Xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca Việt Nam

- Thứ Tư, 30/09/2020, 06:07 - Chia sẻ
Tại Hội nghị "Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mắc ca là loại cây có thể phát triển mạnh ở nước ta, là loại cây có tiềm năng “đi sau về trước” nếu biết ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, phát triển các sản phẩm từ mắc ca, hình thành các chuỗi liên kết… Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xây dựng chiến lược phát triển cây mắc ca trong thời gian tới.

Dư địa phát triển còn rất lớn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cây mắc ca đã được du nhập vào trồng ở Việt Nam từ năm 1994. Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2020 tổng diện tích trồng mắc ca tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên khoảng 10.000ha, tiềm năng phát triển đến năm 2030 khoảng 35.000ha. Sau 5 năm thực hiện, đến nay cả nước có 23 tỉnh đã trồng cây mắc ca với diện tích 16.554ha, trong đó 9 tỉnh ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng được 15.440ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch; 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch đã trồng được 1.114ha.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày các sản phẩm được chế biến từ hạt mắc ca.
Ảnh: Lâm Hiển

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch 6.570 tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015 (269 tấn). Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính 3.942 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị 788 tỷ đồng (trong đó khoảng 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước). Đến nay, sản phẩm mắc ca Việt Nam đã bước đầu thâm nhập được các thị trường lớn, khó tính trên thế giới, điều này đã mở ra cơ hội tốt cho phát triển cây trồng mắc ca ở Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, chiến lược phát triển nông nghiệp trong 10 năm tới đưa Việt Nam đứng trong top 10 nước có sức sản xuất lớn về nông nghiệp. Điều này muốn thành hiện thực thì phải lựa chọn cây - con có lợi thế, hướng vào thị trường quốc tế, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng bảo đảm 3 mục tiêu kép: Kinh tế, môi trường và an sinh xã hội. Do đó, mắc ca là đối tượng cây trồng có thể đạt được mục tiêu này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng. Vì vậy, dư địa để phát triển cây mắc ca là rất lớn, nếu làm tốt sẽ giúp hệ số che phủ rừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thời gian qua, mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10.000 hộ gia đình nông thôn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cái khó đối với việc phát triển cây mắc ca hiện nay là công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm, nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém. Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn. Việc tiếp cận, nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế.

Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam Huỳnh Ngọc Huy cũng cho biết, việc phát triển cây mắc ca còn chậm, quy mô còn nhỏ và phân tán, năng suất còn thấp, chưa hình thành được vùng tập trung gắn kết với chuỗi giá trị: Giống - vườn trồng - chế biến - tiêu thụ - kết nối với thị trường quốc tế… Do đó, cần khuyến khích trồng mắc ca thành vùng tập trung, có quy mô lớn, để gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tiến tới hình thành sản phẩm chủ lực quốc gia theo chuỗi sản phẩm: Giống - trồng - chế biến - tiêu thụ cho từng vùng; chú trọng liên kết 4 nhà (Nhà nước - nhà nông - nhà đầu tư - nhà khoa học) để thúc đẩy phát triển cây mắc ca.

Cây “đi sau, về trước”

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cây mắc ca chứa đựng nhiều giá trị xã hội đặc biệt, không chỉ đơn thuần là hiệu quả kinh tế, vì cây mắc ca có thể vào vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng khó khăn, vùng đồng bào có thu nhập thấp, là cây xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

Thủ tướng cho rằng đây là một loại cây, loại quả có thể “đi sau, về trước” nếu biết cách làm, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết chuỗi giá trị. Thủ tướng lấy ví dụ về cây cà phê vào Việt Nam từ năm 1885. Năm 1902, người Pháp chính thức cho khảo nghiệm. Sau gần 125 năm, cây cà phê trở thành cây công nghiệp đứng 2 thế giới về xuất khẩu của Việt Nam. Mắc ca có thể “đi sau, về trước” để trở thành mặt hàng đứng đầu thế giới của Việt Nam trong thời gian ngắn hơn nhiều. Ngành nông nghiệp, các nhà khoa học, doanh nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phải trả lời cho được những câu hỏi về làm sao mắc ca có thể phát triển xứng tầm với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Cho biết, theo tính toán, mắc ca có thể cho thu nhập 250 triệu đồng/ha với mức giá 6 đô la Australia hiện nay, gấp 3 lần cây cà phê, nhưng Thủ tướng nhấn mạnh cần có quy hoạch tiểu vùng thay vì đâu đâu cũng trồng mắc ca. Phát triển mắc ca phải gắn với quản lý nhà nước về quản lý giống, đầu tư khoa học công nghệ.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, quản lý phát triển giống là khâu giống là quyết định. Hiện có 13 loại giống được công nhận và một số giống mới do doanh nghiệp nhập về, cần có sự lựa chọn phù hợp, tránh tình trạng nông dân trồng mà không có quả. Đối với vùng Tây Nguyên thì có thể trồng xen, vùng Tây Bắc có thể trồng tập trung. Do đây là cây có thể thâm canh, do đó, phải chú ý đầu tư đồng bộ từ đầu mới cho hiệu quả. Ngành ngân hàng cần nghiên cứu chính sách tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào mắc ca tiếp cận thuận lợi. 

Cùng với việc xây dựng, công bố quy hoạch phát triển cây mắc ca thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, Chính phủ, các bộ, địa phương, tỉnh phải có định hướng cụ thể. Doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải tham gia định hướng phát triển cây mắc ca. Đồng thời, vận động sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. “Các tỉnh hướng dẫn người dân và tôi đồng ý là thành lập các hợp tác xã phát triển cây mắc ca từ sản xuất quả cho đến chế biến. Cần làm đồng bộ điều này, vì đây không chỉ là cây đi sau về trước mà là cây quốc kế dân sinh”- Thủ tướng nói  

Từ thực tế phát triển, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, các địa phương phối hợp xây dựng một chiến lược phát triển cây mắc ca. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng một nghị định của Chính phủ về phát triển cây mắc ca ở Việt Nam.

Minh Hương