Tạo đột phá về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương
Các ĐBQH tán thành với sự cần thiết việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về vị trí, vai trò của nhà giáo, tạo cơ sở pháp lý để điều chỉnh chế độ, chính sách đối với nhà giáo cũng như tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Đặc biệt, bảo đảm sự nhất quán về quan điểm, chủ trương của Đảng là “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”.
ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) cho rằng, dự thảo Luật có nhiều điểm mới như: địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập được xác lập rõ ràng, quy định rõ về quyền và trách nhiệm của nhà giáo là người nước ngoài, từ đó tạo ra môi trường an tâm công tác, làm việc, cống hiến, sáng tạo cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập.
Đại biểu cho biết, về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo cũng có nhiều chính sách mới như tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục ở địa phương để chủ động trong việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, phát triển đội ngũ nhà giáo, đào tạo bồi dưỡng, điều động, thuyên chuyển, đánh giá, sàng lọc đội ngũ nhà giáo; chủ động trong việc đào tạo, đặt hàng đối với nhà giáo.
Trong tuyển dụng đã chú trọng đến đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo, theo đó đã chú trọng đến năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng sư phạm và có thực hành sư phạm.
Đại biểu đánh giá cao, dự thảo Luật đã xây dựng được tiêu chuẩn nghề nghiệp của nhà giáo và chuẩn nhà giáo để nâng cao chất lượng của nhà giáo. Chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi”, giúp cho mỗi nhà giáo “tự soi, tự sửa”, tự bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ. Chuẩn nhà giáo là công cụ cho cơ quan quản lý giáo dục cơ sở giáo dục xây dựng quy hoạch, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá và sàng lọc nhà giáo.
“Đồng thời tiêu chuẩn chức danh nhà giáo và chuẩn nhà giáo còn là công cụ để kiểm soát chất lượng. Khi chúng ta chuyển từ quản lý sang quản trị, đây là cách tiếp cận theo xu thế của thế giới về đổi mới quản lý giáo dục, thì tiêu chuẩn và chuẩn là công cụ để kiểm soát chất và quản trị nguồn nhân lực…” đại biểu Thái Văn Thành nói.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng lưu ý, nghề nhà giáo có đặc thù lao động sư phạm rất khác, không chỉ là tiết dạy trên lớp mà còn có thời gian soạn bài, chấm bài. Do vậy, cần bổ sung quy định về việc soạn bài, chấm bài của giáo viên cũng phải được quy thành tiết dạy trên tuần, trên năm.
Liên quan đến chính sách thu hút nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị bổ sung 2 đối tượng, đó là: những học sinh phổ thông có học lực xuất sắc, đạt giải học sinh giỏi quốc gia, quốc tế được tuyển thẳng vào ngành sư phạm; những sinh viên đại học tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại trường làm giảng viên. Những đội ngũ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở tất cả cấp học, bậc học và hệ thống giáo dục quốc dân.
Về chế độ, chính sách đối với nhà giáo, đại biểu Thái Văn Thành đề nghị xác định rõ nguồn lực để thực hiện các chính sách đối với nhà giáo (như tiền lương, phụ cấp, chế độ thu hút, ưu đãi…), nguồn lực của Trung ương và nguồn lực của địa phương như thế nào để đảm bảo Luật khả thi, hiệu quả, sớm đi vào cuộc sống.
ĐBQH Lương Văn Hùng (Quảng Ngãi) đề nghị, dự thảo Luật Nhà giáo cần tạo được tính đột phá về chính sách đãi ngộ, chính sách tiền lương, về tôn vinh nhà giáo và các chính sách đặc thù khác để phát triển đội ngũ nhà giáo trong giai đoạn mới, nhất là đối với nhà giáo công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đáng lưu ý, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa có quy định về bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp, thiếu các chính sách để xây dựng một môi trường làm việc an toàn giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến và hoạt động nghề nghiệp hiệu quả.
Đại biểu Lương Văn Hùng cũng đề nghị bổ sung quy định nhà giáo được quyền tổ chức dạy thêm theo quy định của pháp luật.
Nhà giáo nước ngoài có thể tham gia các các cơ sở giáo dục công lập
Quan tâm đến chính sách của nhà giáo ngoài công lập, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) nêu rõ, dự thảo Luật đã có quy định nhân văn và tích cực, khi khẳng định vị trí pháp lý của nhà giáo ngoài công lập gần như ngang bằng với nhà giáo ở các trường công lập một cách đầy đủ như về: định danh, về quyền, nghĩa vụ; nhà giáo ngoài công lập được đào tạo, bồi dưỡng, được thi đua, khen thưởng như nhà giáo trong các cơ sở công lập.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể và khả thi đối với nhà giáo ngoài công lập. Đơn cử, dự thảo Luật quy định đội ngũ nhà giáo phải đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, song kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo ngoài công lập chưa rõ ràng. Vì vậy, theo đại biểu, nên quy định nguồn kinh phí này từ ngân sách nhà nước.
Đối với đội ngũ giáo viên là người nước ngoài, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã có quy định mở cho sự tham gia của giáo viên nước ngoài vào hoạt động giáo dục, đặc biệt là giáo dục quốc dân, giáo dục công lập, song trong từng điều luật quy định này còn mờ nhạt. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn việc nhà giáo nước ngoài có thể tham gia vào các các cơ sở giáo dục công lập.