Vườn xưa (Phần cuối)
Truyện ngắn của Phạm Hương Giang

13/05/2008 00:00

      >>Vườn xưa (Phần một)

      Ở với nhau hơn chục năm, đã có bốn mặt con, tưởng hạnh phúc của cha mẹ từ đây vĩnh viễn. Nào ngờ... Mẹ dừng lại nghẹn ngào... Người đàn bà ấy đột ngột xuất hiện trước tổ ấm của mẹ như một hung thần. Cha mẹ quỳ xuống khóc lóc van xin khản cổ mà cha vẫn đi theo bà nội. Họ trở về miền Nam quê cha rồi vượt biên đi đâu không rõ. Sao cha phải đi theo bà nội hả mẹ? Cha không thương mẹ, không thương chúng con sao? Chị ba giật áo con bé út đang khóc nức nở. Mẹ cũng òa khóc rồi giọng trở nên xa xôi: Vì trước mẹ cha đã có người đàn bà khác. Vì mẹ không muốn người đàn bà ấy cũng khổ như mình.
      Khuya, con bé út đi lang thang trong vườn. Này là cây dừa, kia cây sấu, cây mít, cây na... cây nào được trồng khi cha mẹ yên vui, hạnh phúc bên nhau, cây nào được trồng bằng hai bàn tay chai sạn, bằng nước mắt, bằng những đêm cô đơn tủi hờn của mẹ khi cha về bên người khác. Mấy chục năm qua mẹ yêu thương khu vườn bằng tình yêu dành cho người đi xa, bằng tình yêu cho lũ con thơ dại. Bao nhiêu năm vắng cha, tiếng cuốc vẫn vọng đều như tiếng lòng của mẹ. Cuốc... cuốc... Cha bảo ở quê cha những đêm nước ròng bìm bịp cũng kêu suốt đêm như thế. Chẳng biết giờ này cha đang nghe tiếng bìm bịp hay nghe tiếng chim lạ xứ người? Mẹ trở mình. Mẹ thức đêm này sang đêm khác, nghe ngóng...
      Cuối đông cái lạnh càng trở nên tê tái. Những thân cây thu tàn lực chống chịu cái rét đợi xuân về để bung ra sức sống. Nhưng mẹ không gượng được nữa. Mẹ chỉ là cái cây mà những cơn đau vắt kiệt nhựa sống. Không thể ngồi hay trở mình, mẹ nằm dán chặt xuống giường, mái tóc bạc trắng rối bời, chân tay khẳng khiu như những cành khô. Ngày một cơn đau... hai cơn, rồi nhiều cơn. Mẹ sống bằng những ống moócphin, bằng ảo giác. Nhất quyết các con phải ở bên nhau, phải có chỗ ở đàng hoàng chứ đừng như mẹ lang thang xiêu dạt. Cả đời mẹ, cả đời cha... Hai bàn tay chỉ quen nhung lụa của mẹ, hai bàn tay chỉ còn bảy ngón của cha, cha mẹ vừa lật đất vừa bảo nhau: Hạnh phúc là đây. Từng nắm đất, từng gốc cây đã thấm đẫm mồ hôi nước mắt của cha mẹ nhưng đó cũng là những ngày cha mẹ hạnh phúc nhất. Bệnh của mẹ có chữa cũng thế thôi, đừng cắt bán đi máu thịt của mẹ... Những tán cây xào xạc, những chiếc lá cuối cùng rùng mình rụng xuống... Cha có về không? Đàn cuốc đã về chưa?
      Nửa đêm về sáng mẹ bật dậy - thật diệu kỳ - nghe ngóng... Cuốc... cuốc... có phải đàn cuốc đã về đấy không? Con ba, con út khẽ thôi! Nghe cùng mẹ đi! Đàn cuốc, đàn cuốc đã về rồi! Không, mới chỉ có một con. Ngày cha mới đi, đêm đêm cũng chỉ có một tiếng cuốc thôi. Cuốc... cuốc... đều đều khắc khoải. Chả bù cho ngày cha mẹ mới đến, cò diệc thì mẹ biết, nhưng ở Hà Nội mấy khi được nghe tiếng cuốc. Cuốc kêu hàng đàn, hàng chuỗi, mẹ sợ như nghe ngàn vạn tiếng rủa xả đe nẹt. Mẹ ôm chặt lấy cha, lần rờ bảy ngón tay cha. Ngày mới gặp cha, mẹ đã òa khóc khi nhìn thấy bàn tay tàn tật loang lổ. Cha bối rối vụt giấu hai bàn tay sau lưng rồi cứ đứng nhìn mẹ cho đến khi xe điện chạy qua mất. Cha vùng chạy theo: Chờ tôi zới!... Mẹ bừng tỉnh. Cha là bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Mẹ mỉm cười, đôi má tái nhợt bừng lên, bẽn lẽn đỏ hồng như má thiếu nữ...
      Này, khẽ thôi, đừng làm con cuốc sợ! Nó chỉ có một mình thôi. Nó kêu cả đêm. Không, không ăn thịt nó đâu, mẹ bắt cha thả nó ra. Em sắp sinh, ăn toàn rau dại chịu sao nổi? Mẹ nhất định lắc đầu. Cuốc... cuốc... con cuốc lủi nhanh vào lùm cây. Đấy, nó lại đang kêu ở đâu đấy. Con ba, con út, soi đèn xem nó đâu. Mẹ toan đứng dậy. Chị ba hốt hoảng đỡ mẹ. Con bé út khóc nấc lên. Mẹ ơi, mẹ tỉnh lại đi, làm gì có con cuốc nào đâu? Có, cuốc... cuốc... cuốc... rõ ràng nó kêu rất gần, rất gần mà. Mẹ đưa tay ôm ngực, thân hình mẹ co rúm báo hiệu một cơn đau, nhưng khuôn mặt mẹ tươi tỉnh lạ thường. Cuốc... cuốc... đấy, mẹ chỉ tay ra vườn, đưa mẹ ra, đúng là con cuốc mẹ không ăn thịt rồi, cha bẫy cả ngày mới được... Đưa mẹ ra!... hơi thở mẹ thì thào đứt quãng. Cơn đau ghìm mẹ xuống giường. Hai chị em đưa mắt nhìn nhau. Đêm hoàn toàn yên lặng...
      Tuần vài buổi, anh cả đèo chị dâu về, có khi chị tự phóng xe về, mắt trước mắt sau: “Chị hỏi rồi, bệnh này có chữa thuốc nào cũng không khỏi đâu. Chị nhờ mối mua được mấy chục ống moócphin đây. Đi đường cứ lo ngay ngáy, nhỡ đứa nào xấu bụng... Bà vẫn thế à? Da dẻ đẹp nhỉ, hơn cả chị ấy chứ”. Rồi chị nắm tay mẹ rối rít hỏi giữa các cơn đau: “Mẹ viết di chúc chưa?” Chị hai trừng mắt: “Chị để cho mẹ yên!” Con bé út khóc rấm rứt. Chỉ có chị ba lặng lẽ đẩy anh cả ngượng nghịu ra ngoài. Chị dâu quay sang tấn công chị ba: “Cô gần bà nhất, bà dặn gì cô?”. Chị ba thẫn thờ: “Mẹ bảo, con nào cũng là con”. Chị dâu tối sầm mắt giục chồng đi ngay, hoãn việc xây nhà. Chị hai tức tối: “Con quỷ cái rồi không làm loạn cái nhà này!”. Nhưng mẹ bảo: Động chạm đến quyền lợi, đất cát ai chả thế, chẳng ai muốn xa mảnh đất gắn bó máu thịt với mình. Anh chị em nó ở trên ấy cả, nó về đây cũng chán...
      Ở với mẹ bao nhiêu năm trên mảnh đất tự mình khai phá, gieo trồng, lòng cha vẫn không nguôi nỗi nhớ quê hương miền Nam. Cha nhớ những rặng dừa, nhớ những con kênh tuổi mười chín đôi mươi chèo thuyền chở lương thực súng đạn cho bộ đội. Mẹ rờ tay cha hỏi: Còn những ngón tay rụng xuống chỗ nào? Cha trả lời: Trên quê hương miền Nam. Nhưng còn một nỗi nhớ xa xôi hơn, lặng lẽ hơn mà mẹ ít khi được cùng cha chia sẻ. Mẹ ơi, có phải chuyện người đàn bà ấy không? Con bé út nắm tay mẹ tha thiết. Mẹ rưng rưng... Người đàn bà ấy chưa bao giờ xứng đáng được nhận tình yêu của cha... Nhưng mẹ đã hi sinh hạnh phúc của mình cho bà ấy - chị ba khẽ lùa tấm màn gió cho những giọt nắng hiếm hoi của mùa đông lọt vào. Căn phòng sáng ấm. Mẹ không thể trở mình về phía ánh nắng, chỉ có hai con mắt khẽ động đậy nỗi thèm thuồng... Đêm chia tay, nước mắt cha rối bời tóc mẹ. Mẹ không biết rằng bao đêm cha mất ngủ vì người vợ bên kia giới tuyến của cha không chịu được cảnh o ép cực khổ đã bỏ nhà vào dinh viên sĩ quan Cộng hòa, kẻ đang ngày đêm lùng sục những đồng đội của cha, những người may mắn được quay về Nam chiến đấu. Cha bị kỷ luật, bị khai trừ Đảng, cha sống âm thầm với nỗi đau không thể nói cùng mẹ, cha sợ mẹ buồn. Những đêm ấy, tiếng cuốc thoảng sang dài, sâu như tiếng kinh cầu. Cha bảo mẹ: Vua Thục mất nước kêu ròng rã mà biến thành con cuốc. Cha lại thở dài: Đất nước mình còn chia cắt đến bao giờ!
      Đất nước mình còn chia cắt đến bao giờ? Ngày giải phóng cha mẹ hòa chung niềm vui của đất nước. Ngày giải phóng, viên sỹ quan Cộng hòa lên tàu bay sang Mỹ. Người vợ trước của cha quay lại van xin mẹ chồng. Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại, cha phải quay lại đoàn tụ với gia đình cũ. Vì tổ chức, vì gia phong cha không thể làm khác. Nhưng sao cha lại vượt biên sang nước ngoài? Con bé út buột miệng hỏi. Chị ba sầm mặt có ý trách. Con bé út biết mình lỡ lời, nhưng nỗi khao khát tìm hiểu về người cha đã chiến thắng. Nó khẩn thiết lay tay mẹ. Bàn tay vã mồ hôi nhưng lành lạnh run run. Đôi mắt mẹ lấp lánh, khuôn mặt rạng ngời: Ai bảo cha vượt biên? Cha sắp về đấy, con cuốc bảo mẹ thế...
      Mẹ ơi, tiếng cuốc kêu ở đâu? Đấy, đấy, hình như nó ở bụi tre, không xa hơn... bên kia sông, cuốc... cuốc... Không, nó lại vào gần đến giếng rồi. Đấy, cuốc... cuốc, khẽ thôi con út, nghe thấy không...? Mẹ thì thào, mẹ chới với. Toàn thân mẹ như muốn bay lên chơi vơi lửng lơ theo tiếng cuốc. Con bé út vuốt vuốt tóc mẹ, kẽ tay vương đầy những sợi bạc, mầu bạc không lấp lánh tươi trong mà mờ đục sương chiều. Chị ba khẽ kéo lớp áo dày, con bé út giật mình. Hơn một tuần, bụng mẹ đầy nhức, căng cứng và nổi vầng những hạch. Chị ba bảo: “Những cái hạch trong ổ bụng to lên cọ vào các bộ phận khác làm những cơn đau dày hơn, moócphin hầu như không còn tác dụng gì nữa”. Nhưng mẹ không kêu đau, lúc nào mẹ cũng nghe ngóng tiếng cuốc. Khi không đau, đôi má mẹ hồng hào như thiếu nữ, mẹ thì thào những gì không rõ. Nhưng càng những cơn đau, khi da mẹ xám xịt nặng nề thì những tiếng thì thào càng rõ hơn. Nhiều khi nghe như mẹ đang nói chuyện với ai đó, nhiều khi nghe như mẹ đang hát. Mẹ nhất định nói con cuốc đã về...
      Chị dâu năng về hơn, bắt đặt cái đài bên cạnh suốt cả ngày để ghi âm những lời mẹ nói. Đêm, con bé út bật đài, mắt đăm đắm nhìn khu vườn mờ sương. Những tiếng nói của mẹ rì rào như gió thoảng. Bỗng nó nghe thấy một âm thanh quen thuộc, thoạt đầu xa xôi mơ hồ rồi phút chốc trở nên rõ ràng trầm bổng. Tiếng cuốc! Con bé út thốt lên. Tiếng cuốc thật, tiếng cuốc trong như mùa thu, cao như mùa hạ, ấm như mùa xuân, lạnh như mùa đông. Tiếng cuốc ùa vào nó tất cả những kỷ niệm ấu thơ. Tiếng cuốc khắc khoải với nỗi đau nhỏ máu. Cuốc... cuốc... Mẹ ơi, tiếng cuốc!
      Đàn cuốc về chưa? Cha đã về chưa? Các con xem hay cha đang đứng ở cổng mà chưa dám vào? Đêm qua con cuốc bảo với mẹ nhất định hôm nay cha sẽ về. Con cuốc về chưa? Nó đi trước dẫn đường cho cha, nó về chưa? Chị ba với con bé út cùng trả lời: “Nó về rồi mẹ ạ”, rồi quay sang nhau bối rối. Đôi mắt mẹ cứ hướng ra cửa, chờ đợi. Bóng nắng tắt dần. Đầu xuân trời đã ấm hơn, mẹ đòi mở cửa sổ. Chị ba mắt đỏ hoe, giọng nghèn nghẹn: “Hình như đây là con cuốc đầu đàn mẹ ạ, nó về trước để báo tin...”. Đấy, cuốc... cuốc... Nó đang kêu ở bụi chuối đấy. Mắt mẹ sáng lên. Bóng tối phủ đầy.
      Chị hai thì thầm: “Có tiếng cuốc thật không?”. Hai chị em nhìn nhau rồi khẽ gật. Chị hai lắng nghe. Cha về chưa con? Ra đón cha đi con... Thằng cả, con hai nhớ mặt cha đi đón cha đi. Đấy, con cuốc đi cùng cha về rồi. Nó đang kêu đấy. Cuốc... cuốc... Cha các con sạm đen, mặt vuông, mắt sáng, hai bàn tay chỉ có bảy ngón. Cha trồng cây dừa bằng bảy ngón tay, cha trồng cây sấu, cây na, cây thị... đều bằng bảy ngón tay. Cha khuân những hòn đá tảng bằng bảy ngón tay, cha tạo dựng khu vườn cũng bằng bảy ngón tay. Mẹ yêu khu vườn như yêu những ngón tay của cha. Cha về rồi, các con ơi cha về rồi...
      Trời đêm yên lặng.

      Sáng xuân phảng phất mưa phùn và hương hoa nồng ấm.
      Mẹ cứ chìm hết cơn mê sảng này đến cơn mê sảng khác. Mẹ như đang lơ lửng giữa mùa xuân. Khu vườn đã thay áo mới mởn xanh qua đông tàn giá lạnh. Những thân cây bung nhựa sống cuồn cuộn. Muôn ngàn loài chim bay về ríu rít hòa ca. Mẹ như trẻ lại... Mùa xuân cha mẹ dắt nhau đi tìm chốn ăn, chốn ở... Mùa xuân cuốc bắt đầu kêu, những tiếng kêu ấm áp nồng nàn. Mùa xuân cha trở về, nhất định cha sẽ trở về... Chị dâu chua chát: “Mẹ như mắc bệnh tương tư. Sốt cả ruột!”...
      Bệnh tương tư? A! Nhớ rồi... Con bé út chạy tắt qua cầu tre sang cánh đồng. Bờ sông nông choèn nhưng vài loài cây dại, dây leo vẫn quấn quýt xanh tươi, thấp thoáng vài đóa tầm xuân cánh mỏng dịu dàng. Con bé chạy dọc bờ sông, vạch tìm từng bụi rậm, tiếng cuốc đâu thoảng xa cứ giục giã. Không, rõ ràng tiếng cuốc mà càng đuổi càng xa. Nắng dát vàng trên mặt sông lấp loáng. Con bé hoa mắt? Không. Một con cuốc, xác một con cuốc nằm phơi mình khô cong giữa đám hoa tầm xuân phớt hồng thơm ngát. Một lần về quê đứa bạn, bà nó kể một bài thuốc dân gian: Lấy xác cuốc tán thành bột hòa với vài loại thuốc khác sẽ chữa được bệnh tương tư. Con bé hăm hở lao về, tóc rối mù, hai ống quần ướt nhẹp dính đầy cỏ may...
      Chị hai, chị ba ôm chầm lấy nó khóc không thành tiếng. Con bé như mất hồn. Anh cả vòng tay ôm cả ba chị em, vòng tay anh run rẩy nấc nghẹn. Chị dâu đứng trân trân. Mẹ đòi ra vườn. Khu vườn ngập nắng. Mẹ nắm tay từng đứa, hỏi con út đâu? Chị ba thưa: Nó đi đón cha. Mẹ mỉm cười, nụ cười héo hắt. Chị dâu giằng tay mẹ, ấn vào tay mẹ một tờ giấy viết sẵn. Cây bút lăn đi, một vệt ngoằn mờ trên giấy. Mẹ ra đi, đôi mắt đăm đăm về phương trời xa. Con bé út đặt bên cạnh mẹ xác con cuốc, khẽ khàng vuốt. Đôi mắt mẹ khép lại. Cuộc đời mẹ khép lại.
      Chị dâu chờ xong tang sự là lục tung nhà lên. Bốn anh em lặng lẽ dắt nhau ra vườn. Khu vườn trống trải không còn bóng dáng của mẹ. Những tán cây ủ rũ. Bốn anh em lần từng gốc cây thắt lên những vòng khăn tang trắng. Này là cây dừa... Này là cây sấu... Cây thị... Cây mít na... Cây này là anh cả. Cây này của chị hai, chị ba. Cây này của út... Thế còn cây nào của mẹ của cha? Chợt không gian vỡ òa tiếng cuốc. Tiếng “cuốc... cuốc...” khắc khoải vọng dồn. Một con, hai con... rồi nhiều con. Trời đêm như quánh lại, đặc lại, nồng ấm. Bốn anh em bất giác nắm tay nhau thật chặt...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vườn xưa (Phần cuối)<br><i>Truyện ngắn của Phạm Hương Giang</i>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO