TP Hồ Chí Minh:

Xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải

- Thứ Bảy, 04/07/2020, 06:51 - Chia sẻ
Để nắm chắc mục tiêu giảm thiểu 50% lượng rác thải phải chôn lấp trong năm 2020, từng bước cải thiện môi trường sống cho người dân thành phố, các chuyên gia môi trường cho rằng, xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải là giải pháp hiệu quả nhất để TP Hồ Chí Minh bắt nhịp với sự gia tăng nhanh chóng của lượng rác thải hiện nay.

Thách thức trong công tác xử lý rác

Theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, chỉ tính từ năm 2017 đến nay, lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày; rác thải công nghiệp cũng tăng từ 1.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày; riêng rác thải xây dựng đã tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày… Đó là chưa kể lượng rác thải bị đổ bỏ lén lút ra môi trường chưa kiểm soát được. Số liệu mới công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng cho thấy, năm 2019 có gần 3 triệu tấn rác thải sinh hoạt phát sinh và được thu gom xử lý trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và ước tính năm 2020, lượng rác của thành phố còn tăng thêm 15% so với hiện tại. Dựa trên những số liệu này có thể thấy, lượng rác thải nói chung của TP Hồ Chí Minh đều có mức tăng trên 15%.

Lượng rác thải TP Hồ Chí Minh có mức tăng trên 15%

 Nguồn: ITN

Theo các chuyên gia, nguyên nhân trước hết là do thành phố đang có dân số đông với hơn 10 triệu người nên lượng chất thải sẽ tăng rất nhanh, đặc biệt là trong thời gian tới. Tiếp đó, mỗi năm, ngoài lượng dân số phát sinh tự nhiên, TP Hồ Chí Minh còn tiếp nhận thêm 200.000 người dân di cư từ các tỉnh, thành phố, quốc gia khác đến làm ăn, sinh sống; cùng với đó là hơn 300.000 doanh nghiệp sản xuất và thêm hàng chục nghìn doanh nghiệp khác mỗi năm. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cũng đang dẫn đầu cả nước về mật độ xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, căn hộ, nhà ở… với gần 2.000 chung cư, trung tâm thương mại hiện hữu và vài trăm dự án bổ sung thêm hàng năm.

Thực tế này đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác xử lý và bảo đảm an toàn chất lượng môi trường sống cho người dân thành phố, nhất là khi hoạt động thu gom, xử lý chất thải của thành phố chủ yếu là chôn lấp. Chưa kể, tình trạng phát sinh mùi hôi tại khu vực chôn lấp rác thải lớn nhất thành phố là bãi chôn lấp rác Đa Phước ngày càng diễn biến phức tạp, dù nhiều biện pháp kiểm soát mùi hôi phát sinh đã được triển khai như phun xịt chất khử mùi, khu trú khu vực tiếp nhận rác, tăng cường quạt phun hơi nước…

Chuyển đổi công nghệ tạo lợi nhuận kép

Để giảm áp lực rác thải, thời gian qua, nhiều giải pháp đã được TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để nắm chắc mục tiêu giảm thiểu 50% lượng rác thải phải chôn lấp trong năm 2020, từng bước góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân thành phố, các chuyên gia môi trường cho rằng, xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải là giải pháp hiệu quả nhất để thành phố bắt nhịp với sự gia tăng nhanh chóng của lượng rác thải phát sinh hiện nay.

Theo PGS. Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải có thể áp dụng cho xử lý nước thải, bùn thải, rác thải… Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp cho từng loại chất thải phải xử lý. Đồng thời, cần yêu cầu các đơn vị đang vận hành phải chuyển đổi công nghệ xử lý theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững mới của thành phố. Các cơ quan chức năng liên quan cũng cần gấp rút chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn theo hướng ưu tiên thực hiện xã hội hóa đầu tư và ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho hay, với việc đầu tư chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện, doanh nghiệp sẽ đạt được “lợi nhuận kép” khi vừa thu được chi phí từ xử lý rác, vừa bán được điện sạch. Ở góc độ chất lượng môi trường, công nghệ xử lý rác hiện đại cũng giúp giảm áp lực về quỹ đất của thành phố phải dành cho xử lý rác thải. Mặt khác, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác, mùi hôi do hoạt động chôn lấp rác gây ra.

Đến nay, TP Hồ Chí Minh đã cấp phép đầu tư và đã khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ đốt rác phát điện. Bên cạnh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, tuy khâu an toàn được thắt chặt tối đa, song để tránh những nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân thành phố trước khí thải của các nhà máy đốt rác phát điện, Sở đã có phương án tăng cường kiểm tra cũng như hậu kiểm chặt chẽ cùng chế tài nghiêm khắc đối với những trường hợp không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn môi trường.

Lê Chi