Kinh tế

Xác thực truy xuất nguồn gốc – “lá chắn” của chuỗi cung ứng hiện đại

Vũ Quang 08/07/2025 20:51

Tại Hội thảo “Xác thực truy xuất nguồn gốc – Động lực phát triển bền vững của Kinh tế số Việt Nam” do Hiệp hội Dữ liệu quốc gia và Bộ Công an tổ chức ngày 8/7, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò thiết yếu của công nghệ xác thực trong chuỗi cung ứng hiện đại. Truy xuất nguồn gốc không chỉ bảo vệ người tiêu dùng trước vấn nạn hàng giả, mà còn là công cụ quản lý hiệu quả, minh bạch hóa thị trường và xây dựng nền tảng cho kinh tế số.

Xác thực truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng

Phó Cục trưởng Cục Kế hoạch và Tài chính (Bộ Công an) Phạm Minh Tiến cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý trên 40.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, với tổng giá trị xử phạt khoảng 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt đáng lo ngại là tình trạng làm giả thực phẩm, dược phẩm – lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Từ thực tế này, ông Tiến cho rằng, xác thực truy xuất nguồn gốc sẽ giúp kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất cho tới tay người tiêu dùng. Đây là công cụ quản lý không thể thiếu trong nền kinh tế số.

z6782941378955_77b0e7ef1d1c9675b329bbacbf0adf0e.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Theo ông Bùi Bá Chính, Quyền Giám đốc Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia, truy xuất nguồn gốc không còn là xu hướng, mà là yêu cầu bắt buộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt. Công nghệ xác thực như blockchain, mã QR đa tầng, định danh số… sẽ tạo nên hệ sinh thái thương mại minh bạch, giúp kiểm soát hàng hóa suốt chuỗi cung ứng, từ sản xuất đến tiêu dùng.

Ông Chính cho biết, trong năm 2024, Việt Nam ghi nhận hơn 47.000 vụ việc liên quan đến hàng giả, gian lận xuất xứ. Trong khi đó, các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều đã triển khai hệ thống truy xuất khép kín, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn mã số, mã vạch toàn cầu GS1. Việt Nam cũng đã chính thức vận hành nền tảng truy xuất quốc gia từ tháng 10/2024, song vẫn cần hoàn thiện khung pháp lý và kết nối dữ liệu đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Định danh hàng hóa phải gắn với định danh doanh nghiệp, hướng tới mục tiêu cuối cùng là "hộ chiếu số cho sản phẩm" – điều kiện tiên quyết để tiếp cận những thị trường khắt khe, ông Chính nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, bà Marion Chaminade, Tham tán Nông nghiệp Pháp tại Việt Nam cho biết, tại Pháp và EU, truy xuất nguồn gốc là quy định bắt buộc trong lĩnh vực thực phẩm. Từ nông trại đến bàn ăn, sản phẩm đều được kiểm soát bằng định danh điện tử, nhãn mác, mã hóa thông tin. Các công nghệ như blockchain, QR động, dữ liệu mở được triển khai rộng rãi nhằm bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao tiêu chuẩn an toàn. Truy xuất không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà là chìa khóa để xây dựng một thị trường minh bạch, lành mạnh, tạo niềm tin bền vững trong xã hội số, bà Marion nhấn mạnh.

Nền tảng của quản trị số và lòng tin số

Theo các chuyên gia, truy xuất nguồn gốc không chỉ phục vụ sản xuất, tiêu dùng mà còn là dữ liệu quý giá để hoạch định chính sách, giám sát thị trường và thực hiện quản trị số. Khi người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin sản phẩm một cách minh bạch, từ vùng nguyên liệu đến quy trình kiểm định, thì niềm tin với hàng Việt sẽ được củng cố. Với doanh nghiệp, dữ liệu truy xuất giúp nâng cao chất lượng, tối ưu kho vận, dự báo nhu cầu và tăng năng lực cạnh tranh.

Đặc biệt, truy xuất nguồn gốc còn góp phần bảo vệ chủ quyền dữ liệu quốc gia. Việc phát triển các giải pháp công nghệ “Make in Vietnam” sẽ giúp tránh phụ thuộc vào nền tảng nước ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin và quyền riêng tư người dùng.

z6782943178927_62299dd6b6cdb386008046285ae31d33.jpg
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Quang Khánh

Ông Bùi Bá Chính cho rằng, thực trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp gần đây là hồi chuông cảnh báo. Đã đến lúc phải siết chặt quản lý bằng công nghệ; thực hiện chuyển đổi số chính là khoác cho sản phẩm một chiếc áo hiện đại, minh bạch và đáng tin cậy hơn, ông nói.

Trưởng Ban Công nghệ, Hiệp hội Dữ liệu quốc gia Nguyễn Huy cũng nhấn mạnh, việc ứng dụng công nghệ cho truy xuất phải là chính sách toàn diện, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan nhà nước tới doanh nghiệp. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể hình thành một hệ thống truy xuất xác thực quốc gia – nền tảng cho phát triển kinh tế số minh bạch và bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác thực truy xuất nguồn gốc – “lá chắn” của chuỗi cung ứng hiện đại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO