|
Thường thì thế, một phút chạnh lòng.
Bốn, năm năm bén tiếng, bén duyên. Dù sao, ai nỡ...
Tôi nhớ, cái buổi ban đầu sao khó thế. Người ta bảo khó quen thì nhớ lâu. 4 năm, 5 năm là ngàn rưỡi ngày, gần hai ngàn ngày. Bao nhiêu cuộc cọ xát trên nghị trường, và ở hậu trường. Bao nhiêu rơi rụng, bao nhiêu tiến bộ, bao nhiêu vui buồn, bao nhiêu sự quyến rũ mà Quốc hội Khóa XII để lại cho dân cho nước. Bao nhiêu nước mắt chảy dạt dào và trong xanh, chảy qua tuổi thành người thăng hoa và chiến bại, bao nhiêu nước mắt chảy dạt dào và trong xanh...
Chuyện sân golf, chuyện đường sắt cao tốc, chuyện vinashin, chuyện chia ra tách vào, chuyện đón dòng dầu Dung Quất đầu tiên, chuyện ngăn dòng chảy cho đập thủy điện Sơn La... Mọi cái gì thuộc về cuộc sống đối với Quốc hội Việt Nam đều không xa lạ.
Giọng nói ấm, khúc chiết của người đứng đầu; giọng chát chúa, bức xúc của người chất vấn; giọng đều đều, cân nhắc của người giải trình; và rành rẽ, rành rẽ của phần lớn các đại biểu Quốc hội Khóa XII đã hòa làm một, hóa thành lịch sử, thành biểu tượng dân nhất trong lịch sử Nhà nước dân chủ nhân dân - tạo ra sức lôi cuốn có thể được ví như các phong trào xẻ dọc Trường Sơn cứu nước năm xưa. Nhiều cử tri ôm máy thu hình xem Quốc hội chất vấn, nhiều cử tri áp tai vào máy thu thanh dõi theo từng động thái của Quốc hội họp. Người ta tin Quốc hội như tin vào Đảng, như tin vào phần tốt đẹp nhất của Nhà nước công nông.
Ai đã tạo nên trào lưu ấy? Ai đã tạo ra sức nổ nhiệt hạch ấy trong đời sống xã hội hôm nay?
Cám ơn cơ quan quyền lực cao nhất của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã làm nên những ngày tháng năm này!
Đầu thế kỷ XX, đâu như Phan Bội Châu có về thành Nam gặp Tú Xương trước khi xuất dương. Một chí sỹ với một thi sỹ nói với nhau chuyện gì không ai hay, chỉ biết nhà thơ trào phúng có một bài thơ tình lừng danh để lại: Ta nhớ người xa cách núi sông/ Người xa xa lắm nhớ ta không?...
Cuộc chia ly ấy xao xuyến quá.
Bởi thế, chúng ta chào đón một nhiệm kỳ Quốc hội mới cũng hồi hộp hơn, đòi hỏi nhiều hơn.