Vương vất khói bếp

- Chủ Nhật, 27/10/2019, 08:43 - Chia sẻ
Làn khói lam chiều hoàng hôn, một biểu tượng của tình yêu và nỗi nhớ quê hương từng khiến bao trái tim những người con đất Việt xa xứ thổn thức, xao xuyến. Vậy mà, những làn khói thơm hương rơm rạ từ những vùng đất lúa, nay cũng đã tan biến dần từ khi nào chẳng rõ...

Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội bây giờ cũng không hề biết, phố Hà Nội cũng có một thời nghi ngút khói bếp mỗi lúc trời chiều ngả bóng hoàng hôn. 

Hồi tôi còn bé xíu, chừng 4 - 5 tuổi, khoảng đầu những năm 60 của thế kỷ trước, nhà tôi vẫn còn đun bếp củi. Bệ bếp xây bằng gạch cao quá đầu tôi. Tôi còn nhớ, mỗi khi mẹ đun bếp mà có đám con nhỏ luẩn quẩn quanh chân, bà thường bảo chúng tôi đi chỗ khác chơi, kẻo than củi rơi vào thì bỏng. Nhưng tôi rất thích mùi thơm bếp củi, nên cứ quanh đi quẩn lại. Đôi khi ngắm nghía không rời mắt những bong bóng nước li ti đùn ra phía cuối thanh củi còn chưa khô. Nhà có đứa nào bị chốc mép do nóng nhiệt bên trong, mẹ tôi thường quệt chút bọt nước củi tươi ấy, bôi vào mép cho vài lần là khỏi biến. Thật kỳ lạ!

Phía trên nóc bếp là cái ống khói với chiếc phễu thu khói bằng tôn hình chữ nhật úp ngược xuống. Lúc nào nó cũng ám đầy khói đen và các dây bồ hóng lua tua. Ống khói cũng bằng tôn, cao vọt, đen xì. Phía trên ống có nắp như chiếc bồ đài tròn úp ngược để che mưa, được lắp cách ống khói chừng vài mươi phân. 

Nhiều nhà trên phố Hà Nội cũng đun bếp củi, nhưng thay vì lắp ống khói bằng tôn, các mái bếp thường được dành một khoảng trống chừng độ nửa thước vuông, xây thêm mấy hàng gạch, lợp ngói nhô cao thêm, để khói bếp dễ  tỏa lan mỗi khi nấu nướng. Trông khá hài hòa, đẹp mắt. Đôi khi như là những chi tiết kiến trúc trang trí cho ngôi nhà. 

Khi tôi lớn hơn một chút, thi thoảng được lên gác thượng nhà hàng xóm là ngôi nhà 3 tầng cao nhất trên phố chơi cùng các bạn. Ngày ấy Hà Nội thanh thoáng, từ đó có thể bao quát hết khu phố cổ, sang tận các nóc nhà phố Hàng Bạc, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Mã Mây, Hàng Chĩnh, Hàng Giầy... Mái ngói lô xô, ống khói bếp lác đác vươn cao. 

 “Nhớ về gian bếp ngôi nhà thời ấu thơ, tôi thường nhớ hình ảnh mẹ con mèo mướp nằm cuộn tròn bên chiếc bếp mùn cưa đang đun nồi canh dưa sôi lục bục dậy mùi thơm nức trong một chiều đông rét mướt... “

Đám lau nhau chúng tôi thi nhau chỉ trỏ thi đoán xem ống khói nhà đứa nào cao hơn nhà đứa nào. Và cuộc thi bao giờ cũng bất phân thắng bại. Chỉ đến khi thành phố lên đèn, khói chiều chìm dần trên bầu trời nhập nhoạng tối, thì dẫu không đứa nào chịu thua đứa nào, đều lục tục tranh nhau xuống thang gác về nhà ngóng bữa cơm tối. Sao hồi ấy hay đói thế không biết!

Nhà tôi có cổng trước quay ra phố Phan Thanh Giản, trước là phố Bắc Ninh, sau đổi thành phố Nguyễn Hữu Huân. Hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, đây là một dãy phố chuyên buôn bán gỗ cây, gỗ súc, gỗ tấm lâu đời. Phố gần bến sông Hồng, thuyền bè trên ngược, dưới xuôi đậu san sát. Trên phố có rất nhiều nhà buôn gỗ lớn. Trước mỗi nhà thường có các hiệp thợ cưa xẻ hoạt động từ sáng chí tối. 

Sau này, và  cho đến những năm mở cửa đổi mới, phố Nguyễn Hữu Huân vẫn sầm uất đầy các cửa hàng bán đồ gia dụng bằng gỗ, như giường tủ, bàn ghế. Gỗ vụn và mùn cưa vì thế rất nhiều, các nhà đun bếp thoải mái. Chúng còn được đem bán cho dân trong khu phố cổ mua về đun nấu hằng ngày. 

Vào những kỳ trời trở gió, đám trẻ con các nhà thi nhau đi quét lá vụn, lá sấu, lá xà cừ, lá bàng… nhồi  vào bao tải, đem về phơi khô, phụ thêm việc đun bếp đỡ cho cha mẹ. Nhà nào cũng thế. Sau này đọc tự truyện Lê Vân mới biết, ba cô con gái đẹp như kiều nữ của đôi vợ chồng nghệ sĩ tài danh Trần Tiến - Lê Mai cũng đi quét lá, có khác gì đám trẻ nhỏ các phố Hà Nội. 

 Lắm khi gặp trời mưa dài ngày, lá chưa kịp khô đã dúi vào bếp. Khói ngùn ngụt như nhà có đám cháy. Chị em thi nhau chảy nước mắt nước mũi. Mâm cơm bê lên, từ rau cỏ đến cơm canh đều ám mùi khói lá. Nhưng cái mùi khói lá cháy ngai ngái ấy, thi thoảng lại dội lên trong ký ức tôi, cho đến tận bây giờ. Bâng khuâng đến hoang hoải.

Thế rồi bếp củi, bếp lá cũng đến lúc hết thời. Người Hà Nội chuyển sang đun bếp than và bếp mùn cưa, rồi sang chảnh hơn là đun bếp dầu. 

Phiếu chất đốt thời bao cấp những năm sau tiếp quản Thủ đô 1954 thường có các ô bán củi, bán mùn cưa, bán than. Sau này mới thêm các ô bán dầu đun. Nhà tôi và dân phố xung quanh thường mua chất đốt ở mạn phố Cầu Đất, Bạch Đằng ngoài đê sông Hồng. Than củi, mùn cưa thường được chất lên những chiếc xe đạp cũ, chị em hè nhau đẩy về nhà. Thời ấy phố Hà Nội còn vắng vẻ, chẳng sợ va quệt xe cộ.

Bếp dầu thì nhà tôi thi thoảng mới đun. Mẹ chê khói bếp hôi khó chịu, đôi khi làm hỏng mùi thức ăn. Và vì một lý do nữa mà sau này tôi mới rõ. Đó là đun dầu đắt hơn đun than củi quá nhiều. Nhưng các gia đình cán bộ, đun bếp dầu là chủ yếu.

 Gia đình tôi ngoài chục nhân khẩu, nhất thiết phải đun nấu bằng bếp than. Bố tôi phá bệ đun bếp củi, xây lò đun than cũng bằng gạch và vôi vữa. Ông khoét mặt bếp ba lỗ tròn to nhỏ chênh nhau làm các chỗ đặt kiềng sắt bắc các loại nồi chảo to nhỏ khác nhau. Ông trét đất sét bên trong lòng mấy ô bếp cho nhẵn nhụi. Ống khói vẫn ở trên như cũ. Chỉ có những tua rua bồ hóng thì không còn đen nhánh như thời đun củi, đun lá, mà trông nó bàng bạc nâu nâu màu bụi than bùn.

Chị em tôi được cắt phiên hằng tuần nắm than cám trộn bùn đất thành những viên than bèn bẹt như nắm cơm to.  Sau rồi cải tiến, nắm thành các nắm nhỏ như hình quả bàng. Bánh than to đập lên tường cổng sau nhà, trên ngõ Phất Lộc phơi khô. Tối đến cất vào, sáng mai phơi lại. Hôm nào mưa rào đột ngột không chạy kịp thì coi như hỏng bét. Phải nhào nắm lại rồi chờ nắng phơi tiếp. 

Nắm than quả bàng nhỏ đem xếp trải đều trên tấm cót nứa cũng phơi khô trên mặt ngõ. Đôi khi trẻ nhỏ tập xe đạp trong ngõ trót nghiến vỡ mấy viên than, mẹ tôi kêu như thét lên vậy. 

Ai đến lượt nắm than thì rất khổ. Phải trải than thành một vòng tròn như con đê nhỏ vòng quanh trên sân nhà hoặc trên hè phố, như cách các anh thợ làm bánh Tây trải bột trên bàn vậy. Sau đó cho thêm đất vụn, và đổ nước bên trong. Rồi chân mang đôi ủng nhỏ. Giậm đi giậm lại, liên tục, nhịp nhàng. Chốc một lại lấy chân quèo than và đất vào bên trong, cho nước ngấm đều mà không bị tràn than bẩn ra bên ngoài. Ai giậm than khéo, nắm than đẹp thì được bố khen. Đến bữa, mẹ sẽ thưởng cho miếng cháy cơm. Nắm tay còn đen nhẻm dấu than bùn, cầm miếng cháy vàng thơm hít hà, vinh dự ngang như lính chiến nhận huân chương sau trận thắng.  

Lúc sắp đến bữa thì đun cả ba ô lò. Bếp cơm, bếp rau, bếp rán đậu hoặc kho cá. Lửa tạt phần phật. Tại bếp nấu cơm thì khi nồi cơm cạn nước, sẽ được nhấc tạm ra, đặt trên miệng lò miếng tôn cũ, rồi đặt nồi cơm lên trên, vần qua vần lại, để cơm chín mà không khê, nhưng lại có lớp cháy xem xém giòn tan dưới đáy nồi. Có hôm đúng phiên vần cơm, mà lại mải đọc truyện, để cơm bên sống bên khê, tôi bị mẹ cốc cho một cái dễ lủng đầu mất. Nhớ đời.

Nhóm bếp, đun bếp, rồi ủ bếp trước khi đi ngủ, cời bếp, tiếp than, hầu như là đặc quyền của dì Hai tôi. Bà thường rất cần mẫn thức khuya dậy sớm. Cho nên bếp than nhà tôi quanh năm đỏ lửa, không mấy khi phải nhóm đi nhóm lại như nhiều nhà khác. 

À, có một lần bếp tắt! Đấy là một hôm hai bà cùng mẹ và dì Hai tôi đi chùa Hương qua đêm. Bố tôi ở nhà trông đàn con nhỏ và  lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trong đời vào bếp. Chỉ huy đám chị em lau nhau chúng tôi nhặt rau vo gạo đã là việc không dễ, tự tay xào bí đỏ, luộc rau muống rồi rán đậu phụ, với bố tôi còn cam go hơn đi đánh trận. Ngày hai bữa hôm ấy, chúng tôi ăn cơm sống, bí sượng, đậu cháy, rau nát mà vẫn cứ thấy ngon. Vì lần đầu được chứng kiến kỳ tích vào bếp của bố. May có món muối vừng và cá khô do mẹ và dì cẩn thận sắp sửa trước, nên đám chị em tôi vẫn no cơm ấm bụng như thường.

Sau bữa tối, mải mê với chiến công tự lập một ngày, bố con nhớ ra chuyện ủ bếp thì bếp đã gần tàn. Vội vàng thao tác đúng theo lý thuyết dì Hai dặn dò. Nhưng sáng mai cời than thì bếp đã tắt ngấm. Thế là chị em chúng tôi được một ngày ăn xôi và bánh mì trừ bữa mua ngoài hàng, sướng rơn người. Chẳng đứa nào phải nhặt rau, rửa bát. Mẹ và dì chiều về lao vào nhóm bếp mới, nấu cơm canh mới với những cái nguýt mắt, bĩu môi hướng về bố tôi đang ngượng nghịu cười cười hối lỗi. Yêu bố thế không biết! Bữa chiều hôm ấy, có canh rau sắng chùa Hương ngọt tuyệt vời. 

Hằng ngày, lúc nghỉ trưa thì ủ bếp lại, chừa ô nhỏ nhất đặt ấm nước dự phòng, đợi chiều đến pha tích chè xanh mới. Khởi lửa nấu bữa chiều xong, tối đến, đem ủ tất các bếp bằng các nắp lò, xung quanh miết bùn dẻo, giữa để một lỗ nhỏ thông hơi. Sáng ra mở nắp lò, tiếp than, quạt bếp. Thứ bảy, chủ nhật mùa đông thì khơi ô bếp to lên, đun cả chậu đồng vĩ đại nước sôi, trên đậy chiếc mâm nhôm cũng vĩ đại không kém. Đó chính là nồi nước cho chị em chúng tôi múc dần vào pha nước tắm trong nhà tắm. Trên chục đứa chứ có ít đâu. Tắm xong, bụng đói cồn cào, kịp khi cơm chín, được ăn bữa tươi cuối tuần có món nem rán hay bún riêu cua, hỏi còn gì hơn thế.  

Dì Hai tôi kém mẹ tôi đến dăm sáu tuổi, thế mà lại thất lộc sớm trước mẹ tôi hơn chục năm, khi dì chưa đến tuổi 60. Bây giờ nghĩ lại, tôi thi thoảng cứ ngậm ngùi, hay tại dì đun bếp than nhiều quá nên mắc bệnh hiểm nghèo mà mất sớm. 

Riêng món bếp mùn cưa, thì phần nhiều do mẹ tôi đảm trách. Bà lấy chiếc vỏ  chai thủy tinh cỡ chuẩn 0,65 lít, thường là chai rượu mơ rượu cam Tết để dành lại, đem đặt chính giữa lò bếp. Rồi cho mùn cưa lần lượt đủ các phía. Lấy thanh gỗ nhỏ dặm chặt chẽ rồi nhồi tiếp, dặm tiếp cho kỳ đầy khoảng 8/10 miệng bếp. Bà xoay xoay rút vỏ chai ra, sau đó khéo léo xếp mấy thanh củi khô chặt ngắn, chẻ nhỏ vào lòng bếp.  Luồn mấy chiếc đóm diêm qua ô cửa bếp phía dưới, châm lửa nhóm lò. Củi cháy, những hạt mùn cưa tiếp lửa kêu lép bép rồi đỏ rực. Chị em chúng tôi học theo mẹ mãi mà vẫn không thể nhồi bếp, nhóm bếp khéo léo như mẹ. Bếp mẹ nhồi nhóm thì đun cả ngày mà không bị lụi. Bếp mà chị em tôi nhồi nhóm, có khi đang đun dở thì mùn cưa đổ ụp, khói um nhà. Chỉ có cách là úp chiếc thùng nhôm gánh nước đậy cho kín, hoặc dội nước cho bếp tắt nguội hẳn, mới đem nhồi lớp mùn cưa mới.  

Bếp mùn cưa mà vần cơm cháy, hay kho cá, sắc thuốc Bắc thì hợp nhất. Nó cháy liu riu, bền bỉ, ấm áp. Nhớ về gian bếp ngôi nhà thời ấu thơ, tôi thường nhớ hình ảnh mẹ con mèo mướp nằm cuộn tròn bên chiếc bếp mùn cưa đang đun nồi canh dưa sôi lục bục dậy mùi thơm nức trong một chiều đông rét mướt. 

Cái ao ước được nhìn lại cảnh tượng như thế hầu như là không thể. Cho nên nhớ, nhớ mãi  khôn nguôi...

Tuỳ bút của Vũ Thị Tuyết Nhung