Quản lý tài nguyên nước

Xây dựng các chiến lược có tầm nhìn dài hạn

- Thứ Ba, 19/10/2021, 23:12 - Chia sẻ
Tình trạng suy kiệt nguồn nước cả trên bề mặt và nước dưới đất ở nhiều vùng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta cũng chưa có cơ chế rõ ràng bảo vệ nguồn nước sạch để sử dụng lâu dài. Vì vậy, ngay lúc này cần tăng cường hoạt động kiểm kê, điều tra cơ bản về tài nguyên nước để có số liệu cụ thể, từ đó đề ra các biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

Cần thay đổi để nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng nước

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân cho biết, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới hay Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, an ninh nguồn nước bao gồm: Thứ nhất, phải đảm bảo trữ lượng nguồn nước từ đầu nguồn. Thứ hai, phải đảm bảo sử dụng nước một cách hiệu quả, công bằng với mọi đối tượng. Thứ ba, phải phòng tránh ô nhiễm nước. Nếu ba vấn đề trên chúng ta đều làm tốt thì an ninh nguồn nước cơ bản được đảm bảo.

 

Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân chia sẻ tại Tọa đàm "Tài nguyên nước và vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng nước sạch"
Ảnh: Duy Thông

Về trữ lượng nước, Việt Nam phải chấp nhận rủi ro có đến 63% là nước ngoại sinh. Nước nội sinh chỉ có khoảng 37%, tức là hơn 320 tỷ m3/năm, nước ngầm chỉ có 63 tỷ m3/năm. Lượng nước ngầm là tài nguyên vô cùng quý giá chúng ta phải dự trữ, trong trường hợp có thiên tai, hiểm họa tự nhiên, chiến tranh khiến không thể tiếp cận với nguồn nước mặt thì nước ngầm trở nên cực kỳ quan trọng. Nếu khai thác không hợp lý sẽ ảnh hưởng đến chất lượng các tầng nước ngầm và nguy cơ ô nhiễm ngày càng cao. Việc phục hồi lại tầng nước ngầm sẽ tốn rất nhiều thời gian, có khi đến hàng trăm năm, vì vậy phải hết sức lưu giữ và bảo quản. Còn 37% trữ lượng nước nội sinh nằm trên các con sông và phân bổ không đều, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô hạn.

Về hiệu quả sử dụng nước, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại Việt Nam giá nước mới chỉ đạt 0,37$/m3 nước, chỉ bằng ¼ so với Trung Quốc, Nhật Bản... chỉ bằng 1/8 so với mặt bằng chung của thế giới. Chúng ta không chỉ sử dụng nước cho sinh hoạt mà còn sử dụng cho cả các hoạt động kinh tế. “Hiện 83-85% nước được sử dụng cho ngành nông nghiệp, nếu giá trị gia tăng của nước thấp như vậy rõ ràng thì sẽ làm cho hiệu quả của cả ngành nước bị thấp đi”, ông Nguyễn Quang Huân nhận định.

Thông tin về thực trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân cho biết, một vấn đề nữa cần quan tâm là việc mỗi ngày phát sinh khoảng 60 nghìn tấn rác thải, một năm có khoảng 22 triệu tấn rác. Trong khi đó, việc xử lý rác thải hiện nay là không đáng kể, chúng ta mới chỉ thu gom, xử lý rất hạn chế, chủ yếu vẫn là chôn lấp, và từ rác thải sẽ gây ô nhiễm sang nguồn nước ngầm.

Về việc xử lý nước thải, theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện chỉ có 12-14% nước thải được xử lý, còn lại thì không xử lý mà đổ ra sông, hồ và có đến 3 tỷ m3 nước thải không được xử lý hàng năm.

Các hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam có khoảng 50% lượng phân bón, thuốc trừ sâu được dùng cho cây trồng nông nghiệp không được hấp thụ mà bị xả trôi do mưa lũ hoặc do phương pháp tưới tiêu không hợp lý. Còn theo số liệu của của Viện Khoa học nguyên tử, thì tỷ lệ này có thể lên đến 70%.

“Vì vậy, để có thể đảm bảo an ninh nguồn nước cũng như hạn chế nguy cơ suy giảm nguồn nước sạch, chúng ta cần bắt tay vào làm ngay từ bây giờ, nếu không chỉ 20-30 năm nữa con cháu chúng ta sẽ không có đủ nước sạch để dùng, bất kể mùa mưa hay mùa khô vì ô nhiễm”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Vận hành theo kinh tế thị trường

Theo ông Nguyễn Quang Huân, để nâng cao giá trị, hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước, chúng ta cần xây dựng các chiến lược có tầm nhìn dài hạn. Đồng thời, cũng cần tiếp tục hoàn thiện và thực thi có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước.

Hiện nay, chúng ta đang thiếu hụt cơ chế tiếp cận kinh tế thị trường trong ngành nước. Đơn cử như việc xây dựng hồ, đập với số lượng rất lớn, hơn 1.000 hồ, đập. Ban đầu ngân sách đầu tư xây dựng rất lớn nhưng công tác quản lý vận hành chưa tốt, không duy tu, bảo dưỡng dẫn tới xuống cấp trầm trọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới điều này, trong đó nguyên nhân lớn nhất là do thiếu vốn, và việc thiếu vốn này là do chúng ta không vận hành theo kinh tế thị trường. 

Xây dựng cơ chế quản lý để khuyến khích được xã hội hoá, nhiều thành phần tham gia theo kinh tế thị trường. Ảnh: ITN

“Nếu hồ, đập mà tới 10 năm mới tiến hành bảo dưỡng một lần và chỉ lấy nguồn kinh phí từ nhà nước thì sẽ là gánh nặng rất lớn cho quốc gia. Tôi nghĩ chúng ta cần nghiên cứu chính sách để khắc phục vấn đề này”, ông Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Huân, hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để một tổ chức nào đó vận hành bảo vệ nguồn nước. Như vấn đề trồng rừng để tạo nguồn sinh thủy, chúng ta phải có cơ quan, tổ chức thực hiện điều này. Nếu chỉ kêu gọi cộng đồng thì sẽ rất khó, vì còn phụ thuộc vào ý thức của người dân, khả năng kêu gọi được cũng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Nhưng nếu chúng ta có một tổ chức mà Nhà nước giao cho phụ trách việc này thì họ sẽ có cơ chế để hoạt động.

“Như tại Trung Quốc hiện nay, các cơ quan, tổ chức bảo vệ nguồn nước họ sẽ có một quỹ đất gần nguồn nước để khai thác, từ đó có kinh phí để đầu tư vào bảo vệ nguồn nước. Theo tôi, chúng ta nên quan tâm về vấn đề này, đây là một thành tố quan trọng trong bảo vệ an ninh nguồn nước”, ông Huân nói.

Xuân Tùng