Trước đó, Ủy ban Khẩn cấp về mpox của WHO đã họp để tư vấn cho Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc liệu đợt bùng phát dịch bệnh này có cấu thành "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu" (PHEIC) hay không. Giáo sư Dimie Ogoina, Chủ tịch Ủy ban cho biết tất cả thành viên trong Ủy ban đều đồng thuận rằng sự bùng phát mpox là một “tình huống bất thường” với số ca bệnh kỷ lục ở Congo.
PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, được đưa ra nhằm đẩy nhanh nghiên cứu, tài trợ và các biện pháp y tế công cộng quốc tế cũng như hợp tác để ngăn chặn dịch bệnh.
Tiến sĩ Tedros cho biết: “Chúng ta đều biết rõ là sự hợp tác chặt chẽ của các quốc gia và tổ chức trên thế giới là yếu tố tối quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và cứu sống mọi người”.
Mpox có thể lây lan qua tiếp xúc gần gũi với những người bị bệnh. Phần lớn các trường hợp bị nhiễm mpox thường không quá nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh vẫn có thể gây tử vong. Các triệu chứng thường thấy của bệnh này cũng giống như bị cúm mùa, kèm theo các nốt mụn mủ mọc khắp người.
Đợt bùng phát ở Congo bắt đầu bằng sự lây lan của một chủng đặc hữu, được gọi là nhánh I. Nhưng một biến thể mới, nhánh Ib, đã xuất hiện với tốc độ lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần thông thường, bao gồm cả quan hệ tình dục. Dịch bệnh đã lan từ Congo sang các nước láng giềng, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda, khiến WHO phải vào cuộc.
Giám đốc WHO Tedros bày tỏ lo ngại: “Biến thể mới của mpox đã xuất hiện và lây lan nhanh chóng ở miền Đông Congo. Không chỉ vậy, các nước láng giềng xung quanh, vốn chưa từng có mpox trước đây, đã bắt đầu ghi nhận sự xuất hiện của virus này. Dịch bệnh rất có thể sẽ tiếp tục lây lan rộng rãi trong Phi Châu và thậm chí là vượt ra khỏi lục địa”.
Ông Tedros cũng cho biết, WHO đã giải ngân 1,5 triệu USD từ Quỹ dự phòng và có kế hoạch giải ngân thêm trong những ngày tới. Kế hoạch ứng phó của WHO trước mắt sẽ cần 15 triệu USD và cơ quan này kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp thêm.
Đầu tuần này, cơ quan y tế công cộng hàng đầu của Phi Châu đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về mpox trên toàn lục địa, cảnh báo rằng virus đang lây lan với tốc độ rất nhanh. Trong năm nay, đã có hơn 17.000 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và hơn 500 ca tử vong, hầu hết đều là trẻ em ở Congo.
Đây là lần thứ hai trong vòng hai năm, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về mpox. Trong năm 2022, một chủng virus mpox khác đã lây lan trên toàn thế giới, chủ yếu trong nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới, khiến WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Trong đợt bùng phát này, WHO đã đổi tên bệnh đậu mùa khỉ thành mpox để tránh kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến virus. Vaccine và các biện pháp phòng ngừa đã giúp ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại ở Congo, WHO cho biết vẫn còn nhiều điều chưa rõ về các con đường lây nhiễm của virus và cần phải nghiên cứu thêm. Hiện tại chưa có vaccine cho loại virus mới bùng phát ở khu vực này. WHO đang nỗ lực phát triển thuốc và vaccine, đồng thời kêu gọi các quốc gia có dự trữ thuốc ngừa quyên góp để hỗ trợ.
Theo Bộ Y tế, tính đến đầu năm 2024, cả nước ghi nhận 121 ca mắc, 6 ca tử vong do bệnh đậu mùa khỉ. Các ca bệnh này đa số ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác như Lâm Đồng, Long An, Bình Dương, Cần Thơ...
Trường hợp mắc chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 90%), trong đó nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm tỷ lệ cao nhất. Các bệnh nhân đậu mùa khỉ đều có triệu chứng lâm sàng là mụn nước, mụn mủ, phát ban.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như sau:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
- Người có triệu chứng phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân kèm theo một hoặc nhiều triệu chứng nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; đồng thời, chủ động tự cách ly, tránh quan hệ tình dục.
- Tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Trường hợp nơi ở/nơi làm việc có người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần thông báo cho cơ quan y tế để được tư vấn và xử trí kịp thời, không tự ý điều trị.
- Người đến các quốc gia đang bùng phát hoặc xuất hiện dịch bệnh đậu mùa khỉ (khu vực Trung và Tây Phi), cần tránh tiếp xúc với động vật có vú (chết hoặc sống) như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng có thể chứa virus đậu mùa khỉ.