Có nguy cơ gia tăng tại nhiều địa phương
Tình trạng bạo hành trẻ em thời gian gần đây đang có nguy cơ, chiều hướng gia tăng ở nhiều địa phương với hình thức đa dạng, khó lường. Các phương thức và thủ đoạn tinh vi, phạm vi mở rộng với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí đã có những vụ việc dẫn tới tử vong, gây bất bình, phẫn nộ trong cộng đồng.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có một trẻ em và hơn 175.000 trẻ lên mạng đầu tiên vào mỗi ngày. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trẻ em ở Việt Nam thường dành từ 5 - 7 tiếng mỗi ngày cho việc sử dụng mạng xã hội.

Trong đa số trường hợp, các đối tượng lợi dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Instagram, các ứng dụng hẹn hò, phòng chat, game online… để nhắn tin tiếp cận, làm quen. Sau một thời gian trò chuyện, các đối tượng chuyển chủ đề từ học hành, sở thích sang chủ đề về giới tính, tình dục và lôi kéo trẻ cùng xem phim, hình ảnh khiêu dâm trên mạng và thu thập hình ảnh riêng tư. Một số đối tượng sau thời gian trò chuyện với các em thì hứa hẹn tình cảm, thậm chí cho vay tiền, tặng quà với mục đích để dễ tiếp cận, gặp gỡ các em ở ngoài thực tế để thực hiện các hành vi xâm hại tình dục.
Nhiều trường hợp ghi nhận dùng mạng xã hội làm công cụ bắt nạt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, phát tán các hình ảnh, video clip của các em bị bạo lực học đường, làm nhục thậm chí là bị xâm hại tình dục lên mạng để thu hút người xem, nhận tương tác. Thậm chí, có trường hợp đối tượng dụ dỗ, bán trẻ em sang các nước khác.
Thực tế tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố cho biết, có nhiều vụ việc xảy ra trong thời gian dài, tái diễn nhiều lần với nhiều nạn nhân nhưng rất lâu sau đó mới được phát hiện. Một số đối tượng tạo ra những thông tin ảo trên các trang web, mạng xã hội như tên, tuổi, nghề nghiệp, cuộc sống khá giả, để dễ dàng tiếp cận, làm quen, tâm sự với đối tượng. Thông qua hình tượng này, các trẻ dần phụ thuộc, coi đối tượng như nơi nương tựa tinh thần, sau đó đối tượng lừa gạt dụ dỗ trẻ em nhằm thực hiện các hành vi xâm hại tình dục.
Với huyện vùng núi cao như huyện Quế Phong, biên giới huyện nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, đặc thù địa hình địa bàn rộng nên nhiều học sinh phải đi học xa nhà. Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong Nguyễn Văn Nam cho biết, sự non nớt trong nhận thức, kỹ năng sống, cũng như thiếu sự quản lý của bố mẹ khiến trẻ dễ bị tác động bởi môi trường mạng xã hội, tăng nguy cơ bị bạo lực, xâm hại trên không gian mạng. Qua thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết các vụ án xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn cho thấy, trẻ có tại địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị xâm hại trên không gian mạng.
Trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn cho trẻ
Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng rất lớn. Ngoài việc gây ra những tổn thương về thể xác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và tâm lý của trẻ em, rối loạn về cảm xúc, lo âu, ám ảnh, có thể dẫn đến bạo lực, tự kỷ, tự tử, hay học tập sa sút, hạn chế giao tiếp và hòa nhập xã hội.
Có thể thấy, việc bảo vệ trẻ trên không gian mạng là rất cần thiết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bản thân học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trẻ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn để bảo vệ bản thân.
Về phía phụ huynh, cần dành nhiều thời gian quan tâm hơn khi các em tiếp xúc với môi trường mạng internet; không để trẻ dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử lên mạng ngoài giờ học. Khi phát hiện các vụ, việc có dấu hiệu xâm hại, gây nguy hại cho trẻ em trên môi trường mạng, phụ huynh nên trình báo với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Nhà trường cần tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe lồng ghép vào các giờ sinh hoạt chủ nhiệm nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường mạng, kỹ năng cơ bản khi sử dụng internet cho trẻ. Cùng với đó, cần phát huy trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, kịp thời báo cáo cơ quan chức năng khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm.
Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã và đang tăng cường các hoạt động nghiệp vụ đấu tranh phòng, chống các loại tệ nạn xã hội, nhất là các hình thức bạo lực, xâm hại trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội địa phương xây dựng nhiều mô hình “Phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục”, “Phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, mua bán"... nhằm tuyên truyền, phổ biến các chương trình phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm về bạo lực, xâm hại trẻ em qua mạng xã hội.
Tại huyện Quế Phong, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quế Phong cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng về cách phòng tránh, ứng phó với các nguy cơ trên không gian mạng đối với trẻ em và phụ huynh. Các nội dung tuyên truyền được thiết kế trực quan, ngắn gọn, đầy đủ, sinh động, phát tận tay phụ huynh, học sinh, kết hợp các buổi tuyên truyền trực tiếp. Từ đó, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phòng ngừa đối với loại tội phạm này, tạo môi trường an toàn cho trẻ.