Phòng, chống bạo lực trẻ em:

Xác định rõ nhu cầu nhận thức pháp luật

- Thứ Ba, 20/10/2020, 06:44 - Chia sẻ
Pháp luật liên quan đến tuyên truyền, phổ biến về phòng chống bạo lực đối với trẻ em đã đầy đủ, nhưng việc thi hành còn rất nhiều hạn chế là vấn đề được đặt ra tại Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực trẻ em do Bộ Tư pháp, Phái đoàn châu Âu tại Việt Nam; Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tổ chức tại Hà Nội, ngày 19.10.

Mới chỉ làm theo phong trào

Thông tin từ Phiên thảo luận cho thấy, trong số 75 quốc gia được thống kê về tình trạng bạo lực đối với trẻ em, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) nhưng trên Lào (xếp thứ 54). Theo thống kê của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.616 trẻ em bị xâm hại; năm 2017 là 1.642 trẻ em bị xâm hại, năm 2018 là 1.579 trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị xâm hại năm 2019 là 2.117 em, so với năm 2016 tăng 501 em (tăng 23,6%).

Phiên thảo luận nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em

Cùng với việc nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ trẻ em thì cần thay đổi các chuẩn mực xã hội lạc hậu, khuyến khích trẻ em thực hiện quyền của mình.

Phó trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam Lesley Miller

Theo các cơ quan chức năng, từ năm 2015 - 2019, đã có 5.750 phóng sự và 72.612 tin, bài thông tin, tuyên truyền về chính sách, pháp luật phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em), loa truyền thanh cơ sở; truyền thông trực tiếp; tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý; tổ chức các lớp học kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, kỹ năng phòng, chống xâm hại… Bên cạnh đó, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 được giới thiệu, tuyên truyền trên các kênh truyền thông đại chúng và mạng xã hội; khuyến khích việc phát hiện, lên tiếng, thông báo, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp Phan Hồng Nguyên thừa nhận thực tế, việc phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ yếu tập trung vào các sự kiện, Tháng hành động vì trẻ em. Trong khi đó, một số hình thức chưa phù hợp với địa bàn vùng núi, vùng sâu, vùng xa, nơi dân cư phân tán, không tập trung, giao thông đi lại khó khăn.

Đại diện Cục Trẻ em cũng cho rằng, công tác truyền thông về quyền trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thiếu phương pháp phù hợp, chưa đến được với nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt vùng sâu, vùng nông thôn hẻo lánh và khu vực biên giới. Nội dung, hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật chưa sinh động, thiếu hình ảnh minh họa cụ thể, chậm đổi mới, chưa nắm bắt tình hình thực tế mà người dân và trẻ em quan tâm.

Khảo sát nhu cầu pháp luật

Từ cách tiếp cận nhu cầu pháp luật của đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật, tại Phiên thảo luận chuyên gia về Bảo vệ Trẻ em UNICEF Việt Nam Sergiu Rusanovschi cho rằng, cần xác định nhu cầu nhận thức pháp luật của trẻ em và cha mẹ nhằm bảo đảm sự tham gia mạnh mẽ của trẻ em và cha mẹ thông qua các khảo sát, các tổ chức xã hội, trung tâm trợ giúp pháp lý; đồng thời ưu tiên xây dựng chương trình nâng cao nhận thức pháp luật dựa trên nhu cầu thực tế của trẻ em trai và trẻ em gái.

 Đề xuất này là gợi ý đáng lưu ý khi kết quả Khảo sát về nhận thức pháp luật của nhóm yếu thế tại 6 tỉnh (Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hoá, Đắk Nông, Kiên Giang, Đồng Tháp) do UNICEF thực hiện gần đây cho thấy, phần lớn người tham gia khảo sát tại các địa phương khảo sát đều nhận định chưa đúng về độ tuổi trẻ em theo quy định của pháp luật (dưới 16 tuổi); tỷ lệ nhận thức đúng ở Đồng Tháp là 16,7%; cao nhất là Thanh Hóa cũng chỉ đạt 38,5%. Phần lớn người dân nhận thức được rằng “dạy con bằng roi” là không được phép (99,3% ở Kiên Giang; 85,2% ở Hà Giang). Đây cũng chỉ là khảo sát ở phạm vi nhỏ, còn trên thực tế cho tới thời điểm này chưa có một cuộc khảo sát, đánh giá nhu cầu pháp luật của trẻ em nói chung, trẻ em bị bạo lực nói riêng, để từ đó có được bức tranh toàn cảnh về nhu cầu pháp luật của trẻ em. Các chương trình phổ biến, tuyên truyền mới dừng lại từ một phía, từ nhu cầu quản lý là chính chứ chưa xuất phát từ nhu cầu của trẻ em. 

Ngoài ra, có một thực tế, hiện nay rất nhiều đề án, chương trình dành cho việc phổ biến, giáo dục được triển khai với sự tham gia của nhiều bộ, ngành song chưa xác định được trách nhiệm rõ của từng ngành, dẫn đến khi nảy sinh vấn đề thì không biết đầu mối ở đâu. Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Văn Đạt cho rằng, cần xác định rõ đối tượng cần được nâng cao nhận thức pháp luật cũng như phạm vi nội dung cần phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tránh đại trà, hình thức, nhất là việc giáo dục pháp luật trong nhà trường. Phó Cục trưởng Cục Trẻ em Nguyễn Thị Nga bổ sung, cần chú trọng nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, hướng dẫn trẻ em nhận biết các nguy cơ bị xâm hại và kỹ năng phòng tránh, bảo vệ bản thân. Đồng thời, chú trọng hình thức, nội dung, cách thể hiện phù hợp với các nhóm dân số đặc thù, khó tiếp cận ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông.

Bài và ảnh: Phạm Hải