của toàn chuỗi sản xuất để phát triển và gia tăng giá trị của ngành hàng. Tăng cường nghiên cứu các hàng rào kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu để rà soát, điều chỉnh quy định, thể chế, quy hoạch vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất, giám sát chất lượng thương mại và thị trường. Huy động thêm đội ngũ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tham gia vào các khâu trong chuỗi sản xuất để nâng cao chất lượng và làm gia tăng giá trị sản xuất.