Xây dựng chiến lược trọng dụng nhân tài
Gần 40 tham luận của các trí thức tại hội thảo Vai trò của nhân tài đối với sự thịnh suy của đất nước: Kinh nghiệm lịch sử và các khuyến nghị với Việt Nam, tổ chức ngày 27.9, tại Hà Nội, góp phần xây dựng những luận cứ khoa học cho chiến lược trọng dụng trí thức, đãi ngộ nhân tài.
Nhân tài có liên quan mật thiết, có ý nghĩa quyết định đối với sự thịnh suy của đất nước. Vấn đề nhân tài và phát triển không phải là vấn đề mới. Rất nhiều người, cả quan chức và học giả, đã quan tâm đến vấn đề này với khá nhiều công trình tiếp cận nhiều góc độ khác nhau. Theo Phó chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam, PGs, Ts Lê Văn Cương, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có nhận thức đúng đắn về vai trò của trí thức, của nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện nhất quán qua nghị quyết của các kỳ đại hội. Tuy nhiên, chính sách, chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc chưa hấp dẫn, chưa có tác dụng quy tụ, khuyến khích nhân tài, trí thức say mê lao động sáng tạo vì sự chấn hưng đất nước. Ông cho rằng, nhân tài không thiếu, trí thức khá đông đảo nhưng thiếu liên kết theo một định hướng. Có trách nhiệm thuộc về nhân tài, trí thức nhưng trước hết và chủ yếu do khiếm khuyết của chính sách trọng dụng nhân tài. “Chính sách, chế độ đãi ngộ nhân tài thực tế đã có nhưng chắp vá, rời rạc và mang tính tình thế. Với những cái đã có không thể gọi là chiến lược trọng dụng nhân tài. Có thể nói, Đảng và Nhà nước muốn có chính sách trọng dụng trí thức, đãi ngộ đặc biệt với nhân tài với tầm vóc một chiến lược quốc gia nhưng còn lúng túng, chưa làm được”.
|
Đưa ra 3 điều kiện thiết yếu để nhân tài xuất hiện trong bối cảnh hiện nay là: một nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học; phát huy dân chủ để phát triển tài năng; áp dụng phương pháp tuyển dụng nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý, Giám đốc NXB Tri thức, Gs Chu Hảo cho rằng: đã đến lúc phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà. Muốn vậy, trước hết phải đánh giá một cách toàn diện và khách quan nền giáo dục quốc dân dưới sự chủ trì của Ban Khoa giáo Trung ương hoặc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ của Quốc hội. Căn cứ vào kết quả đánh giá sẽ giao cho một Hội đồng hoặc Ủy ban soạn thảo chương trình cải cách giáo dục để Quốc hội thông qua. Ông cũng cho rằng, việc tuyển dụng và sử dụng nhân tài của nước ta hiện còn nhiều bất cập. Với quy trình như hiện nay, thay vì phải chọn những người có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi chúng ta buộc phải nhận những người có khiếu học thuộc lòng nội dung các tài liệu phục vụ kỳ thi tuyển. Một vấn đề nổi cộm, cần sớm được khắc phục trong công tác tổ chức cán bộ là tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ vào cấp ủy các cấp từ trung ương xuống cơ sở thường là khác, đôi khi khác nhiều so với tiêu chuẩn cương vị công tác chính quyền mà sau đó họ được phân công đảm nhận. Vì vậy, phải có cách làm cụ thể để quá trình lựa chọn ấy đáp ứng yêu cầu thực tế.
Lấy ví dụ từ cách dùng người tài của Bác Hồ, Gs Nguyễn Lân Dũng bày tỏ quan điểm, muốn sử dụng nhân tài trước hết phải tin tưởng họ. Bác Hồ rất quan tâm đến nhân tài và không phân biệt đó là người trong Đảng hay ngoài Đảng. Khi thành lập Chính phủ tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị lựa chọn khá nhiều trí thức không phải đảng viên vào các vị trí quan trọng. Như ông Tạ Quang Bửu là một nhà toán học nổi tiếng, tháng 3.1946 tuy chưa vào Đảng ông đã được giao làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và tháng 8.1947 được giao làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi mới vào Đảng được một tháng. Bên cạnh các trí thức tham gia chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn ân cần chăm sóc đội ngũ trí thức ngoài Đảng tham gia trực tiếp trong các ngành giáo dục, y tế, khoa học...
Dưới góc nhìn tài năng phải gắn với môi trường xã hội, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học - xã hội, Gs, Ts Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh: không có tài năng nào xuất hiện và tồn tại ở ngoài môi trường tất nhiên sinh ra nó. Nói cách khác, tài năng nào cũng chỉ xuất hiện từ môi trường mà ở đó nó được ươm mầm, nuôi dưỡng, kích thích để tài năng tự thể hiện mình rồi phát triển. “Nhà nghiên cứu tầm cỡ không xuất hiện từ những người làm khoa học quay lưng với thành tựu bên ngoài. Tác phẩm có giá trị không ra đời từ môi trường vi phạm trắng trợn tác quyền. Nhà quản lý tài ba không thể trở tay được trong thiết chế gồm toàn những người chú tâm đến lợi ích nhóm”. Theo ông, nếu muốn đề cao, tôn vinh hay phát huy tính tích cực xã hội của nhân tài, chưa chắc đã cần đến lương bổng hay đãi ngộ đặc biệt mà chỉ cần đặt nhân tài vào đúng chỗ của họ, tạo mọi điều kiện để họ được tự do thiết lập những liên kết tất nhiên với môi trường, tự khắc tài năng của họ sẽ được nhân lên, làm lợi cho chính họ và cho sự phát triển đất nước.