Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật Quản lý phát triển đô thị vừa họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 5.2025 và thông qua tại Kỳ họp tháng 10.2025.
Tại phiên họp, ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết, quản lý đô thị gồm hai nhóm nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ quản lý, tổ chức đời sống dân cư đô thị. Hệ thống các luật hiện hành đã cơ bản điều chỉnh đầy đủ các nhiệm vụ này.
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ phát triển cơ sở vật chất, tài sản cố định của đô thị, gồm: quản lý quỹ đất, quản lý nhà đô thị; xây dựng nhà ở, công trình; quản lý công sở; quản lý kiến trúc; sắp xếp mạng lưới thương mại, dịch vụ; bảo vệ môi trường; phòng chống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh...
Trong đó, hệ thống cơ sở vật chất của đô thị là nền tảng phục vụ hoạt động, đời sống dân cư đô thị; đồng thời, định hình chất lượng các hoạt động của đô thị. Phát triển đô thị là thuật ngữ gắn với việc tạo lập, duy trì, cải tạo chỉnh trang hoặc tái phát triển hệ thống cơ sở vật chất, tài sản cố định của đô thị.
Ông Thái cho biết, nhiệm vụ thuộc nhóm hai đang được điều chỉnh tại các luật chuyên ngành như: Nhà ở, Đất đai, Kiến trúc, Quản lý sử dụng tài sản công, Bảo vệ môi trường, Di sản văn hóa, Quy hoạch.... Mỗi luật điều chỉnh một nội dung riêng có liên quan đến tạo lập cơ sở vật chất của đô thị.
Tuy nhiên, theo ông Thái, pháp luật hiện hành chưa điều chỉnh nhiệm vụ rất quan trọng của nội hàm phát triển đô thị.
Ngoài ra, hiện chưa có quy định về phát triển bền vững hệ thống đô thị, liên kết. Hầu hết vấn đề về phát triển hạ tầng đô thị hiện nay mới chỉ quy định nguyên tắc, quy định tại văn bản dưới luật, hiệu lực không cao.
Do vậy, Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ điều chỉnh về quản lý, đánh giá, phân loại đô thị, quản lý phát triển bền vững đô thị, hệ thống đô thị; phát triển mới đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, tái phát triển đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, không gian ngầm đô thị; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý phát triển đô thị.
Với phạm vi điều chỉnh như vậy, Luật Quản lý phát triển đô thị sẽ quy định về: các vấn đề mang tính nguyên tắc, định hướng cho phát triển đô thị lâu dài ở nước ta; việc đánh giá kết quả phát triển đô thị theo các mô hình đô thị văn minh, hiện đại, bền vững; việc tổ chức thực hiện phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị để bảo đảm mục tiêu, kết quả cần đạt được theo các tầng bậc trình độ phát triển và tính chất, quy mô phát triển đô thị.
Cùng với đó, quy định chung, tổng hợp về các yêu cầu, điều kiện, cơ sở cho phát triển mới đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, tái phát triển đô thị.
Đồng thời, bổ sung các quy định điều chỉnh các lĩnh vực chưa có luật như: phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian ngầm, không gian công cộng, không gian trên cao và cảnh quan đô thị.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành, địa phương, các chuyên gia đánh giá cao sự chuẩn bị đầy đủ, thống nhất, nội dung tại các chương điều của dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị; cho rằng dự thảo đã thể hiện được nhiều nội dung mới và khó.
Góp ý vào dự thảo luật, các ý kiến đề nghị các quy định về cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị phải gắn kết với Luật Đất đai năm 2024. Đồng thời đề nghị xây dựng tiêu chí đô thị xanh, thông minh để có cơ sở chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, cá thể hoá trách nhiệm quản lý đô thị; tập trung vào chính sách cụ thể để địa phương quản lý phát triển đô thị; bổ sung quy định về cây xanh…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị Ban soạn thảo bám sát, cụ thể hóa quan điểm chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển đô thị, đặc biệt là Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; bảo đảm đồng bộ với các luật khác.
Cùng với đó, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế liên quan đến việc xây dựng pháp luật về quản lý phát triển đô thị; làm rõ các tiêu chí về đô thị đặc thù; quan tâm đến đô thị thích ứng biến đổi khí hậu; xác định rõ vai trò, vị trí của đô thị trong đóng góp, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự tham gia của các tổ chức, người dân vào phát triển bền vững đô thị; quy định rõ nguồn lực đầu tư phát triển đô thị.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe ý kiến của địa phương, các hội nghề nghiệp, chuyên gia và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị được xây dựng gồm 7 Chương, 100 điều.
Chương 1: Những quy định chung. Chương 2: Hệ thống đô thị, phân cấp, phân loại đô thị. Chương 3: Chương trình phát triển đô thị, hệ thống đô thị và quản lý các khu vực phát triển đô thị. Chương 4: Quản lý phát triển hạ tầng đô thị. Chương 5: Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị. Chương 6: Trách nhiệm quản lý phát triển đô thị. Chương 7: Điều khoản thi hành.