Nỗ lực cải cách
Syria được ban tặng nhiều tài nguyên thiên nhiên, có vị trí chiến lược trên Biển Địa Trung Hải, nối liền châu Á với châu Âu, và được hưởng lợi từ tỷ lệ biết chữ 94%, một trong những tỷ lệ cao nhất trong khu vực.
Theo Al Jazeera, trước khi xung đột bùng nổ, Syria sở hữu nền kinh tế đa dạng với các ngành xuất khẩu chủ lực như dầu mỏ, nông sản và khoáng sản. Tuy nhiên, chiến tranh đã tàn phá hầu hết cơ sở hạ tầng quan trọng, bao gồm giếng dầu, đường sá, lưới điện và đất nông nghiệp. Tỷ lệ nghèo đói đã gia tăng mạnh mẽ, hiện nay có tới 90% dân số Syria sống dưới mức nghèo. Đồng bảng Syria (SYP) giảm mạnh giá trị, khiến lạm phát đạt mức ba con số. Theo ước tính, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Syria vào cuối năm 2024 chỉ còn khoảng 200 triệu USD, giảm mạnh từ 17 tỷ USD vào năm 2010.
Khủng hoảng kinh tế này còn bị làm trầm trọng thêm bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, đặc biệt là từ Mỹ và Liên minh châu Âu, đã làm tê liệt nền kinh tế và thu hẹp tỷ lệ doanh thu thuế trên GDP của Syria từ mức 11% GDP vào năm 2011 xuống chỉ còn 5% vào năm 2021, tương đương với 4,5 tỷ USD, một trong những mức thấp nhất thế giới. Dù vậy, các nỗ lực cải cách và tái thiết nền kinh tế đã được thực hiện, với nhiều lĩnh vực được tái cấu trúc.
Chính quyền lâm thời của Hayat Tahrir al-Sham (HTS), một tổ chức bị nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ, liệt vào danh sách khủng bố, đang đối mặt với nhiệm vụ tái thiết nền kinh tế Syria. Một trong những ưu tiên hàng đầu là cải cách hệ thống kinh tế theo hướng thị trường tự do, loại bỏ tham nhũng và khôi phục các ngành công nghiệp chính, như sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Chính quyền HTS đã thực hiện một số thay đổi đáng chú ý, trong đó có việc bổ nhiệm bà Maysaa Sabrine làm Thống đốc Ngân hàng Trung ương, trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.
Theo Reuters, Bộ trưởng Tài chính lâm thời Mohammed Abazeed, còn cho biết, chính quyền mới sẽ tiến hành cải cách trong các lĩnh vực thuế và tăng lương khu vực công lên 400% vào tháng 2.2025. Chính quyền lâm thời cũng đã mở lại cửa khẩu Nasib với Jordan, một trong những tuyến giao thương nhộn nhịp nhất của Syria, nhằm khôi phục các giao dịch thương mại thiết yếu.
Một trong những ưu tiên quan trọng trong quá trình tái thiết là ngành năng lượng, vốn bị thiệt hại nghiêm trọng với 91,5 tỷ USD trong giai đoạn 2011 - 2021. Tuy nhiên, phần lớn mỏ dầu và khí đốt của Syria hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), một đồng minh của Mỹ ở phía Đông Bắc đất nước. Điều này tạo ra thế bế tắc về quyền kiểm soát tài nguyên, yếu tố then chốt để tài trợ cho công cuộc tái thiết, ước tính cần nguồn vốn từ 250 - 400 tỷ USD.
Ngoài ra, sự đan xen của các quốc gia khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và các cường quốc phương Tây đã làm phức tạp thêm tình hình, khi mỗi quốc gia có lợi ích riêng trong việc tái thiết Syria. Chính quyền lâm thời sẽ phải đối mặt với áp lực lớn trong việc cân bằng các mối quan hệ này để bảo đảm sự hỗ trợ tài chính và kinh tế từ quốc tế.
Cần đến sự hỗ trợ quốc tế
Trước tình hình khó khăn, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã bắt đầu triển khai các biện pháp hỗ trợ Syria trong công cuộc tái thiết.
Ngày 3.1.2025, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan và Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Bernard Quintin trong một cuộc họp báo chung ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng nhất trí về việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho Syria, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế, tài chính và thương mại.
Ngày 9.1, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, EU có thể sẽ nới lỏng một số biện pháp trừng phạt đối với Syria nhanh chóng. Ba nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cũng cho hay, EU sẽ tìm kiếm nhất trí dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt khi các ngoại trưởng của khối liên minh lá cờ xanh nhóm họp ở Brussels vào ngày 27.1 tới. Mục đích là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch tài chính, cho phép các quỹ trở lại với Syria, nới lỏng vận tải hàng không và giảm bớt trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng để cải thiện nguồn cung điện. Trước đó, ngày 6.1, Mỹ ban hành lệnh miễn trừ trừng phạt các đối với giao dịch của các cơ quan chính quyền lâm thời ở Syria trong 6 tháng, cho phép thực hiện một số giao dịch với Chính phủ mới ở Syria để hỗ trợ quá trình tái thiết, bao gồm một số giao dịch năng lượng và các giao dịch ngẫu nhiên.
Trong số các nước trên, Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá có thể đóng vai trò chủ chốt. Thực tế, nước này đã thể hiện ý định tham gia tái thiết Syria, đặc biệt là trong các dự án năng lượng và xây dựng. Với các nhà đầu tư ngại rủi ro khó có thể quay trở lại Syria, Ankara đã chỉ ra rằng họ sẽ lấp đầy khoảng trống - các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã hoạt động trong lãnh thổ do phe đối lập kiểm soát trong nhiều năm, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Tuần trước, trước chuyến đi tới Damascus, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết, Chính phủ của ông muốn tiến hành các nghiên cứu về cách sử dụng các nguồn tài nguyên dầu khí của Syria để phát triển và tái thiết.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nguồn đầu tư từ Thổ Nhĩ Kỳ một mình sẽ không đủ để thúc đẩy sự phát triển trong ngắn hạn. Theo ông Robert Perkins, chuyên gia năng lượng tại S&P Global, chương trình tái thiết nghiêm túc của Syria chỉ có thể bắt đầu khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ.
Vượt qua thách thức
Mặc dù Syria đang nhận được sự hỗ trợ quốc tế và các nỗ lực tái thiết đang được triển khai, nhưng những thách thức đối với quá trình phục hồi nền kinh tế và ổn định đất nước là rất lớn và phức tạp.
Việc tái thiết các cơ sở hạ tầng quan trọng như năng lượng và giao thông đòi hỏi nguồn lực tài chính và kỹ thuật khổng lồ, đặc biệt là trong việc phục hồi các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông, nước sạch và viễn thông. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hơn 60% mạng lưới điện của Syria bị phá hủy, gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng cho các khu vực dân cư, đặc biệt là các thành phố lớn như Aleppo và Damascus.
Bên cạnh đó, việc có một chính quyền ổn định, được cộng đồng quốc tế công nhận, là yếu tố then chốt trong việc thu hút sự đầu tư và hỗ trợ quốc tế. Điều này yêu cầu chính quyền lâm thời phải bảo đảm quá trình chuyển giao quyền lực minh bạch, công bằng và có sự tham gia của nhiều nhóm đối tác trong xã hội Syria, bao gồm các đảng phái, tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế.
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến triển vọng tái thiết là tình hình an ninh và sự phân mảnh lãnh thổ của Syria. Mặc dù chiến tranh đã đi vào giai đoạn cuối, nhưng vẫn còn nhiều khu vực trong nước đang trong tình trạng bất ổn, đặc biệt là tại các vùng lãnh thổ do các lực lượng đối lập kiểm soát, hoặc khu vực mà các nhóm vũ trang, bao gồm Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), đang nắm quyền. Việc tái thiết đất nước yêu cầu Chính phủ lâm thời có thể xây dựng lại các cơ sở hạ tầng và thiết lập lại trật tự trong những khu vực này, đồng thời giải quyết vấn đề sự chia rẽ giữa các phe phái trong xã hội Syria. Chỉ khi có được một thỏa thuận hòa bình toàn diện và bền vững giữa các lực lượng chính trị và quân sự, sự phục hồi thực sự mới có thể bắt đầu.
Tình trạng người tị nạn và di cư cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tái thiết. Tính đến năm 2024, khoảng 6,8 triệu người Syria đã phải rời bỏ đất nước do chiến tranh và xung đột. Việc hồi hương số lượng lớn người dân từ các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan sẽ là một thách thức lớn về mặt xã hội và kinh tế. Chính quyền mới của Syria cần có các chính sách tái hòa nhập và hỗ trợ người tị nạn quay lại quê hương, bảo đảm họ có thể tiếp cận các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục và công ăn việc làm.
Tái thiết Syria sẽ là quá trình dài và phức tạp, nhưng với sự kết hợp giữa nỗ lực trong nước và hỗ trợ quốc tế, Syria vẫn có thể phục hồi và xây dựng lại nền kinh tế từ đống đổ nát, hướng tới sự phát triển bền vững trong tương lai..