Xây dựng chính quyền phục vụ, minh bạch, thân thiện, đồng hành
Phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội, trong đó có việc thực hiện một trong 4 Nghị quyết trong "bộ tứ chiến lược" tại Kỳ họp thứ Chín, ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng, cần xác định đúng vị trí của doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Mỗi cấp chính quyền quyết tâm xây dựng mô hình chính quyền phục vụ, minh bạch, thân thiện, đồng hành là yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt Nghị quyết 68-NQ/TW.
Quy mô của hộ kinh doanh còn nhỏ lẻ, nhưng là dòng chảy bền bỉ
Liên quan đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu rõ, hiện nay chúng ta đã xác định rõ "bộ tứ Nghị quyết" chiến lược gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 66 -NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.
Trong đó, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân là cơ hội để đất nước chuyển mình trong kỷ nguyên mới. Cụ thể, hộ sản xuất kinh doanh là hướng phát triển quan trọng trong 5 năm tới, phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa là khâu đột phá trong phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
.png)
Để hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, 4 nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển lớn mạnh và phát huy được vai trò, sứ mệnh trong kỷ nguyên mới, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp.
"Theo tôi, hộ kinh doanh hiện nay mặc dù quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị tài chính, sức cạnh tranh chưa cao, nhưng đây là một dòng chảy bền bỉ, có đóng góp lớn vào nền kinh tế, giữ vai trò rất quan trọng trong tạo việc làm, thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng địa bàn khó khăn và phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương trong giai đoạn trước mắt", đại biểu Lý Tiết Hạnh khẳng định.
Tuy nhiên, về lâu dài, theo đại biểu, cần rà soát, phân loại hộ kinh doanh để xây dựng kế hoạch, lộ trình hỗ trợ chuyển sang doanh nghiệp phù hợp. Hết sức chú trọng việc tuyên truyền, vận động giúp cho người dân hiểu rõ khi chuyển đổi lên doanh nghiệp họ có các lợi ích, rủi ro gì hay cơ hội, thách thức gì để họ chủ động trong hoạch định kế hoạch kinh doanh.
Có cơ chế ưu đãi đặc biệt chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp
Trong bối cảnh mới yêu cầu hội nhập và phát triển ngày càng mạnh mẽ như hiện nay, đại biểu Lý Tiết Hạnh kiến nghị Chính phủ cần có các chính sách thật sát, cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho các hộ kinh doanh.
Trong đó, trước hết, cơ chế, chính sách cần thật sự đơn giản, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. "Cần nghiên cứu ban hành cơ chế ưu đãi đặc biệt về chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp với chính sách 0 đồng; hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, miễn, giảm thuế, tiếp cận tín dụng", đại biểu kiến nghị.
.png)
Cùng với đó, cần bảo đảm tính ổn định của các chính sách để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp; các chính sách mới khi ban hành cần có hướng dẫn và lộ trình cụ thể cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn chuyển đổi.
Về công nghệ thực tiễn, đại biểu đề nghị, có thể hỗ trợ kỹ thuật số, cấp giấy phép phần mềm quản lý cơ bản miễn phí ít nhất một năm cho các doanh nghiệp mới thành lập; hỗ trợ pháp lý trong việc soạn thảo các hợp đồng đàm phán thương mại, xúc tiến chuyển giao công nghệ. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ doanh nhân có tâm, có tầm, giỏi nghề, am hiểu pháp luật là hết sức cần thiết. "Tôi đề xuất chính sách về kết nối chuyên gia tư vấn từ các doanh nghiệp lớn, các trường đại học, viện nghiên cứu để cố vấn cho các doanh nhân trẻ", đại biểu nói.
Đại biểu cũng đề nghị, cần tập trung thu hút doanh nghiệp mới, trong đó có doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với tinh thần muốn “lót ổ cho đại bàng” thì phải tạo ra những “cánh rừng tươi tốt để đàn ong có mật”, đại biểu đề nghị cần có những giải pháp cụ thể. Đặc biệt, hiện nay sau khi thực hiện sáp nhập địa giới hành chính cần nhanh chóng rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các không gian phát triển mới tương thích, phù hợp với các chiến lược phát triển dài hạn và ưu tiên bố trí nguồn vốn khuyến công, khoa học, công nghệ, xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Đại biểu cũng cho rằng, cần chú trọng nhóm giải pháp về phát triển nguồn nhân lực và khởi nghiệp, không chỉ là nhân lực của doanh nghiệp, doanh nhân mà còn là nhân lực trong bộ máy hành chính nhà nước.
Từ thực tiễn địa phương, đại biểu Lý Tiết Hạnh thấy rằng, việc xóa bỏ rào cản, định kiến và tư duy cũ, xác định đúng vị trí của doanh nhân là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, việc mỗi cấp chính quyền quyết tâm trong xây dựng mô hình chính quyền phục vụ minh bạch, thân thiện, đồng hành chính là "điểm cộng", là những yếu tố quan trọng để hoàn thành tốt chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân.