Ngày 25.10.2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị quyết số 18, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung quán triệt, tuyên truyền, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; ban hành Kế hoạch xác định những nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương và thời gian hoàn thành để triển khai thực hiện Nghị quyết; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết.
Qua 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, "việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị". Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Những tồn tại, hạn chế, chậm trễ, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã thống nhất rất cao với quyết tâm chính trị mạnh mẽ để thực hiện chủ trương tổng kết sớm, toàn diện Nghị quyết số 18 trong toàn hệ thống chính trị và đã ban hành Kết luận về chủ trương tổng kết thực hiện Nghị quyết này làm cơ sở để có những quyết sách đổi mới quyết liệt hơn nữa trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 gồm 29 đồng chí, do Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp làm Trưởng Ban, tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư đều tham gia cùng một số Ủy viên Trung ương phụ trách các ngành, lĩnh vực trực tiếp liên quan đến công tác tổ chức bộ máy, cán bộ. Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18 đã ban hành Quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ thành viên, thành lập Tổ Biên tập; xác định việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ngày 25.11 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 56-NQ/TW, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18; cơ bản thống nhất nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu, tiến độ tổng kết Nghị quyết số 18 và một số nội dung định hướng, gợi ý của Bộ Chính trị để các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương nghiên cứu, đề xuất sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Về định hướng phương án nghiên cứu đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội: sáp nhập Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách; sáp nhập Ủy ban Xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; sáp nhập Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Pháp luật.
Kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại, chuyển các nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao, các ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; Nghiên cứu chuyển Ban Dân nguyện thành Ban Giám sát và Dân nguyện. Nghiên cứu tinh gọn mô hình Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và Ban Thư ký Quốc hội; nghiên cứu chuyển các vụ chuyên môn của Văn phòng Quốc hội về trực thuộc các Ủy ban của Quốc hội và các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Kết thúc hoạt động của Viện Nghiên cứu Lập pháp, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các cơ quan liên quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghiên cứu kết thúc hoạt động của Truyền hình Quốc hội, chuyển chức năng, nhiệm vụ liên quan về Đài Truyền hình Việt Nam; Quốc hội chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy và biên chế. Không bố trí chức danh ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các ủy ban của Quốc hội có chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Khi thực hiện theo phương án trên, giảm 4 Ủy ban của Quốc hội và 1 cơ quan trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về định hướng phương án nghiên cứu đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: sáp nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Tài chính; sáp nhập Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng; sáp nhập Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, chuyển một số nhiệm vụ khác về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan; sáp nhập Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên môi trường..., chuyển một số nhiệm vụ khác về các bộ và các cơ quan liên quan. Kết thúc hoạt động của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển nhiệm vụ về Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc, các cơ quan liên quan; kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, các bộ chuyên ngành và các cơ quan liên quan. Kết thúc hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam, chuyển nhiệm vụ về Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan. Chuyển Ban Tôn giáo Chính phủ về Ủy ban Dân tộc, thành lập Ủy ban Dân tộc - Tôn giáo. Nghiên cứu, đề xuất sắp xếp 2 viện hàn lâm khoa học và 2 đại học quốc gia, bảo đảm hiệu quả, phát huy tốt nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo. Nghiên cứu sắp xếp Học viện Hành chính Quốc gia theo hướng sáp nhập vào Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nghiên cứu, đề xuất kết thúc mô hình tổng cục trực thuộc các bộ, trước hết là sắp xếp các đơn vị như Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Quản lý thị trường, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành phố... Tiếp tục xem xét sắp xếp mô hình tổ chức một số đơn vị bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Nghiên cứu tiếp tục sắp xếp các cơ quan báo chí của các bộ, ngành. Rà soát lại tất cả hoạt động của các ban chỉ đạo theo hướng kết thúc hoạt động, chỉ giữ lại những ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ cần thiết...
Nếu thực hiện theo phương án trên tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.