Vững niềm tin hướng về ngày hội non sông

- Thứ Bảy, 22/05/2021, 06:48 - Chia sẻ
Ngày mai, 23.5, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, ngày hội của toàn dân ta sẽ được tổ chức. Dù vậy, vẫn có những thế lực thù địch ra sức chống phá, nhất là trên không gian mạng. Phân tích các luận điệu lôi kéo, chống phá này, Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội - Thường trực Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Tạ Thị Yên mong muốn và tin tưởng rằng, người dân và cử tri sẽ tỉnh táo trước những lời lẽ kích động, xuyên tạc, giữ vững niềm tin và phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm để bầu chọn được những người đại diện tiêu biểu tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Thống nhất ở lợi ích quốc gia, dân tộc

- Càng gần đến ngày bầu cử 23.5, các thế lực thù địch, cơ hội càng gia tăng hoạt động xuyên tạc, chống phá. Qua theo dõi, tổng hợp của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia, bà đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là dịp để Nhân dân ta thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội và HĐND các cấp; góp phần củng cố, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tuy nhiên, đây cũng là dịp các thế lực thù địch, cơ hội, lợi dụng dân chủ, tự do dùng các thủ đoạn tinh vi để xuyên tạc, lôi kéo, ra sức chống phá cuộc bầu cử trên nhiều phương diện, đặc biệt là trên không gian mạng.

Với sự phát triển của các phương tiện truyền tin hiện nay, các thế lực chống phá đã chuyển qua nhiều kênh phổ biến thông tin quan trọng là mạng xã hội, báo đài, YouTube… nhằm phát tán tài liệu, đoạn video, bài viết, phóng sự kêu gọi “tẩy chay bầu cử”, kêu gọi nhân quyền, dân chủ, cắt ghép, xuyên tạc các vụ việc Nhân dân khiếu kiện, tập trung đông người. Những luận điệu này tuy không mới nhưng cũng không ít người bị dính bẫy, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các hoạt động do các thế lực, tổ chức phi pháp tổ chức nhằm chống phá chính quyền, chống phá cuộc bầu cử.

- Bà có thể phân tích để giúp người dân nhận diện rõ hơn các luận điệu xuyên tạc, chống phá này?

- Một trong những luận điệu phổ biến mà các thế lực chống phá hay xoáy vào là vấn đề tự ứng cử. Nhiều quan điểm xuyên tạc, thiếu tính thực tế cho rằng tự ứng cử chỉ dành cho người ngoài Đảng. Điều này hoàn toàn không chính xác. Tại Hướng dẫn số 36/HD-BTCTW về nhân sự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND của Ban Tổ chức Trung ương đã quy định rõ việc đảng viên tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Có thể thấy, phạm vi, đối tượng người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là hết sức mở rộng, thể hiện dân chủ rộng rãi trong Đảng, trong Nhân dân.

Các văn bản chỉ đạo bầu cử luôn đề ra chỉ tiêu phấn đấu đối với người tự ứng cử nhằm phát huy tối đa dân chủ, không bỏ sót bất cứ đối tượng nào. Người nào có đủ điều kiện, tiêu chuẩn, nộp hồ sơ đúng thời hạn theo quy định của luật thì đều có quyền ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Người được tổ chức, cơ quan giới thiệu hay tự ứng cử đều phải trải qua các vòng hiệp thương và lấy ý kiến cử tri nơi cư trú và nơi công tác. Theo Khoản 1 Điều 26 và Khoản 1 Điều 28 Nghị quyết liên tịch số 09/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại Hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Như vậy, việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri là khâu rất quan trọng để sàng lọc ra các đại biểu đủ tiêu chuẩn, những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Thực tế, sau Hiệp thương lần 3 có 9 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, 18 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện có 29 người, cấp xã có 213 người. Trong số này, bao gồm cả những người là đảng viên và không phải là đảng viên.

Phát huy cao nhất trách nhiệm công dân

	Tranh cổ động của tác giả Lưu Ngọc Phan, Hà Nội
Tranh cổ động của tác giả Lưu Ngọc Phan, Hà Nội

- Một số luận điệu khác cũng khá phổ biến như nhằm vào vấn đề nhân quyền, quyền phụ nữ, người dân tộc thiểu số, tôn giáo…?  

- Những luận điệu này không chỉ xuất hiện trong cuộc bầu cử lần này mà còn xuất hiện ở nhiều dịp, nhiều sự kiện lớn khác của đất nước ta. Với mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số đối tượng bất hảo ở các vùng biên giới, các lực lượng phản động câu kết, tài trợ để các đối tượng này lôi kéo, xúi giục đồng bào các dân tộc thiểu số chống lại các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thực tế cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm chăm lo, phát triển toàn diện, xây dựng chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia. Đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, số lượng ứng cử viên là người dân tộc thiểu số có 185/866 ứng cử viên chính thức, chiếm tỷ lệ 21,36%. Đối với người ứng cử đại biểu HĐND các cấp ở một số địa phương, thì tỷ lệ ứng cử viên là người dân tộc thiểu số còn cao hơn.

Một số phần tử cũng lợi dụng vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng, thời cơ bầu cử để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại một số địa phương. Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, các tôn giáo chung sống hòa bình, ổn định và đoàn kết, Nhà nước tạo mọi điều kiện để các tôn giáo hoạt động theo đúng pháp luật và bình đẳng trước pháp luật. Lịch sử Quốc hội Việt Nam đã ghi nhận nhiều đại biểu là người theo tôn giáo đã đóng góp rất tích cực vào hoạt động của Quốc hội, đem tài lực, trí lực đóng góp vào sự phát triển, phồn vinh của đất nước, được cử tri và Nhân dân đánh giá cao. Cuộc bầu cử lần này, trong danh sách công bố chính thức 866 người ứng cử đại biểu Quốc hội, có 22 người ứng cử thuộc các tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Bà La Môn, Bà Ni. Như vậy, bằng việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp không chỉ đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của ngành, lĩnh vực, mà còn phát huy, trí tuệ, sức lực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung, là nhân tố quan trọng trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Ngày mai, 23.5, cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu để bầu chọn những người đại diện cho mình tại Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Bà có điều gì muốn gửi gắm tới cử tri và người dân?  

- Tôi mong muốn và tin tưởng rằng, người dân và cử tri sẽ luôn giữ vững niềm tin, tiếp nhận thông tin qua các kênh chính thống và thận trọng, cảnh giác, tỉnh táo trước những luận điệu lôi kéo, kích động, xuyên tạc, chống phá của các tổ chức, cá nhân thù địch, cơ hội. Với sự chuẩn bị chu đáo, dân chủ, đúng pháp luật về mọi mặt của các tổ chức bầu cử cả nước trong suốt thời gian qua, tôi hy vọng, ngày 23.5, cử tri cả nước sẽ phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của công dân tham gia bầu cử trong không khí phấn khởi, vui tươi của cả nước và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở các điểm bỏ phiếu, đóng góp vào thành công và thắng lợi của cuộc bầu cử.

- Xin cảm ơn bà!

Quỳnh Chi thực hiện