Chính trị

Xác định rõ đối tượng thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lắp

N. Thành 08/05/2025 17:20

Thảo luận tại Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) về dự thảo Luật Thanh Tra (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần xác định rõ đối tượng thanh tra của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lắp.

to15-01.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15

Làm rõ ranh giới hoạt động thanh tra và kiểm tra chuyên ngành

Đa số ĐBQH tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra hiện hành nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; đồng thời, khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật Thanh tra năm 2022.

to15-02.jpg
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự thảo Luật bảo đảm kế thừa các quy định còn phù hợp, lược bỏ quy định không còn phù hợp của Luật Thanh tra hiện hành; Bổ sung sửa đổi, hoàn thiện các quy định mới về: Khái niệm “thanh tra”; các cơ quan thanh tra; Trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra đáp ứng yêu cầu thể chế hóa, cụ thể hóa Kết luận số 127-KL/TW ngày 28/2/2025 và Kết luận số 134-KL/TW ngày 28/3/2025 của Đảng.

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), dự thảo luật quy định về Tổ chức và hoạt động Thanh tra. Tuy nhiên, nội dung quy định về phạm vị điều chỉnh chưa bao quát hết nội hàm của dự thảo Luật, như: bảo đảm điều kiện thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan đến thanh tra.

Nêu vấn đề trên trên, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, phạm vi điều chỉnh cần được thể hiện lại như sau: “Luật này quy định về Tổ chức; hoạt động Thanh tra; bảo đảm điều kiện thanh tra; thực hiện kết luận thanh tra, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân liên quan đến thanh tra”.

to15-03.jpg
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) phát biểu tại phiên thảo luận

Cùng quan điểm này, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị, cần làm rõ ranh giới giữa hoạt động thanh tra và kiểm tra chuyên ngành, cũng như cơ chế phối hợp với Kiểm toán Nhà nước, đặc biệt tại cấp địa phương, để tránh trùng lặp và bỏ sót đối tượng.

Về giải thích từ ngữ, một số đại biểu đề nghị, cần bổ sung các cụm từ sau: “ Hoạt động thanh tra”; "Hoạt động của Đoàn thanh tra”; “ Hoạt động của cơ quan có chức năng thanh tra” để thống nhất cách hiểu và làm cơ sở cho việc các quy định cụ thể khác trong dự thảo luật. Bổ sung các khoản để giải thích rõ ràng cho một số cụm từ mang tính kỹ thuật như “xung đột lợi ích”, “sự kiện bất khả kháng”, “thời kỳ thanh tra”, nhằm bảo đảm tính chính xác và dễ hiểu trong áp dụng…

Quy định rõ hơn cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với UBND cấp xã

Về phân định nhiệm vụ giữa Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Tỉnh, Thanh tra Chính phủ có các thanh tra Bộ về (đây là các thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực). Thanh tra các tỉnh thì có các thanh tra Sở cũng là thanh tra chuyên ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, cần xác định Thanh tra Chính phủ thanh tra đối tượng như thế nào, Thanh tra tỉnh thanh tra đối tượng như thế nào để tránh chồng chéo, trùng lặp.

to15-04.jpg
ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu

Theo đại biểu, "chỗ này khá khó để xác định chồng chéo". Bởi, điểm đ khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định: Thanh tra chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ không có Thanh tra Bộ. Điểm c khoản 1 Điều 16 quy định Thanh tra tỉnh thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Sở.

"Chồng chéo sẽ xảy ra vì lĩnh vực là như nhau giữa Bộ và Sở và chỉ khác nhau ở quy định Sở là 1 lĩnh vực trên một địa bàn cụ thể, còn Bộ là cấp Trung ương, không bị giới hạn bởi địa bàn", đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung chỉ rõ.

to15-05.jpg
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị)

Ở góc độ khác, theo ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cần quy định rõ hơn cơ chế phối hợp giữa Thanh tra tỉnh với UBND cấp xã, nhằm duy trì kết nối cơ sở trong phát hiện và xử lý vi phạm, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, xây dựng, môi trường, an sinh, tuyển dụng, bổ nhiệm…

Nguyên nhân do cách thiết lập về bộ máy thanh tra không có thanh tra cấp xã, để nắm bắt tình hình, phát hiện vi phạm từ cơ sở. Đồng thời, bao quát tốt hơn trong bối cảnh không còn thanh tra cấp huyện, nhằm bảo đảm hiệu quả thanh tra trên toàn địa bàn tỉnh thì yêu cầu cần có cơ chế phối hợp giữa thanh tra tỉnh với UBND cấp xã là rất cần thiết.

Mặt khác, đại biểu cũng lưu ý, khi trao cho cấp xã khá nhiều quyền trong thực hiện chức năng, nhiệm của chính quyền cấp xã mà không có thanh tra cấp xã dễ có nguy cơ bị lạm quyền, lợi dụng quyền lực làm trái trong thi hành công vụ ở cơ sở.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Xác định rõ đối tượng thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lắp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO