Vướng luật, hay thiếu phối hợp?

- Thứ Tư, 20/01/2021, 06:56 - Chia sẻ
Trường hợp ông Lê Quốc Dũng, hiện đang thuê trọ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội - bị bỏ rơi tại phố Cửa Bắc, TP Hà Nội vào ngày 17.11.1991 khi mới được 1 ngày tuổi - nhưng không có bất kỳ một giấy tờ nhân thân nào (không giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân…) đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Dù may mắn hơn nhiều em bé bị bỏ rơi, song đứng ở góc độ pháp luật ông là “người ngoài vòng pháp luật”.

Câu hỏi đặt ra, việc ông cư trú gần 30 năm giữa Thủ đô với bao nhiêu lần tổng điều tra dân số; kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu nhưng vì sao chính quyền sở tại cũng không biết. Liệu đã lần nào, gia đình nhận nuôi ông được đại diện chính quyền hướng dẫn, vận động đi làm các giấy tờ cần thiết?

Việc “ngoài vòng pháp luật” của ông Dũng chỉ được biết đến vào năm 2014 - khi mẹ nuôi mất. Vì không có bất kỳ giấy tờ cá nhân nào nên ông Dũng gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc mưu sinh. Cũng từ năm 2014 ông Dũng đã tìm nhiều cách để xin được cấp giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân; tuy nhiên đến nay ông vẫn là người ngoài vòng pháp luật.

Trong Công văn 936/STP - HCTP ngày 6.4.2020 của Sở Tư pháp TP Hà Nội do Phó Giám đốc Phạm Thanh Cao trả lời đơn của anh Nguyễn Quốc Dũng cũng chỉ dừng lại ở việc nêu ý kiến, viện dẫn quy định của Luật Hộ tịch; hướng dẫn anh về UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên, TP Hà Nội - nơi cư trú để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, giữa tháng 12.2020 - tức là sau hơn 8 tháng, UBND phường Bồ Đề thông báo: Sau khi thẩm định/thẩm tra/xác minh và đối chiếu với các quy định không xác định được nguồn gốc sinh và lớn lên của người khai sinh, không có bản ảnh để xác định bản thân người khai sinh; nên hồ sơ đề nghị giải quyết đăng ký khai sinh của anh Dũng không đủ điều kiện giải quyết.

Đối chiếu theo những quy định hiện hành về hộ tịch thì có thể thấy thời gian giải quyết hồ sơ của UBND phường Bồ Đề là quá dài. Đây cũng là trường hợp khó cho chính quyền sở tại khi ông Dũng không có bất kỳ giấy tờ nào. Tuy nhiên, giả sử trong thời gian 8 tháng nêu trên, nếu UBND phường gặp vướng mắc pháp luật; thực tiễn pháp luật mà không thể giải quyết được quyền và lợi ích hợp pháp của ông Dũng thì phải có giải pháp khác; ngay cả việc xem xét quá trình, đôn đốc xử lý vụ việc của Sở Tư pháp Hà Nội đối với trường hợp đặc biệt như ông Dũng cũng chưa thật sự trọn vẹn nếu đứng từ góc độ quyền của công dân.

Cũng từ đó thời gian ông Dũng chạy lòng vòng qua các cơ quan liên quan từ công an đến UBND phường để xác minh tình trạng “ngoài vòng pháp luật” của mình. Đơn cử, ngày 1.8.2020 ông làm đơn xin xác nhận cư trú gửi Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Ngày 16.8.2020, ông nhận được xác nhận của Công an phường với nội dung: Ông Dũng không có giấy tờ nhân thân, đang sinh hoạt tại địa chỉ số 5 hẻm 370/28/3 Nguyễn Văn Cừ, tổ 18, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội; chưa làm thủ tục khai báo tạm trú với công an phường. Trong khi đó, các quy định liên quan thì chồng lấn mâu thuẫn lẫn nhau như: Không có chứng minh nhân dân thì không làm thủ tục khai báo tạm trú; không khai báo tạm trú được thì không làm giấy tờ thủ tục hộ khẩu. Vậy là ông Dũng cứ bị treo giữa các quy định; sự lúng túng, sự vào cuộc chậm chạp của các cơ quan chức năng.

Việc chứng minh thân phận của một con người là việc không đơn giản, nhất là khi không có bất kỳ một giấy tờ nào liên quan để chắp nối các sự kiện; nhưng một con người không tự dưng sinh ra, tồn tại mà không có một sợi dây liên kết với xã hội. Trường hợp của ông Dũng rất cần sự vào cuộc kịp thời trong hướng dẫn về chuyên môn và nghiệp vụ của Bộ Tư pháp; Bộ Công an.

Nguyễn Minh