Xá lợi Đức Phật cung nghinh đến Việt Nam có gì đặc biệt?
Xá lợi mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt đối với cộng đồng Phật tử trên toàn thế giới. Lần đầu tiên Xá lợi Đức Phật - bảo vật quốc gia của Ấn Độ - được đưa đến Việt Nam.
Sáng 3/5/2025, hàng nghìn Tăng, Ni, Phật tử, người dân dã đến chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) xếp hàng vào chiêm bái Xá lợi Đức Phật. Thời gian chiêm bái từ 6h - 22h hàng ngày, dự kiến đến 7/5.
Xá lợi Đức Phật đã đến TP. Hồ Chí Minh ngày 2/5 bằng chuyên cơ của Ấn Độ, với sự hộ tống của Bộ trưởng Các vấn đề Nghị viện và Dân tộc Thiểu số của Ấn Độ Kiren Rijiju; Bộ trưởng Du lịch và Văn hóa bang Andhra Pradesh Kandula Durgesh, các vị cao tăng và quan chức cấp cao của Ấn Độ. Chuyến thăm diễn ra trong khuôn khổ Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2025 do Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 6 - 8/5.
Xá lợi Đức Phật sau khi tôn trí tại chùa Thanh Tâm sẽ được tôn trí tại Tây Ninh (Núi Bà Đen, 8 -13/5), Hà Nội (chùa Quán Sứ, 13 -16/5) và Hà Nam (chùa Tam Chúc, 17 - 21/5).

Xá lợi Đức Phật được cung thỉnh từ thánh địa Sarnath - nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên. Việc cung thỉnh Xá lợi do Tổ chức Mahabodhi Society Ấn Độ và Bảo tàng Quốc gia của Chính phủ Ấn Độ phụ trách, với sự hỗ trợ của Liên minh Phật giáo Quốc tế.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, xá lợi được lưu giữ tại Sarnath là Xá lợi thân thể của Đức Phật. Người ta tin rằng Đức Phật Cồ-đàm đã cho phép lưu giữ hài cốt của ngài trong các bảo tháp. Sau khi Đại nhập Niết bàn dưới cây Sāla song sinh, thân thể linh thiêng của ngài đã được hỏa táng tại Mukutabandhana Caitya (nay là Bảo tháp Ramāvar).
Kinh Đại Bát Niết bàn cho biết, thân thể linh thiêng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thiêu mà không tỏa ra khói và để lại Xá lợi xương. Hơn nữa, trong quá trình hỏa táng, bảy phần cơ thể của ngài gồm xương trán, bốn chiếc răng hàm và hai xương sườn không bị biến thành tro. Các phần thân thể còn lại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được coi như Xá lợi và đã trở thành báu vật được tôn kính bậc nhất kể từ đó.

Tổ chức Maha Bodhi Society của Ấn Độ hiện là chủ sở hữu của ba Xá lợi Đức Phật, trong đó có Xá lợi lưu giữ tại Sarnath, được đưa đến Việt Nam lần này.
Xá lợi được bao bọc trong một chiếc tráp bạc, lưu giữ tại Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra ở Sarnath. Chiếc tráp bạc là bản sao hiện đại của chiếc tráp gốc, được tìm thấy trong tình trạng bị vỡ.
Thông qua các dòng chữ khắc tại tòa bảo tháp nơi Xá lợi được tìm thấy, người ta biết nó là Mahāchetiya hay 'Bảo tháp lớn' của Đức Phật, tức là Đức Phật Cồ-đàm, và do đó, Xá lợi này chính là Xá lợi thân thể của chính Đức Phật.
Những Xá lợi này được Đức Bá tước Willingdon, Phó vương và Toàn quyền Ấn Độ tặng Tổ chức Maha Bodhi Society của Ấn Độ để thờ phụng tại Thiền viện nói trên vào năm 1932.
Hàng năm, vào ngày thành lập Thiền viện Mūlagandhakuti Vihāra tháng 11, một triển lãm Xá lợi đặc biệt được tổ chức để công chúng chiêm ngưỡng. Nhờ sự thu hút của Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Thiền viện này đã trở thành nơi tụ họp của tất cả người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
“Ấn Độ trân trọng mối quan hệ bền chặt giữa nhân dân Ấn Độ và nhân dân Việt Nam; mong rằng việc cung rước Xá lợi Đức Phật tới Việt Nam cùng các hoạt động liên quan sẽ góp phần làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai quốc gia”, Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Ấn Độ nêu rõ.
Dịp này, một cây chiết từ cây bồ đề thiêng được mang sang từ Ấn Độ và trồng tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
Đại lễ Phật đản Vesak 2025 do Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc (ICDV), Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng tổ chức, có chủ đề Đoàn kết, Thống nhất và Hợp tác: Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững. Đây là lần thứ tư Việt Nam đăng cai, trước đó tổ chức ở Hà Nội (2008), Ninh Bình (2014) và Hà Nam (2019).
Nhân dịp Vesak 2025, một triển lãm chuyên đề về mối liên kết lịch sử trong tín ngưỡng Phật giáo, nghệ thuật và văn hóa kéo dài hơn hai nghìn năm sẽ được tổ chức tại Học viện Phật giáo Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, một đoàn nghệ thuật múa cổ điển và đương đại Ấn Độ sẽ sang Việt Nam biểu diễn vở kịch múa đặc biệt “Hành trình của Đức Phật Cồ-đàm”, tái hiện cuộc đời và thông điệp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Chương trình sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hà Nội và các địa phương khác từ ngày 5 - 13/5.