Nam Định

Vượt khó, tăng trưởng ấn tượng

- Thứ Bảy, 15/01/2022, 05:48 - Chia sẻ
Mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng năm 2021, ngành công nghiệp tỉnh Nam Định vẫn tăng trưởng khá, đưa tổng sản phẩm GRDP ước tăng 7,7% so với năm 2020.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn

Theo Hiệp hội Các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định, năm 2021 được ghi nhận là năm có nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp nói chung cũng như các doanh nghiệp ngành công nghiệp. Tất cả doanh nghiệp đều phải gia tăng chi phí phòng, chống dịch. Việc thực hiện giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành phố khi dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng trong những tháng đầu năm gây khó khăn, ách tắc khi nhập nguyên liệu đầu vào cũng như trung chuyển tiêu thụ hàng hóa của các doanh nghiệp tỉnh. Năm 2021 cũng ghi nhận chi phí vận chuyển tăng mạnh, nhất là chi phí logistics đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xưởng sản xuất tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng
Nguồn: Báo Nam Định

Mặc dù phát sinh nhiều khó khăn nhưng tỉnh Nam Định duy trì xuyên suốt định hướng bảo vệ an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người lao động, Nhân dân. Việc hướng dẫn, doanh nghiệp thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho người lao động; tầm soát, sàng lọc dịch bệnh cho chuyên gia, cán bộ quản lý, người lao động, được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc quyết liệt chỉ đạo phòng, chống dịch đúng hướng, tỉnh luôn theo dõi sát tình hình, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và duy trì sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh. 

Cùng với đó, các ngành, địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động vận chuyển hàng hóa; gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, xử lý khoanh nợ tiền thuế; hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện; hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất vay; thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh; kịp thời giúp doanh nghiệp, người lao động giảm bớt khó khăn, sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng, quảng bá các thương hiệu, nhất là thương hiệu các sản phẩm công nghiệp tiêu biểu của tỉnh như dệt may, cơ khí, đồ gỗ mỹ nghệ, nông sản chế biến…

Sự tích cực đồng hành, tạo mọi điều kiện của các cấp chính quyền, ngành chức năng cùng nỗ lực, tự cường của các doanh nghiệp đã giúp các địa phương tiếp tục duy trì mức tăng trưởng sản xuất công nghiệp so với năm 2020.  Sản xuất công nghiệp toàn tỉnh năm 2021 duy trì đà phục hồi và đạt mức tăng trưởng khá; ước cả năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14% so với năm 2020. Tại TP. Nam Định, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt 18.186 tỷ đồng, tăng 15,1% giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 của huyện Nam Trực, tăng 13,64%. Tại huyện Hải Hậu, giá trị sản xuất ngành công nghiệp năm 2021, ước đạt 5.850 tỷ đồng, tăng 13,19%.

Tận dụng tốt cơ chế

Đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho rằng, tận dụng tốt cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh; nhóm cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chế biến nông sản đã tích cực nâng cao chất lượng và tạo ra được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhất là bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Năm 2021, có tổng số 63 đơn vị cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản của huyện, thành phố nỗ lực, cố gắng đầu tư cải tiến, nâng cấp, hoàn thiện chất lượng 109 sản phẩm, bảo đảm đạt các tiêu chí của Chương trình OCOP. Trong đó, có 11 sản phẩm OCOP đạt 4 sao (có 1 sản phẩm của Công ty TNHH thủy sản Lenger Việt Nam là sản phẩm tiềm năng 5 sao) và 98 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. 

Chủ tịch Hiệp hội Nông sản sạch Nam Định Trần Quốc Toản cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, thị trường tiêu thụ các sản phẩm được mở rộng hơn, đơn đặt hàng tăng lên. Song, để tồn tại, phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh việc quan tâm đến yêu cầu tiết giảm chi phí thì doanh nghiệp phải chú trọng nâng tầm chất lượng và tạo ra được những sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Đơn cử như Công ty TNHH Toản Xuân, mặc dù gặp nhiều khó khăn bởi đại dịch, Công ty vẫn tích cực khai thác, phát huy yếu tố chủ động thích ứng, linh hoạt trong liên kết, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến chế biến, bao tiêu sản phẩm; tạo được bước phát triển mới cho thương hiệu. Đây cũng là đơn vị sản xuất lúa gạo đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng được công nhận có “Sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn”. Trong năm 2021, sản phẩm “Gạo sạch Toản Xuân” được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng 4 sao và đang trở thành sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. 

Đặc biệt, trong đợt gián đoạn chuỗi sản xuất - cung ứng hàng hóa của nhiều tỉnh, thành phố, trong 9 tháng năm 2021, nhiều doanh nghiệp dệt may trên toàn tỉnh đã nhanh nhạy, tận dụng khai thác, được nhiều bạn hàng có tên tuổi, thương hiệu lớn ký kết đơn hàng dài hạn; thậm chí có doanh nghiệp đã ký được đơn hàng bảo đảm việc làm cho người lao động cho đến hết năm 2022.

Phan Phương