Văn bản trên sẽ sẽ ngăn chặn động vật phải chịu đựng căng thẳng, kiệt sức và thương tích không cần thiết trong những chuyến hành trình dài.
Là quốc gia G7 được xếp hạng cao nhất theo Chỉ số Bảo vệ động vật thế giới, Chính phủ Vương quốc Anh cam kết thực hiện các tiêu chuẩn cao về phúc lợi động vật và bảo đảm tất cả động vật đều được đối xử tử tế ở mọi giai đoạn của cuộc đời. Các nhà lập pháp nước này cho rằng, chỉ nên vận chuyển động vật khi cần thiết và nếu có thể thì không nên di chuyển quãng đường xa để giết mổ.
Dự luật sẽ bảo đảm rằng động vật được giết mổ trong nước tại các lò mổ đủ tiêu chuẩn ở Vương quốc Anh, củng cố vị thế là nước dẫn đầu thế giới về phúc lợi động vật, nâng cao giá trị thịt của Anh và giúp phát triển nền kinh tế. Dự luật trên được đưa ra sau cuộc tham vấn năm 2020 về việc chấm dứt xuất khẩu động vật sống, trong đó 87% số người được hỏi đồng ý rằng không nên xuất khẩu vật nuôi sống để giết mổ và vỗ béo.
Xuất khẩu động vật sống trong các trường hợp cụ thể khác, chẳng hạn như để chăn nuôi và thi đấu, vẫn sẽ được phép với điều kiện động vật được vận chuyển phù hợp với các yêu cầu pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi của chúng.
Vương quốc Anh đã ban hành các quy định phúc lợi dành cho lợn, gà đẻ và gà lấy thịt, cấm sử dụng chuồng nuôi gà nhốt thông thường cho gà đẻ và bắt buộc phải có CCTV trong các lò mổ.
Kể từ khi xuất bản Kế hoạch hành động vì phúc lợi động vật vào năm 2021, xứ sở sương mù xây dựng nhiều luật mới để công nhận khả năng nhận thức của động vật, đưa ra các hình phạt cứng rắn hơn đối với hành vi phạm tội tàn ác với động vật, ủng hộ lệnh cấm bẫy keo, ban hành luật bắt buộc gắn microchip (vi mạch) cho mèo, cấm buôn bán ngà voi và công bố mở rộng đối với các loài có ngà khác.