Xác định rõ hợp tác xã là gì

Minh Vân lược ghi 26/11/2010 00:00

Nên hiểu như thế nào cho đúng về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; việc tổ chức, phạm vi hoạt động, phương thức hoạt động của hợp tác xã; phân phối và tài sản không chia của hợp tác xã; quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã như thế nào là những vấn đề nhận được sự quan tâm của các ĐBQH khi thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chiều qua, 25.11…

ĐBQH Trần Thị Kim Phương (Hà Nội): Hoạt động đúng bản chất mới được hưởng những chính sách ưu đãi

Về vai trò quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, theo tôi trong dự án luật cần quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hợp tác xã nhằm tập trung chức năng quản lý Nhà nước vào một hệ thống cơ quan thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện cho hợp tác xã, liên hợp tác xã phát triển. Quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp đối với hợp tác xã, liên hợp tác xã, đồng thời cần xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức đại diện của hợp tác xã, liên hợp tác xã; quy định cụ thể những chính sách ưu đãi hỗ trợ đặc thù phù hợp với bản chất của hợp tác xã, phân loại hợp tác xã. Qua đó chỉ những hợp tác xã, liên hợp tác xã hoạt động đúng bản chất của hợp tác xã mới được hưởng những chính sách này.

Đối với việc hợp tác xã thành lập công ty, tổng công ty, theo tôi trong luật cần quy định rõ việc thành lập công ty, tổng công ty do hợp tác xã lập ra phải hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và không được hưởng chính sách hỗ trợ ưu đãi như các hợp tác xã.

ĐBQH Đặng Như Lợi (Cà Mau): Hợp tác xã là gì? 

Theo tôi phải xác định rõ hợp tác xã là gì mới xác định được nội dung của luật. Phải chăng hợp tác xã là một tổ chức liên kết tự nguyện, chắc chắn như vậy. Có phải của cá nhân, kinh tế cá thể nhằm phát huy cá nguồn lực trong hoạt động kinh doanh không? Nếu như những vấn đề này gom vào để trở thành liên kết, để đi thuê người làm và những vấn đề khác thì sẽ phát sinh về quan hệ lao động và nó không phải của hợp tác xã. Phải xác định rõ được cái đầu, chứ nếu cứ nhằm vào giữa thì không ổn. Theo tôi, hợp tác xã là một tổ chức liên kết tự nguyện của các cá nhân, cá thể nhằm phát huy thế mạnh nguồn lực trong phát triển kinh doanh. Hợp tác xã tự mình làm là chủ yếu, phát huy thế mạnh của mỗi cá thể, thành viên trong đó là chủ yếu.

ĐBQH Lê Quốc Dung (Thái Bình): Bản chất gốc lõi xuyên suốt của kinh tế hợp tác xã là sự hợp tác 

Cần làm rõ bản chất kinh tế hợp tác xã bởi đây là vấn đề cốt lõi xây dựng luật, để tạo thuận lợi cho kinh tế hợp tác xã ngày càng phát triển tốt hơn bởi những năm qua, kinh tế hợp tác xã có những đổi mới và phát triển nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, chưa tương xứng với tiềm năng.

Trong Tờ trình dự án Luật hợp tác xã lần này vẫn còn một số vấn đề quan trọng chưa xác định đúng bản chất kinh tế hợp tác xã, chưa sát thực tiễn, nhất là những khái niệm về đồng sở hữu, về tài sản chung trong hợp tác xã, về mục tiêu cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các thành viên hợp tác xã, về hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp. Tại Khoản 1, Điều 9 còn quy định giới hạn hợp tác xã chỉ được cung cấp không quá 40% sản phẩm dịch vụ ra ngoài cộng đồng thành viên hợp tác xã... Đó là những quan niệm chưa đúng bản chất hợp tác xã, không rõ ràng, như vậy, hợp tác xã sẽ không hấp dẫn mà còn làm cho nhiều người dân “sợ”, không dám vào hợp tác xã, kìm hãm sự phát triển của kinh tế hợp tác xã.

Bản chất gốc lõi xuyên suốt của kinh tế hợp tác xã là sự hợp tác, nhưng là sự hợp tác tương đối ổn định, hợp tác tự nguyện, bình đẳng, ngang nhau cùng có lợi giữa các thành viên hợp tác xã. Sự hợp tác được thể hiện trên những nội dung cụ thể và tương ứng giữa các loại hình hợp tác xã như loại hình hợp tác xã hợp tác trực tiếp về tư liệu sản xuất và sức lao động; loại hình hợp tác trực tiếp về tư liệu sản xuất và tham gia dịch vụ; loại hợp tác xã trực tiếp cả 3 yếu tố về tư liệu sản xuất, sức lao động và tham gia dịch vụ. Trong hợp tác về tư liệu sản xuất, về sức lao động và tham gia dịch vụ, hợp tác tư liệu sản xuất là quan hệ hợp tác rất cơ bản. Việc phân loại 3 loại hình hợp tác vừa để xác định rõ hơn bản chất chung các loại hình hợp tác xã và cần xây dựng trong dự án luật các chương quy định riêng cho phù hợp với từng loại hình hợp tác xã…

ĐBQH Cao Thành Văn (Bạc Liêu): Làm rõ bản chất của hợp tác xã

Theo đánh giá của Liên minh hợp tác xã Việt Nam nguyên nhân chính là do các hợp tác xã này có nội lực quá yếu, thể hiện ở vốn điều lệ thấp, không đủ khả năng tổ chức sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ cho xã viên cũng như thị trường bên ngoài; đa số các hợp tác xã này rất hạn chế trong trình độ quản trị doanh nghiệp. Do vậy, tôi cơ bản tán thành việc luật hóa những điều quy định dưới luật, phù hợp với thực tiễn trong thời gian vừa qua. Việc khẳng định các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và việc quy định rõ ràng về hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là rất cần thiết. Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc một cách thận trọng, làm rõ bản chất của hợp tác xã.

Về điều kiện trở thành thành viên, quyền và nghĩa vụ của thành viên và chấm dứt tư cách thành viên, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã như dự án luật theo tôi thực sự quá máy móc và xa rời thực tiễn. Bởi vì hợp tác xã có thể vừa sản xuất kinh doanh, vừa cung cấp dịch vụ, vậy cơ sở nào để biết hợp tác xã cung cấp dịch vụ hay tạo việc làm? Trong mọi loại hình hợp tác xã đều sử dụng lao động. Câu hỏi ở đây là những người lao động góp vốn vào hợp tác xã nhưng không sử dụng dịch vụ nếu không được chia lãi theo vốn góp một cách thỏa đáng liệu có động lực để góp vốn hay không? Trong quá trình cung cấp sản phẩm, dịch vụ cũng không loại trừ khả năng thua lỗ vì phải cạnh tranh với cơ chế thị trường thì người sử dụng dịch vụ có được tính lỗ hay không? Theo tôi nếu chia lãi chủ yếu trên sử dụng dịch vụ nhưng chịu lỗ trên vốn góp hoàn toàn không hợp lý.

Đối với tài sản không chia, theo tôi đây là một nút thắt rất quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực tham gia vào hợp tác xã trong thời gian vừa qua. Với tư duy hợp tác xã là một tổ chức đối nhân chứ không đối vốn, nên có những quy định về tài sản không chia, tạo nên sự bất bình đẳng với người tham gia trước, người tham gia sau, người quyết tâm đầu tư và người tham gia chỉ để hưởng quyền lợi. Tôi thiết nghĩ nút thắt này nên mở chứ không nên tiếp tục thắt, chỉ khi tạo ra một cơ chế tài chính thông thoáng, công bằng giữa các thành viên và công bằng với các loại hình doanh nghiệp khác thì hợp tác xã mới thu hút được đầu tư, có điều kiện để phát triển mạnh mẽ và thực chất hơn...

ĐBQH Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam): Phải kế thừa những nội dung, tư tưởng cơ bản trong Luật Hợp tác xã năm 2003

Thời gian vừa qua nhất là trong 10 năm trở lại đây, có thể nói khu vực hợp tác xã mặc dù còn rất khó khăn, tồn tại… nhưng đã có những chuyển biến rất tích cực, quan trọng, rõ nét cả về số lượng, cơ cấu, năng lực và chất lượng hoạt động. Số hợp tác xã sản xuất kinh doanh có hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều và đã có hàng nghìn hợp tác xã đã thích ứng được với tình hình mới.

Tuy nhiên, so với thực tế, Luật Hợp tác xã năm 2003 cũng vẫn còn những hạn chế, cụ thể là quy định về tổ chức quản lý hợp tác xã chưa tách bạch rõ về Hội đồng quản trị và Ban điều hành; chính sách chưa cụ thể. Do vậy, tôi tán thành việc phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2003 nhưng đề nghị phải kế thừa được những nội dung, những tư tưởng cơ bản trong Luật Hợp tác xã năm 2003, đồng thời phải hoàn thiện những vấn đề còn tồn tại, tuyệt đối không nên gây xáo trộn, ảnh hưởng tiêu cực, đến hợp tác xã. Việc sửa đổi, bổ sung phải tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong thời gian tới…

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác định rõ hợp tác xã là gì
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO