Xác lập khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả

Hoàng Ngọc 08/09/2012 08:39

Luật Phòng, chống tham nhũng được QH ban hành nhằm xác lập công cụ pháp lý mạnh mẽ, tạo chuyển biến tích cực cho việc phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Luật, công tác phòng, chống tham nhũng trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là việc thực hiện công khai, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ công chức; việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Tại Hội thảo Hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng vừa được Ủy ban Tư pháp tổ chức, một số ý kiến cho rằng, nhiều quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng còn hình thức, chung chung nên khó đi vào cuộc sống…

Sau 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tham nhũng trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước đã bộc lộ những hạn chế, nhất là trong việc thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được triển khai trên diện rộng nhưng vẫn còn hình thức; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị còn khó thực hiện. Để khắc phục những hạn chế này, Thanh tra Chính phủ đang hoàn tất dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để trình QH xem xét, quyết định. Mục tiêu của việc sửa đổi Luật lần này được Thanh tra Chính phủ - cơ quan được giao quản lý nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng xác định khá rõ ràng: hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng dựa trên các giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công vụ và kiểm soát xung đột lợi ích đối với các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện tham nhũng thông qua việc xác định rõ trách nhiệm và cơ chế điều phối giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. 

Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; sửa đổi, bổ sung quy định về chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập và sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng và biện pháp áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có dấu hiệu tham nhũng.

Với quan điểm phòng, chống tham nhũng phải lấy việc ngăn ngừa là chủ yếu thì có thể thấy, các nội dung cần sửa đổi, bổ sung như đề xuất nêu trên của Thanh tra Chính phủ đã đi đúng hướng. Song, cụ thể các nội dung này nên được sửa đổi như thế nào để tạo công cụ pháp lý đủ mạnh cho việc phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi tham nhũng thì lại chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật làm rõ.

Đơn cử là quy định về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành đã quy định vấn đề này. Sau 5 năm thực hiện quy định này, việc kê khai tài sản, thu nhập đã phần nào tác động tích cực tới suy nghĩ, nhận thức của cán bộ, công chức, các đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập. Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ thì quy định hiện hành đã bao quát được phần lớn đối tượng có chức vụ, vị trí công tác cần phải kiểm soát thu nhập; quy định tương đối hợp lý về trình tự, thủ tục, thời gian kê khai và thẩm quyền, trình tự, thủ tục, nội dung xác minh kê khai tài sản, thu nhập. Đến nay, chúng ta cũng đã bước đầu hình thành cơ sở tài liệu phục vụ xác minh về tài sản, thu nhập cá nhân của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và cũng là điểm vướng căn bản của quy định hiện hành về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là chưa có tác dụng phát hiện và phòng ngừa tham nhũng. Các quy định hiện hành đều chưa xác định việc kê khai tài sản, thu nhập là một kênh điều tra phát hiện tham nhũng. Thay vì phải kê khai nguồn thu nhập để từ đó phát hiện các nguy cơ tham nhũng và ngăn chặn thì quy định hiện hành chỉ yêu cầu kê khai tổng thu nhập. Trong khi đó lại chưa có quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập kê khai không đúng, hoặc triển khai điều tra tiếp để làm rõ động cơ kê khai không đúng sau khi xác minh kết luận kê khai không trung thực. Những vướng mắc này khiến cho việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa phát huy được tác dụng trong phòng ngừa tham nhũng. Theo đại diện Thanh tra Chính phủ, phần lớn các gia đình ở nước ta đều gồm nhiều thế hệ, nhất là vùng nông thôn, miền núi, quan hệ sở hữu chung về tài sản khá phổ biến nên việc rạch ròi về sở hữu tài sản để kê khai là không dễ. Đây cũng chính là đặc điểm gây khó khăn cho việc hoàn thiện quy định pháp luật về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng. Cùng với đó là quy định pháp luật về đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập ở một số cơ quan cụ thể nằm phân tán ở nhiều văn bản khác nhau; cũng chưa có quy định rõ về việc kê khai tài sản, thu nhập trong các trường hợp có sự điều động, luân chuyển; chế độ thông tin, báo cáo kết quả kê khai thu nhập tài sản còn chưa hợp lý, tiêu chí báo cáo không thống nhất, quy định chưa phù hợp với hệ thống, tổ chức dẫn đến số liệu báo cáo bị chồng chéo...

Những cái khó nêu trên đã phần nào lý giải tại sao, Thanh tra Chính phủ – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) – mặc dù đã ý thức rất rõ về vai trò của kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn chưa đưa ra được những kiến nghị sửa đổi mang tính căn bản hơn và hiệu lực, hiệu quả hơn.

Gợi mở hướng sửa đổi các quy định này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nhấn mạnh, việc xác minh mục đích kê khai, minh bạch tài sản sẽ tăng cường hơn nữa tính tự giác, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong minh bạch tài sản. Nhưng kê khai, minh bạch tài sản phải đi kèm với kiểm soát, xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Thực hiện kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập phải đi kèm với công khai tài sản, thu nhập để người dân, các tổ chức chính trị xã hội và các phương tiện truyền thông, báo chí có thể tiếp cận thông tin để phát hiện những hành vi sai trái, tham nhũng của người có trách nhiệm, quyền hạn khi có hành vi tham nhũng xảy ra. Điều quan trọng là, quy định về kê khai, công khai, minh bạch tài sản, thu nhập phải hết sức cụ thể ngay trong Luật; đồng thời, phải quy định rõ cả về quy trình kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm trong kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền xem xét, minh bạch việc kê khai. Mặt khác, khi phát hiện việc kê khai tài sản, thu nhập không minh bạch thì quy trình xác minh, xử lý như thế nào cũng cần phải được quy định rõ.

Theo Chương trình, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Tư tới. Thời gian chuẩn bị dự án Luật chỉ còn hơn 1 tháng. Lo ngại của các thành viên Ủy ban Tư pháp về chất lượng dự án Luật này không phải không có lý khi mà cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đưa ra được kiến nghị sửa đổi xác đáng và khả thi. Phòng, chống tham nhũng là công việc muôn vàn khó khăn và không thể làm ngay trong một sớm, một chiều. Phải xây dựng cho được một khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và khả thi mới có thể từng bước ngăn chặn và phòng, chống tham nhũng có hiệu quả. Trách nhiệm chuẩn bị để QH xác lập được khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và khả thi đó thuộc về Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Tư pháp – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và từng ĐBQH.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác lập khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ và khả thi để phòng, chống tham nhũng hiệu quả
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO