Háo hức mong đến ngày khai giảng
Em Vàng A Páo (dân tộc Mông) sống tại bản Ngà Chồ, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đang dọn dẹp nhà cửa và sắp xếp những quyển vở cũ của năm học trước cất đi để chuẩn bị cho năm học mới sắp bắt đầu. Páo là học sinh của trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Tổng. Nhà của Páo cách điểm trường chính 16km nên từ năm mầm non đến năm lớp 3 em học tại điểm trường bản Ngà Chồ. Từ năm lớp 3, em được về điểm trường chính theo học và được ở nội trú tại đó. “Được về điểm trường chính ở nội trú em rất thích. Nhà nội trú ngay trong khuôn viên trường nên không phải đi lại vất vả. Ngày 3 bữa, chúng em được các thầy cô nấu cơm ăn rất ngon, đầy đủ dinh dưỡng. Trong phòng có nhiều bạn cùng lớp nên ngoài giờ lên lớp các bạn cùng nhau nhắc nhở và giúp đỡ nhau học bài. Cuối tuần, bố mẹ lại lên đón về nhà. Em rất háo hức mong đến ngày khai giảng năm học mới”, Páo phấn khởi kể.
Trong khi Páo đang chuẩn bị khăn gói để về trường đón khai giảng năm học mới thì những ngày này, thầy cô giáo đang tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng để trang hoàng lại trường lớp chuẩn bị lễ khai giảng. Còn các bạn ở gần trường cũng đang tất bật luyện tập các tiết mục văn nghệ để biểu diễn trong dịp khai giảng. Học sinh Và Pà Sài cũng là người dân tộc Mông, năm nay Sài sẽ lên lớp 6. Sài cho biết, suốt 5 năm học qua em luôn là học sinh xuất sắc. Năm nay lên lớp 6, Sài tiếp tục được cô giáo lựa chọn vào đội văn nghệ của trường. “Chúng em đang tập múa bài Em yêu trường em và bài Em là mầm non của Đảng để biểu diễn trong lễ khai giảng. Đội văn nghệ đã tập 2 tuần nay và tất cả các thành viên đã thuộc các động tác. Chúng em rất háo hức đến ngày khai giảng để biểu diễn”, Sài khoe. Còn em Và Thị Pà năm nay lên lớp 4, lần đầu tiên Pà được tham gia đội văn nghệ của trường nên em rất háo hức và chăm chỉ luyện tập để được biểu diễn trên sân khấu nhà trường…
Tà Tổng là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường Tè. Địa bàn rộng, địa hình bị chia cắt bởi khe suối, đồi núi, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, thiên tai mưa lũ thường xuyên xảy ra. Xã có địa bàn rất rộng, có điểm cách trung tâm xã lên đến 40km đường rừng nên việc đi lại rất khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh được đến trường, ngoài điểm trường chính đóng tại trung tâm xã được xây dựng khang trang thì có 4 điểm trường ở các bản. Các điểm trường có 3 lớp: lớp dành cho học sinh mầm non, lớp 1 và lớp 2. Khi các con lên lớp 3 sẽ về điểm trường chính học và được ở nội trú. Các con được ở nội trú miễn phí, hàng ngày, các con được các cô nấu cơm ăn đầy đủ 3 bữa từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. “Chúng tôi chuẩn bị để các con có buổi lễ khai giảng ấm áp và hào hứng nhất”, thầy Lương Văn Thiết cho hay.
Thầy, trò khắc phục khó khăn
Do điều kiện địa lý rộng lớn, giao thông cách trở nên để đảm bảo 100% học sinh đến trương đúng dịp năm học mới, ngay từ đầu tháng 8, trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Tổng đã lên xây dựng kế hoạch vận động học sinh đến trường gửi UBND xã, các ngành các cấp và gửi về các trưởng bản để phối hợp. Các thầy cô giáo cũng được chia thành các tổ nhóm đến các bản tuyên truyền, vận động phụ huynh cho trẻ đến trường đầy đủ. Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Tà Tổng có cả cấp I và cấp II. Khó khăn nhất hiện nay của trường là thiếu giáo viên tiếng anh ở bậc tiểu học. Bởi theo quy định, từ lớp 3 tiếng anh là môn học bắt buộc của học sinh. Để khắc phục khó khăn này, nhà trường cho các con học qua kết nối trực tuyến qua truyền hình.
Ngay sau khi kết thúc năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đoàn Kết, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đã huy động học sinh, phụ huynh và cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia tu sửa cơ sở vật chất, tôn tạo cảnh quan. Đồng thời phối hợp với phụ huynh triển khai việc chuẩn bị sách giáo khoa, giấy vở viết… cho học sinh. Trong năm học mới 2022 - 2023, toàn ngành giáo dục sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó môn Tin học sẽ là môn bắt buộc với học sinh lớp 3. Ngoài ra, các hoạt động dạy học chủ yếu là sử dụng công nghệ thông tin thiết bị cần thiết là máy chiếu, ti vi… , tuy nhiên hiện nhà trường chưa có giáo viên dạy Tin học và chưa đủ các thiết bị cần thiết. Đại diện trường cho hay, đã khắc phục bằng cách cử giáo viên Văn hoá có kĩ năng sử dụng công nghệ thông tin tham gia bồi dưỡng để có chứng chỉ về dạy Tin học cho HS lớp 3 tại trường. Cùng với đó, huy động các nguồn lực, xã hội hoá để mua sắm thiết bị cần thiết (máy chiếu, máy tính, ti vi) để đảm bảo cơ sở vật chất đủ để phục vụ dạy học theo yêu cầu đề ra.
Để chuẩn bị cho năm học mới, xã Sùng Phài, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã huy động tối đa lực lượng tham gia công tác tiêm vaccine; đẩy mạnh tuyên truyền đến tận thôn, bản và các bậc phụ huynh để vận động phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi đủ điều kiện đi tiêm vaccine phòng Covid -19. Anh Chèo Nải Heng, xã Sùng Phài cho biết: "Con trai tôi năm nay 6 tuổi, cháu đã tiêm mũi 1 vào tháng 5. Hôm nay, tôi cho con đi tiêm mũi 2 theo đúng lịch hẹn của y tế”
Y sĩ Đào Thị Thu Hà, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Sùng Phài thông tin, Trạm Y tế đã chủ động tuyên truyền tới người dân để tổng hợp danh sách đối tượng đủ điều kiện đăng ký vaccine; kiện toàn các tổ, đội tiêm vaccine phòng Covid -19. Đặc biệt, các cấp, các ngành tích cực vận đồng người dân cho trẻ trong độ tuổi đi tiêm phòng vaccine trước khi các con vào năm học mới để bảo vệ an toàn cho các con.