Vương miện của văn chương

Lê Thư 23/02/2016 08:25

Có người ví thơ ca chính là chiếc vương miện của văn chương. Sự liên minh giữa vần điệu, thanh âm và ý nghĩa giúp chúng ta biết cách nhìn thế giới bằng một lăng kính khác. Vinh danh thơ chính là vinh danh một vị trí quan trọng của văn học, góp phần tăng hiểu biết giữa người với người, đặc biệt thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Cảm nhận chính mình

“Tôi ngồi trước trang giấy, bên ô cửa sổ, hướng ra khoảng trời mênh mông, trong lòng ngập tràn cảm xúc. Bất chợt, tiếng chuông điện thoại reo lên. Không gian yên tĩnh bị phá tan. Thế giới xung quanh dường như rất ít cho con người cơ hội được cảm nhận chính mình”, nhà thơ Pháp André Velter chia sẻ nhân dịp đến Hà Nội tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14. Ông cho rằng, xã hội ngày càng hiện đại, công nghệ thông tin ngày một chi phối đời sống, máy vi tính, điện thoại, mạng xã hội lấn chiếm mọi không gian và những áp lực về kinh tế, chính trị, về các mối quan hệ, nỗi lo nghề nghiệp… đang cuốn con người đi, dần đánh mất điều quý giá là thời gian được sống với tâm mình. “Tôi không muốn sống trong một thế giới mà cái gì cũng chuẩn mực, bị bó buộc trong khuôn khổ và quá đủ đầy, tiện nghi nhưng lại mài mòn cảm xúc của tôi. Thơ ca đã giúp tôi vượt ra bên ngoài thế giới đó. Đến với thơ ca, tôi được là mình, được hòa vào nền văn hóa mình đang sống và có cái nhìn rộng hơn đôi mắt của một cá nhân”.

Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trên hành trình lịch sử, con người đã làm ra thơ cũng như văn học nói chung, để có bạn đồng hành, để chia sẻ những cảm nghiệm, trải nghiệm về cuộc sống của mỗi người và mọi người trên trái đất, trong thế gian. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định: “Trải qua hàng chục thế kỷ, thơ ca luôn xứng đáng một đấng cứu tinh của tinh thần, hướng con người hiểu sâu sắc về bản ngã. Cuộc sống càng khó khăn bao nhiêu, chúng ta càng cần đến thơ ca”. Nếu tạm cất điện thoại, tạm lánh xa chiếc máy tính và nhìn ngắm mọi người, trò chuyện trực tiếp với họ, hoặc đôi khi là đọc đôi bài thơ, thậm chí, tập sáng tác một vài câu… chúng ta sẽ khám phá ra rất nhiều điều về bản thân và thế giới, những điều mà ngày thường khó nhận thấy. Như văn hào Nga Gogol từng nhắn nhủ: “Hãy mang theo tất cả để lên đường, đi từ những năm niên thiếu dịu dàng bước vào tuổi trưởng thành khắc khổ. Hãy mang theo tất cả xúc cảm của tâm hồn nhân loại, đừng bỏ nó lại dọc đường để rồi sau đó lại nhặt lên”.

Giá trị nhân văn

 Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, nhà phê bình PHẠM XUÂN NGUYÊN: “Qua tiếp xúc thơ ca, chúng ta có thể gửi được những thông điệp, tiếng vọng ra bạn bè quốc tế và tiếp thu được âm vang từ các nhà thơ nước ngoài mang đến Việt Nam. Thơ đa dạng, phong phú, mở rộng chiều kích của ngôn ngữ, chiều kích của trí tưởng tượng cũng như tôn giáo, triết học… Tất cả những điều đó khiến cho mỗi chúng ta lớn lên và sống nhân văn hơn. Thơ so với văn và văn học so với các loại hình nghệ thuật khác tôi thấy có vẻ như đang lép vế. Trong nội bộ văn học, thơ có vẻ như ít được đọc, in ra thì không bán được cho nên, đang rất cần được khuyến khích phát triển bởi con người không thể sống thiếu thơ như một thứ tài sản quý giá về tinh thần”.

Hướng đến cảm xúc cá nhân nhưng không có nghĩa là nhà thơ sẽ xa rời thực tế cuộc sống. Ngược lại, nhà thơ phải luôn bám sát sự kiện nhưng thay vì tạo ra một diễn văn chính trị hay một dạng thông tấn, thơ ca phải đem lại cho người đọc sinh khí mới - thứ sinh khí để vượt qua nỗi đau về thể xác và tinh thần, thấm đượm giá trị nhân văn. “Rồi nhân dân sẽ còn trìu mến tôi mãi mãi. Vì tôi đã dùng thơ đánh thức những tình cảm tốt lành, vì trong thế kỷ tàn khốc của chúng ta, tôi ngợi ca tự do và lòng thương những kẻ khốn cùng”. Thi hào Puskin từng viết như vậy, đó cũng là triết lý của thơ ca.

Nghiên cứu chỉ ra, khi xã hội ngày càng phức tạp, tình hình bất ổn ngày càng lớn và tội phạm ngày càng trẻ hóa thì vai trò của giáo dục là đặc biệt quan trọng. Nhưng văn chương, trong đó có thơ ca với chức năng khơi gợi cảm xúc chân, thiện, mỹ sẽ góp phần rất lớn. Báo chí hay phim ảnh và các phương tiện thông tin có thể tạo ra những sự kiện xã hội, còn thơ ca lại lấy hiện tượng xã hội để tạo ra các sự kiện trong tâm hồn, làm thay đổi cách nhìn, gợi mở cho con người hướng về nhân loại và yêu thế giới hơn. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng, thơ ca không khoác trên mình một sứ mệnh phô trương mà nhẹ nhàng dẫn dắt chúng ta đến gần cái thiện: “Chẳng hạn, ta đọc một bài thơ, bỗng dưng lại nghĩ về mình, thấy ngày đẹp hơn, thấy những con người xa lạ bỗng gần gũi hơn… Thi ca chính là hạt giống gieo vào lòng người giá trị yêu thương, cảm thông và thẩm mỹ. Trong thời đại mà sự vô cảm giữa con người với nhau đang gióng lên hồi chuông báo động thì thơ ca có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi điều đó. Chỉ có điều, cách làm như thế nào thì nhà quản lý, người làm giáo dục, làm văn hóa phải bàn đến”.

Gắn kết văn hóa

Nhà văn Pauxtopxki từng nói: “Những chữ xơ xác nhất mà chúng ta đã nói đến cạn cùng, mất sạch tính chất hình tượng đối với chúng ta, những chữ ấy trong thơ ca lại sáng lấp lánh, lại kêu giòn và tỏa hương”. Thơ ca là sự liên minh giữa vần điệu, âm thanh và ý nghĩa mà khi có sự kết hợp giữa chúng, người nghe có thể hiểu được những thông điệp ẩn sâu. Vì thế, nhiều người cho rằng, sức mạnh của thơ ca còn có khả năng kết nối nền văn hóa của các quốc gia lại với nhau. Nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch thuật người Bỉ Jean - Pierre Orban nhận định: “Văn học, trong đó có thi ca là một trong những hữu cụ gắn kết thế giới, nhất là khi các vấn đề xung đột về mặt chính trị, kinh tế và đạo đức nhất ngày càng lan rộng ra ngoài phạm vi ảnh hưởng ở một quốc gia. Phương Tây tập trung nhiều hơn về các cá nhân, còn phương Đông có thiên hướng cộng đồng. Nhưng qua thơ ca, họ mở cửa ra thế giới, dung hòa giữa cá nhân và cộng đồng để cùng mang lại điều tốt đẹp nhất cho con người.”

Với sự giàu có về hình ảnh, ý nghĩa trong cấu tứ và khả năng truyền cảm bằng thanh điệu, thơ giúp xóa bỏ rào cản về vật chất, ngôn ngữ và văn hóa, tạo nên sự đồng điệu trong tâm hồn. Có thể nói, vinh danh thơ chính là vinh danh một vị trí quan trọng của văn học, từ đó góp phần thúc đẩy sự hiểu biết giữa người với người, đặc biệt đẩy mạnh giao lưu văn hóa giữa các quốc gia. Đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Cécite Leroy khẳng định: “Thơ ca là một bộ phận không thể thiếu của di sản văn hóa châu Âu và chúng tôi vô cùng tự hào vì di sản đó được biết đến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, châu Âu cũng học hỏi được nhiều ở văn học, thi ca Việt Nam. Không chỉ người Việt Nam quan tâm đến các tác phẩm của Việt Nam mà ngày càng nhiều người châu Âu mong muốn được tìm hiểu về văn học, thơ ca của Việt Nam, qua đó, hiểu về văn hóa, con người và các địa danh của Việt Nam”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vương miện của văn chương
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO