Vượt trần lãi suất và vai trò quản lý của Nhà nước

Vũ Dũng 07/03/2011 08:11

Đồng thuận với quy định trần lãi suất huy động không quá 14%, song trong quá trình thực thi, một số ngân hàng đã không tuân thủ đúng mức trần này mà tự ý đẩy lãi suất cao hơn 14%. Hôm 4.3.2011, Ngân hàng Nhà nước đã có biện pháp xử lý cảnh cáo hai ngân hàng thương mại cổ phần là Kiên Long và Phương Tây vì vi phạm vượt trần lãi suất huy động.

Qua kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng TMCP Phương Tây, Chi nhánh Hà Nội, trong ngày 3.3.2011 là 17,8%/năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng phát hiện lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng TMCP Kiên Long, Chi nhánh Đăk Lăk ngày 16.2.2011 là 15,7%/năm. Hai mức lãi suất này đều vượt mức trần 14% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước ban hành giữa tháng 12. 2010.

Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc đưa lãi suất huy động lên đến 17%/năm không còn là hiện tượng cá biệt mà đã xuất hiện trên diện rộng. Thực tế, mức lãi suất huy động đến gần 18% này nói lên điều gì? Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương cho rằng, không phải lý do là các ngân hàng thương mại muốn quảng bá các chi nhánh, phòng giao dịch mới thành lập nên đẩy lãi suất lên cao để thu hút khách hàng. Thay vào đó là khả năng một số ngân hàng thiếu khả năng thanh khoản. Theo Tổng thư ký Dương Thu Hương thì, vấn đề đặt ra là tại sao lại thiếu thanh khoản trong lúc này? Có phải việc Ngân hàng Nhà nước hút một lượng tiền lớn (132.000 tỷ đồng) trong mấy ngày qua đã khiến các ngân hàng thương mại căng thẳng trong thanh khoản?

Tính đến đầu tháng 3.2011, các ngân hàng thương mại đã thu về phần lớn trong tổng số 132.000 tỷ đồng được đẩy ra trước Tết, còn khoảng 27.000 tỷ đồng là chưa thu về.

Thiếu thanh khoản – có thể là cách nhìn nhận có lý. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng thương mại có thiếu thanh khoản thực hay không nên được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, không phải việc Ngân hàng hút tiền về đã đẩy lãi suất huy động lên cao. Thực tế thời gian qua, thanh khoản các ngân hàng thương mại ở mức cân bằng. Hơn nữa, thị trường OMO (thị trường mở) hoạt động bình thường, vậy nên các ngân hàng thương mại vẫn có thể bảo đảm đủ thanh khoản. Theo Thống đốc Nguyễn Văn Giàu thì quản lý chất lượng tín dụng của một số ngân hàng mới đang có vấn đề, cụ thể là có tình trạng đảo nợ ở một số chi nhánh ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư số 02 công bố việc thực hiện trần lãi suất huy động không quá 14% đối với các ngân hàng thương mại, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật. Tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Nguyễn Đức Vinh cho rằng, Thông tư 02 là thông tư pháp lý đầu tiên để kiểm soát lãi suất. Đây là biện pháp cần thiết trong tình hình hiện nay, bởi trong Thông tư đã tỏ rõ thông điệp chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Việc Ngân hàng Nhà nước xử phạt các ngân hàng thương mại vi phạm quy định về lãi suất đã được áp dụng ở hai Ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long và Phương Tây. Nhưng thực tế, cách đây vài tháng, Ngân hàng Nhà nước đã phát hiện và xử phạt tình trạng lãi suất tăng cao hơn so với mức trần đề ra. Song, đến nay, tình trạng này lại tái diễn. Câu hỏi đặt ra là chế tài xử lý vi phạm đã đủ mạnh hay chưa? Trong công văn xử lý hai ngân hàng thương mại cổ phần Kiên Long và Phương Tây hôm 4.3.2011, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu Lãnh đạo hai ngân hàng thương mại có quyết định xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể và cá nhân liên quan vì đã có hành vi vi phạm mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng đồng Việt Nam. 

Việc kiểm soát thường xuyên và thực thi pháp luật nghiêm minh là cần thiết. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, vấn đề lãi suất, tỷ giá cũng như chính sách tiền tệ là công cụ quan trọng để thực thi thành công Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vượt trần lãi suất và vai trò quản lý của Nhà nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO