Xác định rõ lộ trình trong chuyển đổi số

Dương Cầm 27/10/2020 09:01

Là một trong những đơn vị tiên phong tại Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã sử dụng thành công hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc. Mặc dù không là cơ quan cung cấp dịch vụ công nhưng EVN đã hoàn thành dịch vụ trực tuyến tương đương dịch vụ công cấp độ 4 - cấp độ cao nhất; EVN cũng là một trong những đơn vị đầu tiên được Chính phủ cho phép được góp mặt trên Cổng dịch vụ công quốc gia ngay từ giai đoạn đầu.

Tự tìm con đường riêng

Theo Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm, chuyển đổi số rất phức tạp và cơ bản là không có đường đi định sẵn. Vì vậy, mỗi doanh nghiệp, tổ chức phải tự tìm con đường riêng. Với EVN, hành trình chuyển đổi số được bắt đầu rất sớm, cách đây khoảng 20 năm, với bước “đột phá” đầu tiên trong lĩnh vực Văn phòng điện tử.

Theo đó, ông Lâm cho biết, EVN đã nhanh chóng đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực chủ yếu như sản xuất, vận hành, truyền tải, quản trị doanh nghiệp và đặc biệt là trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ khách hàng. Tập đoàn đã đặt ra yêu cầu, phải sử dụng công nghệ tốt nhất, làm sao để việc ứng dụng trở nên đơn giản, thuận tiện, bất cứ người lao động ở vị trí công việc nào của Tập đoàn cũng có thể sử dụng phần mềm một cách hiệu quả.

Tại EVN, quá trình chuyển đổi số được thực hiện triệt để với quyết tâm cao của lãnh đạo, đặc biệt là từ Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Tập đoàn. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc chuyển đổi số của EVN được thực hiện theo 2 mục tiêu rõ ràng, đó là hướng tới cung cấp dịch vụ điện một cách hiện đại, công khai, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện cho người dân. Thứ hai, trong nội bộ EVN, phải hỗ trợ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và quản trị Tập đoàn.

Trong đó có thể kể tới các giải pháp công nghệ cho hoạt động kinh doanh và dịch vụ khách hàng của Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT), giải pháp CMIS 3.0 số hóa các nhóm quy trình về quản lý cấp điện và cung cấp dịch vụ điện; quản lý thực hiện hợp đồng mua bán điện; quản lý thiết bị đo đếm; quản lý ghi chỉ số; lập hóa đơn tiền điện; quản lý thu và theo dõi nợ; quản lý và tính toán tổn thất điện năng; lập báo cáo kinh doanh. EVNICT cũng triển khai giải pháp hóa đơn điện tử đối với các dịch vụ điện; cung cấp các dịch vụ điện cấp độ 4 cho khách hàng, tích hợp các dịch vụ điện trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp dịch vụ điện theo hình thức hợp đồng điện tử.

Bên cạnh đó, EVNICT nghiên cứu và triển khai thành công trạm biến áp không người trực, giúp các thao tác đối với hệ thống thiết bị, thu thập thông số kỹ thuật đều được thực hiện tự động. Các thao tác đóng cắt, điều khiển thiết bị trạm đều được tiến hành ngay tại Trung tâm điều khiển thông qua hệ thống máy tính điều khiển, giám sát. Tín hiệu từ các hệ thống phụ trợ như camera giám sát an ninh; hệ thống báo cháy, báo khói tự động sẽ được truyền về Trung tâm điều khiển phục vụ công tác theo dõi và quản lý vận hành trạm. 

Đến năm 2022, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số Nguồn: EVN
Đến năm 2022, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số  

Nguồn: EVN 

Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số vào năm 2022

Để hướng tới mục tiêu đến năm 2022, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số, Trưởng ban Viễn thông và Công nghệ thông tin Nguyễn Xuân Tuấn cho rằng, việc hiểu về khái niệm và triển khai chuyển đối số tại EVN cần linh hoạt gắn theo từng lộ trình cụ thể. Hiện nay, mục tiêu đề xuất của EVN trong chuyển đổi số là làm chủ được công nghệ, sở hữu hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.

Bên cạnh đó là xây dựng đội ngũ chuyên môn cao, đủ năng lực triển khai các ứng dụng phục vụ nhu cầu quản lý điều hành, kinh doanh, chăm sóc khách hàng trở thành doanh nghiệp số hàng đầu Việt Nam. Việc chuyển đổi số tại EVN sẽ tập trung trong một số lĩnh vực, với các mục tiêu trọng tâm gồm: lĩnh vực quản lý kỹ thuật, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng và quản lý dự án, hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin.

Không ít ý kiến cho rằng, cần tập trung đánh giá rõ hiện trạng tình hình số hóa trong Tập đoàn để có các giải pháp, tiến độ chi tiết, mục tiêu, chỉ tiêu chuyển đổi số khả thi; tính hiệu quả và thước đo hiệu quả của việc chuyển đổi số; chuẩn bị nhân sự… Theo Phó Tổng giám đốc Võ Quang Lâm, việc chuyển đổi số cần triển khai thống nhất và quyết liệt từ cấp Tập đoàn tới các đơn vị thành viên EVN. Đồng thời, bắt tay ngay vào việc nâng cao nhận thức cho các cán bộ, công nhân viên và xây dựng, áp dụng quy trình công việc khi chuyển đổi số. Tập đoàn cũng cần chọn ra 1 số lĩnh vực làm được ngay, có hiệu quả thiết thực để nhanh chóng chuyển đổi số.

“Mỗi cán bộ, công nhân viên cần hiểu rõ, vì sao EVN phải chuyển đổi số, mục tiêu khi thực hiện kế hoạch chuyển đổi số là gì? Cần có định nghĩa chuyển đổi số trong trường hợp cụ thể với nội hàm được diễn giải rõ ràng, để mỗi cán bộ, công nhân viên có thể thực hiện công việc đúng định hướng” - ông Lâm khẳng định.

Lãnh đạo EVN cho rằng, kế hoạch chuyển đổi số của Tập đoàn phải có tính tổng thể, hệ thống, logic. Khi xây dựng kế hoạch, cần lấy ý kiến từ các đơn vị để bảo đảm tính phù hợp thực tế khi triển khai công việc. Đồng thời, phải đề ra các công việc, đề án chuyển đổi số cụ thể, với quy mô, phạm vi và tiến độ chi tiết… EVN sẽ ưu tiên các lĩnh vực cấp thiết, có hiệu quả cao để triển khai chuyển đổi số trước; cần có định hướng chuyển đổi số lâu dài, không chỉ dừng lại ở các mục tiêu cụ thể 2022.

Mặt khác, phải xem xét cả các nguy cơ, rủi ro khi triển khai chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số cần tác động tích cực tới hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh của EVN, bảo đảm mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc trong toàn Tập đoàn.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác định rõ lộ trình trong chuyển đổi số
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO