Xây dựng báo cáo thẩm tra từ khi chưa có tài liệu chính thức

- Thứ Bảy, 06/03/2021, 06:22 - Chia sẻ
Cùng với việc các Ban HĐND tỉnh chủ động tham gia ý kiến từ khâu soạn thảo dự thảo nghị quyết đến khâu trình HĐND xem xét thông qua, việc khắc phục bất cập do tài liệu UBND chuyển sang để thẩm tra thường chậm được chú trọng. Theo đó, từ năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đã thống nhất với UBND tỉnh, khi thẩm tra, các Ban nghiên cứu các văn bản chưa chính thức của UBND tỉnh để xây dựng báo cáo thẩm tra. Đến khi có văn bản chính thức, các Ban rà soát lại báo cáo thẩm tra của mình để chỉnh sửa cho phù hợp.

Tham gia ngay từ khâu đầu tiên của quy trình soạn thảo

Thẩm tra dự thảo nghị quyết là nhiệm vụ của các Ban của HĐND, chất lượng thẩm tra càng cao thì nghị quyết của HĐND càng được bảo đảm. Để việc thẩm tra có chất lượng, các Ban của HĐND phải được tham gia ý kiến từ khâu soạn thảo dự thảo nghị quyết đến khâu trình HĐND xem xét thông qua.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Điện Biên họp thẩm tra các nội dung trình Kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh Khóa XIV
Ảnh: Ngọc Quyên

Trước hết, các Ban phối hợp với đơn vị tham gia ý kiến có trách nhiệm từ khâu đầu tiên của quy trình soạn thảo. Khi các sở, ngành được UBND tỉnh giao chủ trì tham mưu soạn thảo nghị quyết, theo thường lệ sau khi soạn thảo, các sở, ngành xin ý kiến các đơn vị liên quan, trong đó có các Ban của HĐND. Các Ban HĐND nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, thu thập tài liệu, nhất là các văn bản QPPL, tập trung vào các nội dung chính, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, những bất cập, chưa phù hợp... để tham gia ý kiến với các đơn vị. Khi thấy cần thiết, có thể trao đổi với bộ phận soạn thảo để làm rõ những nội dung còn băn khoăn, chưa rõ.

Thường gặp ở giai đoạn này là văn bản còn mang tính chủ quan của cơ quan soạn thảo, nhìn nhận vấn đề một chiều, thiếu tính khách quan theo hướng có lợi cho đơn vị, đối tượng thuộc mình quản lý. Một số đơn vị chưa đầu tư nghiên cứu, khảo sát, thảo luận để xây dựng dự thảo vừa đúng với hướng dẫn của cấp trên, vừa phù hợp với thực tế địa phương. Đặc biệt, các cơ quan soạn thảo hầu như chưa chú ý đánh giá tác động, ảnh hưởng của chính sách đến phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đến các đối tượng điều chỉnh; hoặc thiếu cơ sở pháp lý, chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương… Do đó khi tham gia ý kiến, các Ban HĐND cần nghiên cứu sâu các quy định của pháp luật và thực tế địa phương để trả lời được các câu hỏi: Khi HĐND ban hành nghị quyết sẽ có tác động như thế nào đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mang lại những lợi ích gì; ngân sách sẽ phải chi bao nhiêu?...

Tiếp đó, các cuộc họp của UBND tỉnh hàng tháng đều mời Thường trực HĐND và các Ban tham gia. Đây là dịp các Ban HĐND được nghe những nội dung mà UBND tỉnh bàn bạc, quyết định, trong đó có các nội dung sẽ trình HĐND tỉnh. Các Ban HĐND tập trung vào những nội dung thuộc lĩnh vực của Ban mình và sẽ được phân công tổ chức thẩm tra. Ý kiến tham gia của các thành viên UBND tỉnh rất quan trọng, nhất là những ý kiến chưa đồng thuận, ý kiến còn băn khoăn, hoặc trái chiều. Cuối cùng là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh về những nội dung đó. Các Ban HĐND tham gia ý kiến vào tính hợp hiến, hợp pháp của dự thảo, những căn cứ pháp lý, sự phù hợp của chính sách với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Từ ý kiến của các thành viên UBND đến ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND sẽ được các Ban HĐND tổng hợp để đưa ra ý kiến thẩm tra của Ban khi UBND chính thức trình HĐND.

Lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức thẩm tra, các thành viên kiêm nhiệm tham gia bổ sung. Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 rất xác đáng khi bố trí Trưởng Ban có thế là đại biểu chuyên trách và 2 Phó trưởng ban là đại biểu chuyên trách. Đại biểu chuyên trách dành 100% thời gian cho hoạt động của HĐND, cho nên có thời gian nghiên cứu sâu các nội dung, khi soạn thảo báo cáo thẩm tra sẽ chất lượng.

Nghiên cứu các văn bản chưa chính thức để xây dựng báo cáo thẩm tra

Để báo cáo thẩm tra đạt chất lượng, một yêu cầu quan trọng là tài liệu phải được chuẩn bị đầy đủ, các thành viên của Ban HĐND phải được nghiên cứu tài liệu trước. Thực tế hiện nay, tài liệu UBND chuyển sang thường chậm so với quy định, sát ngày khai mạc kỳ họp mới có tài liệu, đại biểu không có thời gian nghiên cứu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra. Khắc phục tình trạng này, từ năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đã thống nhất với UBND tỉnh, khi thẩm tra, các Ban nghiên cứu các văn bản chưa chính thức của UBND tỉnh để xây dựng báo cáo thẩm tra (văn bản trình Ban Thường vụ, Ban chấp hành Tỉnh ủy cũng đồng thời gửi các Ban để làm tài liệu thẩm tra). Đến khi có văn bản chính thức, các Ban rà soát lại báo cáo thẩm tra của mình để chỉnh sửa cho phù hợp.

Yêu cầu đặt ra là khi thẩm tra không chỉ phát hiện tính hợp lý và không hợp lý của vấn đề mà còn cần đủ cơ sở lý luận và thực tế để chứng minh, thuyết phục đại biểu HĐND khi tham gia biểu quyết. Quan trọng hơn, điều này có được UBND tỉnh tiếp thu và HĐND tỉnh biểu quyết thông qua hay không. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các báo cáo thẩm tra của Ban HĐND tỉnh Điện Biên cơ bản được UBND tỉnh tiếp thu để chỉnh sửa dự thảo nghị quyết trước khi trình HĐND tỉnh. Những kỳ họp gần đây, dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thông qua thường nhận được sự đồng thuận khá cao của đại biểu.

Nhữ Văn Quảng - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Điện Biên