Nhiều rào cản
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt Net Zero vào năm 2050 và giảm phát thải khí metan 30% vào năm 2030. Trong bối cảnh đó, xanh hóa trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp trong ngành logistics, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Đào Trọng Khoa nói tại tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2024 diễn ra mới đây.
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững ở tất cả các loại hình vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, hàng không, đường thủy nội địa. Hành lang pháp lý thuận lợi với lộ trình thực hiện cụ thể đã thể hiện quyết tâm của Đảng, Chính phủ và các cơ quan quản lý đối với phát triển bền vững, trong đó có phát triển logistics xanh, tạo động lực chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp trong ngành.
Về phía doanh nghiệp logistics, nhận thức và triển khai các hoạt động xanh hóa cũng đã được quan tâm. Báo cáo Logistics 2022 chỉ ra, có tới 73,2% doanh nghiệp cho biết logistics xanh đã nằm trong chiến lược kinh doanh của họ; gần 65% doanh nghiệp cho biết họ có thực hiện kiểm soát môi trường tại doanh nghiệp. Sự quan tâm của doanh nghiệp logistics trong chuyển đổi xanh thể hiện rõ ở việc đã có các doanh nghiệp lớn phát triển được cảng xanh, bưu cục di động, kho bãi xanh…
Dù vậy, theo đánh giá của đại diện VLA, việc thực hiện các quy định trong thực tế vẫn đạt hiệu quả chưa cao. Các quy định và chính sách hiện tại của Chính phủ mới chỉ tập trung vào vận tải đường bộ. Việc hạn chế quy định liên quan đến các loại kết cấu hạ tầng logistics khác như kho bãi hay hệ thống công nghệ thông tin dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Chính sách về quy trình sản xuất để bảo đảm phát triển logistics xanh còn rất hạn chế, đặc biệt là những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải, tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường…
Mặt khác, chất lượng kết cấu hạ tầng hạn chế đã ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai và hiệu quả thực hiện các giải pháp logistics xanh của doanh nghiệp. Việc phát triển vận tải đa phương thức cũng còn nhiều bất cập. Việt Nam mới chủ yếu phát triển vận tải đường bộ trong khi đây là loại hình chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải; trong khi đó, vận tải đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa, đường hàng không gặp khó do khổ đường, diện tích lòng sông, hạn chế chiều dài bến cảng.
Một khó khăn nữa là hệ thống kho bãi chưa theo kịp các nước, tỷ lệ hư hỏng hàng hóa còn cao hoặc chưa chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo. Cũng theo Báo cáo Logistics 2022, có tới 68,6% số doanh nghiệp trả lời chưa sử dụng năng lượng có khả năng tái tạo trong vận hành hoạt động kho tại doanh nghiệp hoặc chưa thuê kho có sử dụng năng lượng tái tạo. Trong hoạt động đóng gói, hiện mới có khoảng 42% doanh nghiệp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường như bao bì bằng giấy và carton; chỉ 1,2% doanh nghiệp sử dụng bao bì bằng gỗ. Đối với các yếu tố thuộc môi trường bền vững trong doanh nghiệp, có tới 66,2% số doanh nghiệp logistics cho biết họ chưa có hệ thống quản lý môi trường đạt tiêu chuẩn ISO.14001…
Thống nhất nhận thức để xanh hóa logistics hiệu quả
Theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải, ngành dịch vụ logistics nước ta có nhiều cơ hội phát triển. Một trong những động lực chính là hoạt động xuất nhập khẩu không ngừng gia tăng. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt khoảng 680 tỷ USD, dự báo năm 2030, chỉ riêng xuất khẩu sẽ đạt 600 tỷ USD. Cùng với đó là cơ hội từ sự bùng nổ của thương mại điện tử, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sự hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam… làm tăng khối lượng lưu thông hàng hóa và thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển.
Cũng theo ông Hải, nhiều doanh nghiệp lớn, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, đặt điều kiện: doanh nghiệp Việt Nam nếu chưa đạt chứng chỉ xanh sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng của họ. Do đó, xanh hóa đang là “bài toán sống còn” với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dịch vụ logistics nói riêng.
Tuy nhiên, xanh hóa logistics đòi hỏi nguồn lực rất lớn trong khi đa số doanh nghiệp trong ngành có quy mô nhỏ và vừa, hạn chế cả về tài chính và nhân lực. Vì vậy, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, các doanh nghiệp cần có lộ trình chuyển đổi, vừa để tìm kiếm công nghệ phù hợp vừa có thời gian nâng cao nhận thức về chuyển đổi xanh. Hiện, một số trung tâm logistics đã triển khai lắp điện mặt trời mái nhà, đây là một trong những giải pháp có thể thực hiện được ngay để xanh hóa. Còn theo ông Đào Trọng Khoa, các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là khoản đầu tư mang lại hiệu quả lớn, bởi nghiên cứu của DHL cho thấy, 88% khách hàng có xu hướng trung thành hơn với những doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tiến trình xanh hóa ngành dịch vụ logistics cần sự vào cuộc của cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Việc cần làm ngay là phải thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của ngành logistics. Nếu không có nhận thức đồng bộ giữa các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, thì dù có giải pháp tốt song tiến trình xanh hóa của ngành khó đạt hiệu quả cao.