Xây dựng chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ

Lan Chi 29/05/2018 22:59

Ngày 29.5, tại Hà Nội, Trung tâm hướng nghiệp và tiếp sức trẻ học hòa nhập đã phối hợp với Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam tổ chức Tọa đàm Chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phát triển lần thứ 3 với chủ đề: Xây dựng chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn phát triển khác, nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện các đề xuất, kiến nghị về chính sách để hỗ trợ và tạo điều kiện cho trẻ em rối loạn phát triển có cơ hội đi học hòa nhập tại các trường phổ thông và được hưởng các quyền của mình.

Theo các đại biểu tham gia tọa đàm, mặc dù ngành giáo dục trong những năm qua đã quan tâm đến việc học hòa nhập của những người khuyết tật hòa nhập nói chung, tuy nhiên, học sinh bị rối loạn phổ tự kỷ và các rối loạn phát triển khác không được chứng nhận là học sinh khuyết tật nên không được hưởng các chính sách ưu đãi của Quy chế học hòa nhập. Việc dạy và học trong trường phổ thông của những học sinh tự kỷ cũng gặp rất nhiều khó khăn như các cơ sở giáo dục chưa có quy chế quản lý giáo dục đối tượng học sinh này; chưa có tài liệu hướng dẫn cụ thể về phương pháp tác động để bảo đảm chất lượng giáo dục. Học sinh mắc các hội chứng này lại thiếu nhiều kỹ năng cần thiết để học hòa nhập trong các trường phổ thông trong khi ngành giáo dục khuyến khích học sinh khuyết tật nói chung và học sinh gặp trở ngại trong học tập học theo phương thức học hòa nhập.

Với mong muốn góp phần mang đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho trẻ rối loạn phát triển, các đại biểu khuyến nghị, ngành giáo dục cần có những hướng dẫn để trẻ khuyết tật nói chung, trẻ có rối loạn phổ tự kỷ nói riêng được nhập học tại bất cứ đâu, thời điểm nào trong năm học, và được tạo điều kiện để được hòa nhập và học hòa nhập; cho trẻ được sử dụng các thiết bị hỗ trợ như: Máy tính, máy tính bảng, máy tính bỏ túi… trong quá trình học tập và kiểm tra - thi cử; trẻ được thiết kế chương trình, kế hoạch học tập phù hợp với đặc điểm cá nhân (khả năng, nhu cầu, sở thích,  điều kiện sức khỏe, khả năng nhận thức, phương thức giao tiếp…); trẻ được xác nhận là một đối tượng trong nhóm trẻ khuyết tật tâm thần kinh hoặc “các dạng khuyết tật khác” (ghi trong Luật Người khuyết tật) và được hưởng những ưu tiên trong học tập, đánh giá và chuyển tiếp như trẻ khuyết tật khác. Ngành giáo dục cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong và ngoài nhà trường về việc chống kỳ thị học sinh khuyết tật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xây dựng chính sách giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO