Vượt qua thách thức để bắt kịp xu thế

Thảo Nguyên 07/12/2022 06:46

Công nghiệp văn hóa và sáng tạo là xu thế không thể cưỡng lại trong bối cảnh công nghệ số và dường như Việt Nam đang tiến nhanh trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành cũng đặt ra nhiều thách thức.

Lĩnh vực đầy tiềm năng

“Từng có thời gian dài làm việc trong mảng nội dung số, năm 2017 chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải đầu tư làm về trí tuệ nhân tạo (AI), bắt máy làm kịch bản, viết truyện tranh, làm phim hoạt hình, viết sách... Từ đó đến nay, AI đã đi những bước khổng lồ. Trước đây mọi người cho rằng máy không thể sáng tạo được, thì nay thấy máy sáng tạo tốt hơn chúng ta” - ông Đinh Trần Tuấn Linh, Giám đốc nội dung Công ty UNIKON Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm “Công nghiệp văn hóa - sáng tạo Việt Nam - Xu thế và hiện tượng” diễn ra trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam năm 2022.

Nhiều thách thức phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo - Ảnh: VNE
Nhiều thách thức phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Ảnh: VNE

Công nghệ AI đã có những tác động mạnh mẽ tới sáng tạo nội dung kỹ thuật số. Hiện nay, UNIKON đã cho ra mắt idol ảo đầu tiên ở Việt Nam, có thể sáng tác được nhạc, trao đổi với người hâm mộ; một số đơn vị ra mắt máy có thể tạo ra các đoạn văn bản, âm thanh theo nhu cầu của khách hàng như làm thơ, viết sách, viết kịch bản, MC ảo... “Những ví dụ này cho thấy trí tuệ nhân tạo không xa xôi, mà là câu chuyện của ngày hôm qua và hôm nay. Chúng tôi chuẩn bị cho thế hệ những người sáng tạo mới, có khả năng làm việc cùng AI. Nó không thay thế mà có thể hỗ trợ các chuyên gia, người sáng tạo làm việc tốt hơn trong tương lai” - ông Đinh Trần Tuấn Linh cho biết.

Trong lĩnh vực công nghiệp trò chơi điện tử, TS. Phan Quang Anh - Giảng viên Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU - SIS) cho biết: Nền công nghiệp game Việt Nam chỉ thực sự thành hình khi trò chơi trực tuyến ra đời. Đại dịch Covid-19 khiến giải trí điện tử phát triển theo một cách không ngờ - tổng doanh thu năm 2021 của ngành lên tới 14.500 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020. Việt Nam cũng đứng thứ 7 thế giới về phát hành mobile game, 25 game ra đời trên thế giới có 1 game từ Việt Nam, và các nhà sản xuất game của nước ta cũng đứng trong top 10 nhà phát hành mobile game lớn nhất khu vực Đông Nam Á mở rộng. Khả năng gia công game của Việt Nam rất tốt, về trình độ không thua kém đồng nghiệp nhiều quốc gia và xu thế phát triển của ngành đang rộng mở...

Các lĩnh vực như du lịch văn hóa cũng đang có những bước tiến đáng kể. Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt cho biết, ba yếu tố là đồng sáng tạo, xã hội hóa và tương tác đang được coi trọng, nhằm đánh thức các di sản theo cách mới, phát triển sản phẩm dựa trên văn hóa truyền thống với tinh thần hiện đại. Ví dụ, khi có Tinh hoa Làng nghề Việt, nhiều du khách đã tới làng nghề Bát Tràng, dù hạ tầng du lịch còn thiếu. Điều đó cho thấy, sáng tạo có thể giúp vượt qua thách thức giới hạn về không gian thời gian, địa điểm để thu hút công chúng. Bởi công chúng ngày nay rất tò mò, tìm đến nơi độc đáo, hòa quyện tương tác với tư duy mới của mình, dù địa điểm ở xa... Những người trong ngành du lịch văn hóa kỳ vọng tư duy ấy sẽ kích hoạt giá trị tinh hoa làng nghề truyền thống của Việt Nam.

Nhìn rõ đích đến, khuyến khích sáng tạo

Tuy nhiên, các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, sáng tạo tại Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức. Theo ông Đinh Trần Tuấn Linh, Việt Nam là công xưởng gia công nội dung, đồ họa lớn, gia công game, đồ họa cho game, gia công kỹ xảo, đó là phần rẻ nhất. Bản thân người trong nghề nhìn rõ nhưng khó thay đổi nếu không có can thiệp từ góc khác.

Trong ngành công nghiệp trò chơi, TS. Phan Quang Anh cũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đang ở “chiếu dưới”, khi chủ yếu đi làm thuê. Theo đơn vị quản lý lĩnh vực này, game Việt Nam phát hành ở Việt Nam chỉ chiếm 12%, còn 88% phát hành cho các nhà phát hành của Trung Quốc, Hàn Quốc... Điều này là do nội lực doanh nghiệp Việt còn yếu, cũng như thiếu nền tảng về đào tạo, tài chính, chính sách phát triển...

Các lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng chưa được phát huy hết tiềm năng. Bà Trần Thị Ngọc Hân, Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội ví dụ, nghệ thuật biểu diễn múa rối đang đứng giữa mâu thuẫn bảo tồn, biểu diễn như truyền thống và sáng tạo để đạt đến đỉnh cao, trong khi nghệ sĩ lúc nào cũng kín show, dường như không có thời gian và nhu cầu tìm kiếm cái mới; các di tích mở cửa đón khách quốc tế tham quan di sản hay mở rộng hoạt động để thu hút công chúng trong nước không chỉ đến một lần...

Bà Trần Thị Ngọc Hân cho rằng, nhìn ở góc độ thị trường, theo quy luật cung và cầu, phải đào tạo thị trường, và người sáng tạo phải có sản phẩm chỉn chu hơn nhằm chinh phục được công chúng. Tuy nhiên, để khuyến khích sự sáng tạo, Nhà nước cần có chính sách phù hợp. Chẳng hạn, hiện nay, các nước trên thế giới có chính sách giảm thuế, có các quỹ để người làm sáng tạo nộp hồ sơ trong giai đoạn thử nghiệm, từ đó nuôi dưỡng ý tưởng, tạo điều kiện hỗ trợ họ thành công...

Công nghiệp văn hóa và sáng tạo là lĩnh vực thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội những năm gần đây. Thực tế phát triển lĩnh vực này trên thế giới cho thấy đây là một trong xu thế phát triển chủ đạo trong tương lai khi mà “những giá trị dựa trên ý tưởng sáng tạo mới lạ sẽ tốt hơn là nguồn lực truyền thống như đất đai, lao động và vốn”. PGS. TS. Nguyễn Quỳnh Phương, Tổ trưởng Bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, VNU - SIS nhận định, dường như Việt Nam đang bắt kịp nhanh xu thế của công nghiệp văn hóa và sáng tạo, từ chính sách và sự vào cuộc của các doanh nghiệp, cá nhân. Nhưng sáng tạo cũng đặt ra nhiều vấn đề như sở hữu trí tuệ, chiếm dụng văn hóa, vị trí của cá nhân, xung đột giữa các giá trị nhân văn hay sự phát triển về kinh tế... Những người làm trong lĩnh vực này cần nhận thức rõ đích đến, thách thức và khó khăn, từ đó thấy rõ con đường phát triển của công nghiệp văn hóa, sáng tạo Việt Nam.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vượt qua thách thức để bắt kịp xu thế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO