Các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết của dự án Luật nhằm góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng về mục tiêu tạo việc làm bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hỗ trợ phát triển thị trường lao động đồng bộ, linh hoạt, hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân kỳ vọng, dự thảo Luật sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành về hỗ trợ tạo việc làm, thông tin thị trường lao động, dịch vụ việc làm, phát triển kỹ năng nghề và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, bảo hiểm thất nghiệp, đăng ký lao động.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, chính sách về việc làm ở nước ta thời gian qua đã được quan tâm nên tỷ lệ thất nghiệp là tương đối thấp. Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của nước ta là 52,5 triệu người và có việc làm là 51,4 triệu người. Như vậy, tỷ lệ thất nghiệp hay tỷ lệ thiếu việc làm ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 2%.
Dù vậy, đại biểu cho rằng, con số này cũng cần phải suy nghĩ. Vì tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 4,1%, Trung Quốc là 5,1%, khu vực Đồng tiền chung châu Âu là 6,3%, Ấn Độ là 7,8%, Indonesia là 4,9%, Philippines 3,7%, Malaysia là 3,2%, Philippines là 3,7%. "Phải chăng, tỷ lệ thất nghiệp của nước ta thấp hơn so với các nước trên thế giới, hay là do công tác thống kê của chúng ta chưa chính xác?". Đặt câu hỏi này, đại biểu cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp mà thấp thì khi tính năng suất lao động bình quân xã hội nguy cơ sẽ thấp, do năng suất lao động bình quân xã hội được tính bằng cách lấy GDP chia cho số lao động. Số lao động càng đông thì năng suất lao động bình quân xã hội càng thấp.
Góp ý cụ thể Điều 7 dự thảo Luật, đại biểu Trần Hoàng Ngân thấy rằng, quy định về tín dụng chính sách giải quyết việc làm đã liệt kê khá đủ các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, nên bổ sung nguồn vốn của các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Công đoàn… vì những tổ chức này cũng có nguồn để hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm.
Quan tâm tới đối tượng vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại Điều 8 dự thảo Luật, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân nêu vấn đề, cụm từ “các đối tượng ưu tiên vay vốn” được lặp lại nhiều lần nhưng lại chưa được làm rõ trong dự thảo Luật, chưa có quy định cụ thể đối tượng nào được ưu tiên. Do đó, cần xác định rõ các đối tượng ưu tiên vay vốn, có danh mục cụ thể nhằm thực hiện thống nhất.
Tại điểm b và điểm d, khoản 1 Điều 64 dự thảo Luật quy định về trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp là người lao động bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân nhận thấy, quy định này chưa phù hợp với chế độ bảo hiểm thất nghiệp hiện nay. Quy định này cũng giới hạn, thu hẹp đối tượng được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn so với Luật hiện hành. Do đó, đại biểu đề nghị, cần tách biệt giữa trường hợp người lao động chịu hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức với việc người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
ĐBQH Tô Thị Bích Châu ghi nhận, Điều 75 dự thảo Luật có rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích đối với việc đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là người khuyết tật, song đề nghị bổ sung chính sách khuyến khích này đối với người chủ lao động là người khuyết tật.
“Việc hỗ trợ chính sách vay vốn và chính sách hỗ trợ các quỹ tín dụng đối với chủ lao động là người khuyết tật trong việc này như thế nào cũng phải rõ ràng để khuyến khích. Chúng ta thấy rất nhiều tấm gương người khuyết tật đã vượt khó, trở thành những chủ doanh nghiệp", đại biểu nhấn mạnh.