Vườn xưa
Truyện ngắn của Mai Hương

20/05/2013 08:40

Mai là ngày giỗ của bác mẹ. Việc cơ quan ngập đầu nhưng Miên vẫn gác lại để lên Đê La Thành kịp thắp hương trước ngày giỗ. Cô có thói quen như vậy đã nhiều năm nay.

Miên rẽ vào chợ Hôm mua hoa quả, chọn những trái thật tươi, thật ngon. Xong, cô lại tất tả chạy xe lên cổng chùa Quán Sứ để mua hoa đĩa. Chẳng phải cô cầu kỳ, ngược xuôi để mua bằng được hoa đĩa mà cô luôn nhớ về bác bố, bác mẹ từ những điều nhỏ nhất…

Bác bố và bác mẹ không phải là bác ruột của cô, mà là bác của Thanh, bạn gái thân từ nhỏ. Là bác của bạn thân nhưng trong tâm tưởng của Miên, bác bố, bác mẹ là người ruột thịt.

Ngày trước, khi Miên và Thanh còn là hai đứa bé học cấp hai trường làng, bố mẹ hai đứa luôn nêu phần thưởng: hết năm học mà cả hai đứa đều được học sinh giỏi thì sẽ cho ra Hà Nội. Thế là cả hai đứa thi nhau học ngày học đêm, vì phần thưởng quá lớn. Phần thưởng đó làm biết bao nhiêu đứa bạn thèm thuồng, ghen tỵ.

Minh họa của Vũ Xuân Hoàn
Minh họa của Vũ Xuân Hoàn
Thời đó, Hà Nội là gì đó quá xa vời với những đứa trẻ quê mùa như tụi nó. Hà Nội lung linh ánh đèn, Hà Nội của những mùi vị đặc trưng như mùi hoa sữa, mùi rau quả chợ Bắc Qua, mùi bếp núc mỗi buổi chiều. Miên luôn nhớ cái mùi dầu hỏa quyện lẫn mùi xì dầu. Hà Nội còn có những thứ mà những nơi khác không có như tàu điện, xích lô, là gánh hàng hoa e ấp dưới gốc bàng, gốc sấu, ngã tư. Những gánh tào phớ rong ruổi phố phường giữa trưa hè khiến lũ trẻ con xôn xao, thức giấc. Hà Nội còn có những món ăn mà hai đứa rất thích. Nào là cháo quẩy, bánh sừng bò, bánh chín tầng mây, nào là các loại ô mai mơ, mận, sấu...

Còn nhớ, mỗi lần ra Hà Nội, tàu mới chỉ đến ga Giáp Bát mà trong người đã thấy nôn nao, đã thấy xốn xang khó tả. Ra cửa ga, hai đứa rẽ phải rồi đi dọc Khâm Thiên để về nhà bác bố, bác mẹ. Trời xâm xẩm tối, phố xá vừa mới lên đèn. Cuộc sống có một cái gì đó rất khác. Miên luôn ấn tượng với cái bắt đầu này. Những buổi chiều oi ả, ai đó vừa hắt nước ra hè cho đỡ nóng, mùi cơm nhà ai vừa nấu thơm thơm, bốc lên nghi ngút mùi ngòn ngọt của thịt kho dừa. Những đứa trẻ cả ngày bị nhốt trong nhà, được người lớn thả ra vỉa hè hóng mát, đứa mút kem, đứa ngậm ô mai, đứa chơi bóng bay. Tụi trẻ lớn hơn một chút thì thi thố đá cầu, chơi quay, nhảy dây... Dường như, tất cả mọi sự đều chờ đến lúc lên đèn. Có lẽ, cuộc sống vỉa hè đã ăn sâu vào nếp sinh hoạt của người Hà Nội từ những ngày ấy, những ngày thiếu nước, thiếu điện. Quạt là thứ xa xỉ. Nhà nào sang lắm thì có một, hai cái quạt tai voi nên tất cả đều đổ ra vỉa hè giờ ấy cũng là vì thế.

Đi hết phố Khâm Thiên, băng qua ngã tư, hai đứa sang Đê La Thành và rẽ vào cái ngõ nhỏ, sâu thăm thẳm. Nhà của bác bố, bác mẹ ở đó…

Ngôi nhà nhỏ nhưng sân vườn thì rộng lắm. Đất của các cụ ngày xưa để lại cho bác bố và cũng là nơi thờ cúng cho cả họ. Ngôi nhà được xây cách đây đã hơn trăm năm. Thời đó, không có xi măng nên phải dùng đến không biết bao nhiêu gánh mật để thay vữa. Mái nhà cong cong, thoai thoải, dọc hai bên bậc tam cấp là hai con rồng uốn lượn, theo hướng bay lên.

Ngày các cụ mất, bác bố vừa đi kháng chiến về. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, các cụ thân sinh cũng kịp chứng kiến bác bố yên bề gia thất. Bác mẹ, nhà dưới tận chợ Mơ. Ngày ấy, khoảng cách như vậy là xa lắm. Lễ cưới diễn ra vào một ngày đầu thu se lạnh. Người lớn vào ra niềm nở, vui tươi. Trẻ con xúng xính, rạo rực. Bác mẹ về làm dâu trong không khí ấm áp như vậy, đã hơn bốn mươi năm trôi qua…

*

Nhớ đêm đầu tiên ở Hà Nội, Miên và Thanh được bác bố, bác mẹ xếp cho nằm trên một chiếc tràng kỷ mát lạnh, hai chiếc gối trắng, tinh tươm, sạch sẽ. Miên nằm thao thức không ngủ. Lần đầu xa quê nên Miên thấy nhớ nhà, nhớ lũ trẻ con gầy gò bạn nó. Khác với quê Miên, trẻ con Hà Nội đứa nào cũng trắng trẻo, sáng sủa.

Thao thức mãi, cuối cùng Miên cũng chợp mắt lúc nào không hay, cho đến khi nghe thấy tiếng gà gáy yếu ớt. Mệt quá, Miên lại ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ chập chờn, nó nghe thấy tiếng bác mẹ dịu dàng nựng nịu:

- Dậy nào, dậy thôi các con. Mẹ đã quấy bột cho các con rồi. Dậy thôi, dậy nào các con, dậy mẹ “xi tè” rồi mẹ đút bột cho các con nhé. Các con hư lắm, đêm qua chơi khuya quá, nên bây giờ không dậy được mà.

Miên bắt đầu hơi tinh tỉnh, không biết bác mẹ gọi ai? Có phải bác mẹ gọi hai đứa nó không? Nhà này làm gì có trẻ con, ngoài hai đứa nó? Nhưng sao lại quấy bột? Tụi nó đâu phải trẻ sơ sinh mà quấy bột? Chắc nó ngủ mơ?

Nán lại trên giường, Miên xoay người gác chân lên người Thanh, ngủ tiếp. Một lúc sau, Miên nghe tiếng guốc lệt quệt của bác mẹ tiến về phía góc nhà. Bác mẹ lại gần cái chum, mở nắp phên ra. Vẫn bằng giọng trìu mến, bác mẹ gọi nho nhỏ:

- Nào các con, mẹ cho các con ra nhé, khổ thân các con ở trong này suốt đêm rồi.

Nghe bác mẹ dỗ dành thế, Miên tỉnh ngủ hẳn và càng ngạc nhiên hơn.

Bác mẹ loay hoay một lúc rồi gọi thất thanh:

 - Bác bố ơi, nhanh vào giúp bác mẹ một tay nào!

Bác bố đang lúi húi ngoài vườn, hốt hoảng chạy vào:

- Gì đấy bác mẹ? Có gì không ổn với hai đứa à?

- Chẳng hiểu sao, các con không đứng lên được, hay tụi nó ốm? Giọng bác mẹ thiểu não.

Miên lại càng thấy lạ hơn, chưa kịp hiểu gì về hai đứa trẻ trong buồng lúc nãy, giờ lại đến hai đứa nào trong cái chum to kia?

- Xem nào, xem nào…

Bác bố cúi đầu sâu vào cái chum và bế “hai đứa” ra . Hóa ra là hai con gà! Một con trống và một con mái. Chẳng hiểu sao chân chúng bị buộc giằng vào với nhau, cánh xoãi dài, mệt lử. Bác bố nhanh tay gỡ dây, giải thoát cho “hai đứa”. Chúng được tự do, chạy tung tăng ra vườn. Con trống sảng khoái, gáy thật to.

Buổi sáng đầu tiên ở Hà Nội, Miên tỉnh dậy trong ngôi nhà của bác bô, bác mẹ như vậy đó.

*

Bác bố, bác mẹ không có con, tất nhiên là không có cháu. Miên biết vậy nên rất tò mò. Cả ngày hôm đó, Miên sống trong nghi hoặc và tò mò. Có phải nó ngủ mơ về hai đứa trẻ sơ sinh trong buồng?

Sáng hôm sau, bác mẹ đi chợ từ rất sớm. Theo lời bác mẹ thì hôm nay bác sẽ đãi hai đứa chúng mày món vịt om sấu. Mùa hè, ăn món này vừa thanh vừa mát.
Bác mẹ đi rồi, hai đứa phân nhau công việc. Thanh quét sân, còn Miên lau nhà. Sàn nhà lát đá hoa từ thời Pháp. Những viên gạch nhỏ, trắng như ngọc, xếp xiên chéo, mát rượi dưới chân Miên. Nó đẩy giẻ, lau khắp một lượt phòng ngoài. Ngần ngại một lúc, Miên mạnh dạn đẩy giẻ vào buồng bác bố, bác mẹ. Nó sững lại, lặng nhìn hai “đứa trẻ” hư của bác mẹ …

Nằm ngay ngắn trên hai chiếc gối xinh là hai con búp bê bằng vải. Một búp bê trai và một búp bê gái.

Miên lặng lẽ ngắm nhìn “hai đứa” như thế không biết đã bao lâu. Thời gian như ngừng trôi, như ngừng quay.

Miên giấu đi sự xúc động đang dâng trào trong khóe mắt. Ngoài kia, tiếng guốc mộc của bác mẹ đã về…

Giờ thì nó hiểu vì sao hai người có cái tên thân thương ấy. Họ đã gọi nhau bằng bác bố, bác mẹ mấy chục năm qua. Hàng xóm, bạn bè, người thân đều gọi họ như vậy. Và cả nó nữa, nó cũng thầm gọi bác bố, bác mẹ.

*

Buổi sáng, bác bố thường trở về nhà vào lúc tám giờ. Tiếng chuông xe đạp của bác bố reo vang từ đầu ngõ. Thỉnh thoảng, cao hứng bác còn “đánh võng” mấy vòng trong sân rồi mới phanh kít. Xuống xe,  bác bố giơ tay chào bác mẹ theo kiểu nhà binh. Bác bố, đầu húi cua, mặc áo phông, quần soóc, đi giầy thể thao. Chẳng ai bảo bác bố đã chừng ấy tuổi.

Một bên xe đạp bác buộc cần câu, bên kia buộc giỏ cá như người đưa thư. Nghe tiếng chuông từ xa, bác mẹ đã chạy ra cổng đón chồng, đỡ giỏ cá xuống. Hôm thì bác xách về một giỏ đầy cá dầu nhỏ, tươi trong. Hôm thì bác xách về mấy con cá chép to, râu đỏ, mang đỏ, quẫy phần phật trong giỏ. Miên rất thích món cá dầu tẩm bột, chiên vàng giòn của bác mẹ. Thơm lừng, ngầy ngậy tan trong lưỡi.

Công việc đầu tiên của buổi sáng, bác bố đã hoàn thành. Sau khi ngồi nhâm nhi uống trà ngoài hiên, bác bố bắt đầu làm vườn. Vừa làm vườn vừa huýt sáo, đọc thơ hay hát một bài gì đó. Bác bố có vẻ thích bài “Suối mơ”. Hát “Suối mơ”, đàn “Suối mơ”, huýt sáo cũng “Suối mơ”! Có lẽ, một thời đi kháng chiến, bác bố ở rừng nhiều, nay về Hà Nội đã mấy chục năm nhưng vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ.

Mùa hè của Miên đầy ắp những kỷ niệm của bác bố về chiến khu xưa, về những ngày hòa bình lập lại, phố phường Hà Nội rạo rực cờ hoa, niềm vui òa trong sắc nắng.

*

Hai đứa lớn lên, tuổi thơ, tuổi cập kê và thời thiếu nữ gắn với làng quê nghèo khó và những kỷ niệm đẹp về Hà Nội. Thời sinh viên, bốn năm học Đại học Sư phạm, hai đứa ở ký túc xá nhưng cứ đến chiều thứ bẩy thì về với bác bố, bác mẹ, về bên ngôi nhà cổ giữa lòng Hà Nội.

Tốt nghiệp đại học, Thanh về quê làm cô giáo. Còn Miên, lấy chồng, ở lại Hà Nội công tác. Hai đứa vẫn thường xuyên liên lạc. Cứ đến hè, Thanh được nghỉ dạy, lại mang các con ra nhà bác bố, bác mẹ. Hai đứa không thể nào quên cái cảm giác xốn xang ngày nào khi tàu qua ga Giáp Bát, tiến về thành phố. Tàu chạy chầm chậm qua công viên Thống Nhất, rì rào cây xanh và gió thổi. Trầm ấm tiếng phát thanh viên thông báo tàu vào ga Hàng Cỏ.

*

Bác bố mất vào một ngày đông lạnh giá, sau nửa năm bạo bệnh giày vò. Đám ma bác bố, có rất nhiều bạn bè, chiến hữu, người thân, xóm giềng. Họ đến với bác như bổn phận của mình. Mặc dù biết bác bố khó lòng qua khỏi nhưng bác mẹ vẫn chết lặng, sững sờ. Bác mẹ khóc không thành tiếng, thỉnh thoảng lại thảng thốt nhìn trân trân ra ngõ.

Và kể từ hôm ấy… gốc bằng lăng trên đường Cổ Ngư thiếu chiếc xe đạp dựa vào. Hồ Tây vắng bóng chiếc cần câu. Ngõ nhỏ bặt đi những tiếng kính cong, kính cong vui nhộn.

Bác mẹ ngẩn ngơ ra vào trong ngôi nhà vắng.

Sáng sáng, bác mẹ pha trà, ngồi thẫn thờ ngoài hiên, chờ tiếng chuông xe đạp reo ngoài ngõ… “Hai đứa” trong chum, vẫn là hai đứa như ngày trước, hình như biết bác mẹ buồn, tiếng gáy cũng không còn lảnh lót, vang xa. Không có bàn tay chăm sóc của bác bố, khu vườn cũng ủ rũ, héo tàn, cỏ mọc um tùm. Có lần, Miên ghé qua thăm bác mẹ, vào nhà chẳng thấy bác mẹ đâu. Dưới bếp lạnh tanh. Trên bàn ăn, nguyên một bát cơm, gác đôi đũa và một bát cơm ăn dở, nguội lạnh, chỏng chơ vài con cá khô trong đĩa. Miên chạy ra sân, thấy bác mẹ tần ngần bên hồ nước. Sau khi bác bố mất, bác mẹ thuê thợ về, đào một cái hồ nhỏ ở góc vườn. Bác mẹ mang hết giỏ, cần câu ra để bên hồ, cả xe đạp, bộ cờ của bác bố nữa.

Miên ngậm ngùi, không dám gọi bác mẹ.

Cả khu vườn im ắng, đâu đây tiếng huýt sáo khe khẽ của bác bố.

*

 Chỉ hơn sáu tháng sau khi bác bố về với đất, bác mẹ bắt đầu đổ bệnh và đi theo. Bác mẹ mất, ngôi nhà càng trống trải hơn. Chẳng còn tiếng guốc mộc chậm chạp, lẻ loi. Chẳng còn tiếng gà gáy sớm trưa xao xác. Hồ nước nhỏ rêu phong, lạnh lẽo giữa vườn cây hoang vắng.

Giữ chìa khóa ngôi nhà là người cháu ruột của bác bố, một sư ông ở ngôi chùa ngoại ô và Miên. Mọi người trong gia đình Thanh đều có nhã ý muốn Miên giữ chìa khóa. Miên coi đó là một đặc ân và bổn phận của mình nên bận đến mấy, cô cũng cố gắng một tháng ghé qua nhà một lần, để dọn dẹp nhà cửa, thắp hương cho hai bác.

*

Miên rẽ xuống dốc vào ngõ, cái ngõ nhỏ nao nao kỷ niệm mùa hè thuở nào. Thời gian như ngược quay trở lại. Miên là con bé nhà quê, gầy nhăng nhẳng, mắt đen to, mũi hếch, xuống chuyến tàu cuối ngày, rộn ràng bước chân qua phố Khâm Thiên để về sống cả mùa hè trong ngôi nhà đó …

Nắng nhẹ bên thềm, gió hiu hiu như ngày nào bác bố ngồi sửa cần câu, huýt sáo… Vườn xưa, trưa nắng lá đung đưa. Khế nhiều nhưng chẳng có tay người hái, quả vàng rụng rơi đầy gốc. Gốc trầu cay, ngày nào bác mẹ còn nâng niu từng chiếc lá… Bác mẹ dặn hai đứa chúng mày không được hái trầu ban đêm, làm đau gốc, đau thân.

Miên đứng ngẩn ngơ… Bác mẹ ơi, con thèm được thấy bác mẹ với tay hái khế ngoài vườn. Quả chín bác để dành cho hai đứa chúng con, quả xanh bác nấu canh chua cá. Thèm được thấy bác trẩy sấu trong vườn làm ô mai cho hai đứa. Thèm thấy bàn tay nắn nót, hanh hao mỗi khi bác hái trầu…

Cửa khép hờ, Miên đẩy cửa bước vào, trên bàn thờ khói hương thoang thoảng. Sư ông đang lặng lẽ tụng kinh, thầm thì khấn vái, đôi mắt ướt nhòe… Miên đứng sau anh, xin phép được gọi như vậy, vì Miên không thể nào gọi khác. Anh cũng gần gũi với Miên như bác bố, bác mẹ. Bác bố chở hai đứa đi ăn kem Bờ Hồ, ăn bánh tôm hồ Tây. Còn anh chở hai đứa ra bãi sông Hồng, chơi mỗi buổi chiều. Anh Quang dựng xe, ngồi trên triền đê, chờ hai đứa hái hoa, bắt bướm, thả diều. Tối đến, hai đứa thay nhau, thậm thụt làm bồ câu đưa thư cho anh và cô bạn gái.

Thời gian anh đi bộ đội là tình yêu đẹp của hai người. Tình yêu đó kéo dài được hơn hai năm. Anh xuất ngũ, về làm công tác Đoàn ở phường. Anh là người hoạt bát, sôi nổi nên chẳng mấy chốc đã thu hút được đám trẻ con trong các khu phố, kể cả những đứa ngổ ngáo nhất. Mùa hè năm đó, anh tổ chức cho các em thiếu niên đi dã ngoại ở Ba Vì. Bọn trẻ háo hức, thích điên lên. Có đứa, cả đêm không ngủ chỉ chờ đến sáng để ra phường tập trung, đi cho kịp giờ. Nhưng cũng chính mùa hè đó, mùa hè với chuyến đi định mệnh đã rẽ ngoặt một kiếp người. Một đứa trẻ trượt chân, trôi theo dòng suối, anh Quang của hai đứa đã xuống tóc, lên chùa.

Cây đàn ghi ta mà thỉnh thoảng những đêm sáng trăng, buồn buồn bác bố lấy xuống, chơi vài đoạn u sầu là của anh Quang để lại.

Thấm thoát đã hơn hai mươi năm trôi qua, nay anh đã ngoài bốn mươi. Thỉnh thoảng, anh về thắp hương cho hai bác và các cụ. Gặp Miên, anh có phần lảng tránh, cách biệt.

Miên đứng chờ anh ở ngoài sân. Cô muốn để anh một mình với hương khói, để anh thầm thì với tổ tiên, hai bác, để anh được sống những phút giây kỷ niệm một thời.

Miên ra vườn dọn cỏ, tưới cây. Mặt hồ nước im lìm, phủ đầy hoa khế. Với tay hái hoa hoàng lan, Miên đặt lên đĩa. Chút nữa, Miên sẽ dâng lên bàn thờ, như ngày xưa bác mẹ vẫn làm. Trong vườn có rất nhiều loại hoa nhưng bác mẹ bao giờ cũng chỉ hái hoa hoàng lan dâng lên bàn thờ mỗi sáng. Giống như nhiều người Hà Nội ngày ấy, bác mẹ không thích dâng hoa cắm trong lọ, bác chỉ dâng hoa đĩa. Hoa đĩa gần gũi và linh thiêng hơn.

Giờ đây, cả Hà Nội chắc chỉ còn cổng chùa Quán Sứ và phố Hàng Khoai còn bán hoa đĩa. Đã qua rồi cái ngày xưa ấy, sao Miên vẫn muốn níu kéo một chút gì, tưởng chừng như rất nhỏ.

Miên ngồi bên thềm nắng, thoảng một nỗi buồn se lạnh. Mới ngày nào, Miên còn là cô bé xâu kim, nhặt rau, quét nhà giúp bác mẹ mà giờ đây đã quá nửa đời người.

*

Dâng một nén hương cho người đàn bà trẻ thơ bác mẹ, Miên thầm nghĩ đến câu nói: “Bé gái mà không có búp bê thì như người đàn bà không có con”(*). Bao nhiêu năm rồi, mà giờ đây Miên vẫn luôn tự hỏi: đâu là bản năng khao khát của con người? Đâu là điều bình dị ở chốn nhân gian?

Bác mẹ giờ nơi đâu trong cõi xa xăm, cùng “hai đứa” và bác bố? Thời gian phủ lớp bụi mờ…

Vườn xưa vẫn đầy hoa nắng.

____________________________
 
(*) Rút từ Những người khốn khổ của Victor Hugo.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vườn xưa<BR><I>Truyện ngắn của Mai Hương</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO