Vướng mắc trong thực hiện Chương trình 134 ở Trà Vinh

09/03/2008 00:00

Sau 3 năm thực hiện Chương trình 134, tỉnh Trà Vinh đã đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho 70,72%, nhu cầu nước sinh hoạt cho 75% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là Dự án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất kết hợp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

      Để thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, chủ yếu là dân tộc Khmer theo Chương trình 134, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các huyện, thị thực hiện. Việc bình xét được tiến hành công khai, dân chủ từ cơ sở với sự tham gia của MTTQ và các đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội ở địa phương. Do đó, đã chọn đúng đối tượng khó khăn cần hỗ trợ, tạo đồng thuận cao trong thực hiện. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện được thành lập, phân công nhiệm vụ cho các cơ quan chủ trì phối hợp xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức thực hiện các mục tiêu của chương trình. Theo đó, Đề án xây dựng nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo do Sở Lao động - Thương binh, xã hội và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư được thực hiện từ đầu năm 2005. Trước tình hình giá vật tư biến động, tỉnh đã nâng mức hỗ trợ xây dựng nhà ở từ 5,5 triệu đồng lên 6,4 triệu đồng/nhà; Gộp số trạm cấp nước liền kề để giảm số trạm cấp nước nhỏ, mở rộng mạng phân phối nước từ các trạm đã có, giúp bảo quản tốt hơn và giảm chi phí đầu tư. Năm 2007, tỉnh hỗ trợ thêm 7 tỷ đồng xây dựng các công trình nước sinh hoạt tại cộng đồng. 
      Đến hết năm 2007, toàn tỉnh đã xây được 9.849 căn nhà, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 70,72% hộ; Xây dựng công trình nước sinh hoạt phân tán, chủ yếu là các lu chứa nước cho 8.041 hộ và công trình nước sinh hoạt tập trung cho 9.118 hộ, khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho 75% hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Qua khảo sát cho thấy, những ngôi nhà được xây dựng tương đối chắc chắn, thiết kế phù hợp với điều kiện thực tế và phong tục, tập quán vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều địa phương như huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành… thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên đã vận động được đóng góp của cộng đồng, thân tộc sang nhượng, hiến đất, ủng hộ vật tư. Một số địa phương lồng ghép với nguồn vốn của các chương trình, dự án khác để tăng mức đầu tư và chú trọng phát huy cơ chế dân chủ trong thực hiện đã tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng.
      Tuy nhiên, Đề án hỗ trợ đất ở, đất sản xuất kết hợp với đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho đồng bào do chờ hướng dẫn nên đến ngày 4.9.2007 mới được phê duyệt. Việc thực hiện các mục tiêu của đề án gặp khó khăn do thiếu quỹ đất, thiếu đất sản xuất nông nghiệp và nhất là thiếu kinh phí thực hiện. Trong khi tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án này cần đến 1.193,12 tỷ đồng nhưng năm 2008, nguồn vốn hỗ trợ của trung ương mới có 30 tỷ đồng. Thiếu vốn nên việc thực hiện các giải pháp thay thế chính sách hỗ trợ đất sản xuất nông nghiệp có chất lượng, nhất là thực hiện chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, một số công trình nước sinh hoạt tập trung không phát huy hết hiệu quả do số hộ sử dụng nước còn thấp, hộ ngoài đối tượng thụ hưởng không có kinh phí lắp đặt đồng hồ nước. Việc xây dựng các công trình nước phân tán cũng không hiệu quả. Một số địa phương như xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, xã Hàm Giang, Tân Hiệp, Long Hiệp của huyện Trà Cú có tới 2/3 hộ được xây lu chứa nước không sử dụng được do chất lượng kém. Nhiều lu chứa nước bị nứt, rò rỉ nước, khó di chuyển, không phù hợp với điều kiện sinh hoạt vùng đồng bào Khmer. Thậm trí có trường hợp lu nước bị nổ. Mặt khác, nhiều địa phương chưa chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nên phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm chưa được thực hiện có hiệu quả.
      Chính vì vậy, để phát huy hiệu quả các công trình nước sinh hoạt phân tán, việc xây lu nước 1,3 m3 cần thay  bằng các lu nước nhỏ hơn, tạo thuận lợi cho việc vận chuyển. Đặc biệt, phải bảo đảm chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Công tác tuyên truyền cũng cần được tăng cường bằng nhiều hình thức để vận động sự tham gia ủng hộ tích cực của cộng đồng. Bên cạnh đó, ngành chức năng và các cấp chính quyền ở Trà Vinh cần tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện, nhất là kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và khắc phục vướng mắc, sai sót trong quá trình thực hiện. Tỉnh cũng cần kiến nghị tăng nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu hỗ trợ đất sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thạch SaMy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vướng mắc trong thực hiện Chương trình 134 ở Trà Vinh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO