Nghệ An phòng, chống tai nạn đuối nước, xâm hại trẻ em

Xác định rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành

- Thứ Hai, 31/05/2021, 07:52 - Chia sẻ
Liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích, đuối nước thương tâm và tình trạng xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua đã dấy lên tâm lý bất an trong Nhân dân. Hàng loạt giải pháp đồng bộ đã được đề ra, trong đó, UBND tỉnh nhấn mạnh yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và giao nhiệm vụ cụ thể phải quyết liệt vào cuộc.
	Nhiều địa phương tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền phòng tránh đuối nước cho trẻ em đến các hộ gia đình
Nhiều địa phương tổ chức phát tờ rơi, tuyên truyền phòng tránh đuối nước cho trẻ em đến các hộ gia đình

Thực trạng đáng báo động

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Nghệ An đã quan tâm, chỉ đạo thường xuyên về công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Các chương trình, kế hoạch chăm sóc, bảo vệ trẻ được cụ thể hóa và gắn vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; chỉ đạo tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trẻ em được chăm lo, học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh… Tuy nhiên, tình trạng trẻ bị tai nạn đuối nước, xâm hại tình dục và các vụ bạo lực học đường vẫn xảy ra ở các địa phương trên địa bàn.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Văn Hưng, từ năm 2019 - 30.4.2021, toàn tỉnh có 119 vụ trẻ bị đuối nước, làm 130 trẻ tử vong. Riêng 4 tháng đầu năm 2021 đã có 16 vụ, 16 trẻ tử vong; số vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ được phát hiện và xử lý trên địa bàn có giảm nhưng không đáng kể. Toàn tỉnh xảy ra 81 vụ với 85 trẻ bị xâm hại. Cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 93 đối tượng. Riêng 4 tháng đầu năm 2021, có 6 vụ xâm hại trẻ em đã xảy ra với 6 nạn nhân.

Điều đáng nói, các vụ việc xâm hại trẻ ngày càng nguy hiểm, có những trường hợp bị xâm hại tuổi còn quá nhỏ. Phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ bị xâm hại. Phương thức, thủ đoạn chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ hoặc người thân để tìm cách tiếp cận và thực hiện hành vi, nhất là các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em… “Các vụ trẻ bị đuối nước, bị xâm hại gây tâm lý bất an trong Nhân dân. Đặc biệt, một số vụ việc xâm hại trẻ em, bạo lực học đường có tác động tiêu cực đến giá trị truyền thống, đạo đức, nhân cách của con người Việt Nam”, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An trăn trở.

Thực trạng trên có nguyên nhân do một số cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể, nhất là ở cơ sở chưa quan tâm sâu sắc, đầy đủ; thiếu giải pháp thiết thực huy động toàn dân tham gia phòng, chống tai nạn thương tích đuối nước và xâm hại trẻ em. Công tác tuyên truyền có nơi, có lúc thiếu thường xuyên liên tục, nhất là các địa phương ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Đặc biệt, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể trong quản lý, chăm sóc, bảo vệ trẻ ở một số nơi chưa chặt chẽ. Một số bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng trong quản lý, giám sát, bảo vệ trẻ em. Nhiều trẻ còn thiếu kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, trong cuộc sống số và không gian mạng. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát của một số ban, ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở chưa sâu sát, kịp thời...

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng

Để kịp thời phòng ngừa, hạn chế và giảm thiểu tối đa các trường hợp bị tai nạn thương tích, đặc biệt là tình trạng đuối nước cũng như vấn nạn xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Nghệ An đã nhấn mạnh yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị liên quan; triển khai các biện pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, gia đình và mỗi người dân về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng cho các bậc cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

Yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố nâng cao trách nhiệm trong phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ em và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh; đưa nội dung công tác này vào chương trình, kế hoạch hàng năm, hàng quý, hàng tháng; thường xuyên đánh giá, cập nhật, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đạt kết quả.

Mặt khác, các tổ chức đoàn, đội, trường học cần thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng, biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại trẻ; phát hiện, cảnh báo các nguy cơ; thông báo, cung cấp thông tin, tố giác cho các tổ chức để kịp thời can thiệp, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại trẻ em…

Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, giám sát, hội thảo tìm giải pháp cho vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành phải quyết liệt vào cuộc. Trong đó, Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng đề án chuyên ngành về giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ em để báo cáo UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh về cơ chế, chính sách xây dựng bể bơi, dạy bơi trong toàn tỉnh trong năm 2021...

Sở Giáo dục và Đào tạo giao tăng cường giáo dục các kiến thức, đạo đức lối sống, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em, phòng chống bạo lực học đường, an toàn không gian mạng; phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục khảo sát thực trạng số học sinh biết bơi trong trường học; nghiên cứu các điều kiện cần thiết tiến tới đưa việc dạy bơi vào trong chương trình giáo dục để chỉ đạo các trường xây dựng các tiết học bơi trong chương trình… Ngành công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Diệp Anh