Xác lập rõ hơn cơ cấu, tổ chức của Ban cơ yếu

Minh Vân lược ghi 02/11/2011 09:21

Chiều qua, 1.11, QH thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cơ yếu. Đa số các ý kiến đều tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia để bảo đảm thông tin bí mật của Nhà nước, không điều chỉnh đối với hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước; tán thành việc chuyển Ban cơ yếu từ Chính phủ sang Bộ Quốc phòng...

ĐBQH Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa): Nếu theo quy định của luật thì phạm vi điều chỉnh rất rộng...

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cơ yếu quy định tại Điều 6 của dự thảo luật mới chủ yếu đề cập tới các cơ quan nhà nước thực hiện việc quản lý nhà nước về cơ yếu. Nếu theo quy định của luật thì phạm vi điều chỉnh của luật rất rộng, bao gồm điều chỉnh hoạt động cơ yếu trong các cơ quan nhà nước, trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác. Quy định như thế này là chưa đầy đủ, nên chăng có những quy định để bổ sung về trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng của Đảng cũng như các cơ quan khác. Hơn nữa quy định như vậy chưa thể hiện rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành với Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cơ yếu. Vì vậy đề nghị sửa lại Điều 6 như sau: thứ nhất sửa tên điều là trách nhiệm quản lý về cơ yếu để quy định chung. Về nội dung, đề nghị sửa lại Khoản 1 là Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cơ yếu. Khoản 2 là Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cơ yếu. Khoản 3 đề nghị bổ sung thêm một quy định là cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện quản lý về cơ yếu trong các cơ quan của Đảng, các tổ chức chính trị xã hội. Khoản 4 viết là: "Các bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước và cơ yếu, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về cơ yếu". Khoản 5 là: "Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về cơ yếu ở địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ".

Vấn đề thứ hai là các hành vi bị nghiêm cấm. Khoản 2, Điều 11 quy định: "Nghiêm cấm sử dụng các sản phẩm mật mã không do Ban cơ yếu Chính phủ cung cấp để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước". Nếu theo quy định này, có thể hiểu Ban cơ yếu của Chính phủ như một doanh nghiệp hay đơn vị có trách nhiệm cung cấp các sản phẩm mật mã hay trang thiết bị. Như vậy không phù hợp với chức năng của Ban cơ yếu Chính phủ là giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về cơ yếu. Mặt khác, quy định này thể hiện sự độc quyền trong việc cung cấp các sản phẩm mật mã. Nên chăng cân nhắc sửa lại Khoản 2, Điều 11 của dự thảo luật cho phù hợp với thực tiễn hiện nay...
 
ĐBQH Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh): Phải suy nghĩ lại về khái niệm quản lý nhà nước

Có lẽ phải suy nghĩ lại về khái niệm quản lý nhà nước. Có nhất thiết là một cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ mà không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không được thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay không. Ở nước khác, có rất nhiều cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ như thế này thực hiện chức năng quản lý Nhà nước nhưng không thuộc các bộ mà nằm độc lập, theo luật và đương nhiên là có mối quan hệ với các bộ quản lý nhất định nào đó. Cho nên chỗ này về sau phải quan niệm lại. Có rất nhiều cơ quan chuyên môn như vậy. Chính chỗ này là chỗ lúng túng rất nhiều khi ban hành nhiều luật, đặt ở bộ nào, có đặt ở Chính phủ hay không, có thực hiện chức năng quản lý Nhà nước hay không? Ban cơ yếu của Chính phủ cũng lúng túng rất nhiều lần trong quá trình xây dựng pháp lệnh và luật.

Mặc dù tôi cũng thống nhất trước mắt là Ban cơ yếu thuộc Bộ Quốc phòng, nhưng tôi đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, rà soát lại. Đặt ở Bộ Quốc phòng nhưng phải phù hợp với hệ thống pháp luật và với vị trí một cơ quan thuộc bộ. Nếu đặt ở bộ thì trong luật phải quy định có vai trò của bộ và cơ quan này phải giúp bộ. Nếu đặt thuộc bộ nhưng lại đặt ra nhiều quy định độc lập với bộ thì trong hệ thống pháp luật sẽ khó xử lý. Ví dụ như việc quy định tham mưu, đề xuất cho Đảng và Nhà nước. Đương nhiên vấn đề này thuộc về bộ, nếu “anh” đã thuộc bộ thì “anh” phải qua bộ trưởng để tham mưu, đề xuất, rồi thực hiện nhiệm vụ đơn vị đầu mối, kế hoạch về đầu tư và ngân sách thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật. Hiện nay Ban cơ yếu của Chính phủ là đơn vị dự toán cấp 1. Bây giờ nếu đặt ở Bộ quốc phòng thì có còn là đơn vị dự toán cấp 1 nữa hay không, theo Luật Ngân sách nữa hay không? Đề nghị chỗ này cần phải làm rõ. Bởi vì tới đây QH phân bổ ngân sách có phân bổ trực tiếp cho Ban cơ yếu hay không hay là phân bổ ngân sách cho Bộ Quốc phòng?

Về tên của Ban cơ yếu đề nghị cân nhắc, có thể gọi là Ủy ban mật mã quốc gia hay Ban mật mã quốc gia. Nếu gọi là Ban cơ yếu của Chính phủ mà thuộc Bộ Quốc phòng tôi đề nghị cân nhắc lại.

Đặc biệt chúng ta quan niệm đặc thù cơ yếu này có quản lý nhà nước như các lĩnh vực khác hay không hay nó là một lĩnh vực đặc biệt thì các Bộ như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng quản lý lực lượng cơ yếu của mình và cơ quan cơ yếu hiện nay thuộc Bộ Quốc phòng giúp về tổ chức, đào tạo nghiệp vụ... còn bộ nào thì bộ đó phải quản lý, không thể nói Bộ Quốc phòng có thể quản lý nhà nước về cơ yếu của Bộ Công an được...
 
ĐBQH Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp): Ban cơ yếu Chính phủ có phải là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng hay không?
 
Thứ nhất, tôi thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cơ yếu chỉ điều chỉnh hoạt động cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia để bảo đảm thông tin bí mật của Nhà nước, không điều chỉnh đối với hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật của Nhà nước.

Vấn đề thứ hai, theo dự thảo luật tại Khoản 3, Điều 6 trách nhiệm quản lý Nhà nước về cơ yếu, tại Khoản 1, Điều 22 tổ chức lực lượng cơ yếu và qua Mục 3b của Báo cáo giải trình của UBTVQH đề nghị cần xác định rõ hơn Ban cơ yếu Chính phủ có phải là cơ quan trực thuộc Bộ Quốc phòng hay không bởi vì trong 2 điều này và trong Báo cáo của UBTVQH thể hiện chưa thống nhất nhau. Về tên gọi, ở Điều 6 Ban cơ yếu Chính phủ là cơ quan quản lý chuyên ngành về cơ yếu, chỉ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Điều 22 xác định Ban cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia trực thuộc Bộ Quốc phòng. Điều này cần được xác lập cho rõ hơn về cơ cấu tổ chức của Ban cơ yếu Chính phủ.

Nội dung thứ ba, qua tiếp thu, giải trình ở Khoản 3, Điều 27 về hạn tuổi phục vụ của người làm công tác cơ yếu, tôi đề nghị cần quy định rõ hơn đối với trường hợp nghỉ hưu trước hạn tuổi.

Cuối cùng, đề nghị sắp xếp lại Điều 31 về chính sách đối với người làm công tác cơ yếu và Điều 33 về quyền, nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu thành điều về quyền, nghĩa vụ, chế độ chính sách đối với người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu, trong đó quy định rõ 2 khoản: khoản thứ nhất, đối với những người làm công tác cơ yếu; khoản thứ hai là đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu để các quy định pháp luật được chặt chẽ hơn, tránh trùng lặp.
 
ĐBQH Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng): Chưa có quy định đối với những người buộc phải thôi việc và phải chuyển ngành
 
Điều 29 của dự án luật về thời hạn không được tham gia hoạt động mật mã. Trong điều này, dự án luật mới quy định cho những người làm việc trong tổ chức cơ yếu nghỉ hưu, chuyển ngành và chuyển công tác hoặc thôi việc thì thời hạn 5 năm kể từ khi có quyết định nghỉ hưu và chuyển công tác khác, chuyển ngành hoặc thôi việc không được tham gia hoạt động mật mã cho tổ chức, cá nhân ngoài ngành cơ yếu. Theo tôi hiểu thì dự án luật chưa quy định cho những người làm việc trong tổ chức cơ yếu buộc phải thôi việc và buộc phải chuyển ngành. Theo tôi những người thuộc phạm vi nói trên có thể là do năng lực chuyên môn, sức khỏe yếu kém, nhưng cũng có thể là những người đã vi phạm quy chế, quy định của ngành cơ yếu buộc phải cho thôi việc. Tức là trước khi thôi việc có thể bị kỷ luật cho thôi việc, hoặc buộc phải chuyển ra ngành khác trong cùng một đơn vị và có thể chuyển ra làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, hoặc liên doanh với nước ngoài. Trong Luật Cơ yếu phải nên cân nhắc và quy định chặt chẽ để bảo đảm an toàn tuyệt đối kỹ thuật chuyên ngành cơ yếu và bảo vệ mật mã quốc gia. Tôi đề nghị bổ sung một ý vào Điều 29 là: Người làm việc trong tổ chức cơ yếu quy định các điểm a, b Khoản 1 Điều 23 của luật này, khi nghỉ hưu, chuyển ngành, chuyển công tác khác hoặc thôi việc thì trong thời hạn 5 năm kể từ khi có quyết định nghỉ hưu, chuyển ngành, chuyển công tác khác hoặc thôi việc không được tham gia hoạt động mật mã cho tổ chức, cá nhân ngoài cơ yếu. Riêng những người làm công tác cơ yếu bị buộc thôi việc, hoặc bị buộc chuyển ngành khi không có đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì tuyệt đối không được làm những việc có liên quan đến hoạt động cơ yếu cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài.
 
ĐBQH Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ): Tên gọi lực lượng cơ yếu phải mang tính đặc thù chung

Tôi đồng tình với việc chuyển Ban cơ yếu Chính phủ từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng quản lý vì quân đội đã có bề dày kinh nghiệm trong 2 cuộc kháng chiến cũng như sau ngày đất nước thống nhất đến nay. Hơn nữa lực lượng cơ yếu quân đội chiếm 45% lực lượng cơ yếu toàn quốc, do đó Bộ Quốc phòng quản lý là hợp lý nhất.

Về tên gọi lực lượng cơ yếu phải cần cân nhắc kỹ sao cho mang tính đặc thù chung. Theo tôi gọi là Cơ quan mật mã quốc gia là hợp lý nhất, bởi nó bao hàm các lực lượng cơ yếu cùng tham gia. Nếu gọi cơ yếu Chính phủ thuộc Chính phủ quản lý là không hợp lý. Khoản 3, Điều 16 việc sử dụng sản phẩm mật mã cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước phải tuân thủ các quy định về nghiệp vụ và quy trình khai thác, sử dụng đối với từng loại mật mã sản phẩm. Ban cơ yếu Chính phủ hướng dẫn nghiệp vụ và quy trình khai thác, sử dụng sản phẩm mật mã. Nhưng Ban cơ yếu Chính phủ trực thuộc Bộ Quốc phòng thì Ban cơ yếu Chính phủ không có chức năng ban hành văn bản quy phạm theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc hướng dẫn nghiệp vụ và quy trình khai thác, sử dụng sản phẩm mật mã phải do Bộ Quốc phòng ban hành. Cần xem xét, cân nhắc vấn đề này.

Điều 24 nghĩa vụ và trách nhiệm của người làm công tác cơ yếu. Người làm công tác cơ yếu không phải chỉ nhận mệnh lệnh mà phải chủ động ra mệnh lệnh đối với cấp dưới và phải chịu trách nhiệm về mệnh lệnh của mình để bảo đảm tính tích cực, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Do vậy đề nghị thêm cụm từ "chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên" về những mệnh lệnh của mình trước Khoản 4, Điều 24...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác lập rõ hơn cơ cấu, tổ chức của Ban cơ yếu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO