Vun đắp ý chí tự cường của cộng đồng doanh nghiệp
Theo đại diện doanh nghiệp, Nghị quyết 43/2022/QH15 không chỉ giúp họ vượt bão Covid-19 và tác động trực tiếp tới đà phục hồi của nền kinh tế mà còn củng cố niềm tin, vun đắp ý chí tự cường của cộng đồng doanh nghiệp.
TS. TÔ HOÀI NAM, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME): Tác động gián tiếp của Nghị quyết 43 rất lớn

Sau gần 2 năm vật lộn với dịch bệnh Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp rất khó khăn, cần được Nhà nước hỗ trợ để giúp họ vượt qua, trụ vững. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (sau đây gọi là Nghị quyết 43) ra đời đã thực sự trở thành công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Trong nhóm các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43, nhóm chính sách về miễn, giảm thuế, phí; giãn, hoãn thời hạn trả nợ, cơ cấu nợ đem lại hiệu quả rõ rệt. Đây là chính sách rất cần thiết, kịp thời, công phu, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng. Đặc biệt, việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT), dù nghe có vẻ không lớn song thực tế lại rất có ý nghĩa khi giảm trực tiếp chi phí cho doanh nghiệp cũng như người dân. Cần lưu ý rằng, 98% doanh nghiệp ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, vừa là người bán hàng song cũng là người mua hàng!
Đối với chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, gốc rễ là giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động. Đối với doanh nghiệp càng có nhiều lao động, tác động của chính sách này càng lớn. Song, kể cả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ cũng thấy rõ được tác động của chính sách này.
Trong tổng số 98% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, gần 70% có quy mô siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này không chỉ tạo việc làm, lưu thông hàng hóa mà còn là công cụ thoát nghèo. Sau gần 2 năm đình trệ, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại dịch vụ (không phải thiết yếu) không có nguồn thu. Đối với họ, số tiền hỗ trợ chỉ vài chục triệu đồng cũng vô cùng đáng giá!
Tôi cho rằng, tác động gián tiếp của Nghị quyết 43 sâu xa hơn và quan trọng hơn cả là doanh nghiệp cảm nhận được Nhà nước đang bên cạnh họ. Người làm kinh doanh rất cần đặc điểm này. Có thể trong điều kiện bình thường họ không chú ý lắm nhưng trong lúc khó khăn điều này đặc biệt ý nghĩa. Khi doanh nghiệp cảm nhận Nhà nước luôn bên cạnh họ, kề vai sát cánh với họ sẽ tác động vào ý chí, vào niềm tin kinh doanh của họ, từ đó họ có động lực để vượt qua khó khăn, hun đúc ý chí tự cường. Rõ ràng, ý nghĩa về mặt chính trị của Nghị quyết này rất lớn!
Thực tế, Nghị quyết 43 đã được tích cực triển khai song vẫn còn một số chính sách hỗ trợ chưa như kỳ vọng, như gói hỗ trợ lãi suất 2%. Tôi cho rằng, các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 43 vẫn cần tiếp tục thực hiện. Có điều, cần điều chỉnh phần tổ chức thực hiện để linh hoạt hơn trong thực thi. Quốc hội cần thảo luận để làm rõ cơ chế đó!
Ông ĐOÀN THẾ XUYÊN, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Xuyên, Quảng Ninh: Mong được tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ

Là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, trực tiếp chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng tôi gần như bó cứng hoạt động trong năm 2021. Khoảng 300 phương tiện ngừng hoạt động để phòng chống dịch đồng nghĩa không có doanh thu, trong khi vẫn phải duy trì bộ máy, chi phí bảo dưỡng, sữa chữa. Chưa kể, tiền gốc và lãi ngân hàng mỗi tháng phải trả lên tới hàng tỷ đồng. Doanh nghiệp như người bệnh bị rút ống thở, sống trong cảnh thoi thóp.
Rất may, trong bối cảnh đó, công ty được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ kéo dài hết hết tháng 6.2022. Nhờ đó, chúng tôi đã giảm bớt áp lực tài chính rất nhiều, thu xếp được nguồn lực để tái hoạt động khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát. Nếu không được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, chúng tôi khó trụ lại đến giờ này.
Có thể thấy, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là theo Nghị quyết 43 là rất phù hợp, kịp thời với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy vậy, hiện chính sách cơ cấu thời hạn trả nợ đã kết thúc, trong khi doanh nghiệp mới chỉ khôi phục khoảng 60% hoạt động so với trước dịch, khó khăn vẫn rất lớn. Trong khi đó, khoản gốc và lãi trong gần 2 năm được cơ cấu nợ bị cộng dồn, buộc doanh nghiệp phải trả từ tháng 7.2022, đang bóp nghẹt doanh nghiệp. Gói hỗ trợ lãi suất 2% với các điều kiện ngặt nghèo, chẳng khác nào doanh nghiệp leo cột mỡ. Khó khăn vẫn chồng chất khó khăn.
Chúng tôi mong muốn, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét để cho phép kéo dài thời hạn cơ cấu nợ cho doanh nghiệp vận tải thêm 2 năm nữa; đồng thời có giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Nếu không, nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ phá sản. Nỗ lực trụ lại sau 2 năm Covid-19 vì thế cũng sẽ đổ bể!
Ông ĐÀO DUY LẸ, Tổng Giám đốc Công ty CP May Tam Quang, Bình Định: Trụ vững nhờ được vay vốn trả lương cho lao động

Với hơn 1.000 lao động, để có thể trụ lại sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, sản xuất bị đình trệ, dòng tiền khó khăn là bài toán cực khó của chúng tôi. Tuy vậy, chúng tôi đã may mắn vượt qua.
Nói may mắn bởi lẽ, cùng với sự quyết tâm của Ban lãnh đạo, sự đồng lòng, chia sẻ của cán bộ, công nhân viên toàn công ty, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi đã được vay 8,5 tỷ đồng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hoài Nhơn để duy trì lương cho hơn 1.000 lao động. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động dù không lớn vì số lao động thuê trọ rất ít song cũng đỡ cho doanh nghiệp được phần nào, giúp người lao động yên tâm làm việc.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ người lao động, mà sâu xa là hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động theo tinh thần Nghị quyết 43 là rất kịp thời, đúng và trúng. Nhờ đó, doanh nghiệp đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, khi hoạt động trở lại vào cuối năm ngoái chúng tôi đã bắt nhịp được ngay, không bị rơi vào tình trạng thiếu lao động như với nhiều doanh nghiệp khác, giảm thiểu tối đa thiệt hại về kinh tế. Giữ được chân lao động, bảo đảm đơn hàng theo kế hoạch, chúng tôi đã nhanh chóng thanh toán được khoản vay 8,5 tỷ đồng trước thời hạn 15 ngày.
Hiện, các doanh nghiệp trong ngành may mặc đứng trước nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí tăng cao. Tới đây, chúng tôi mong muốn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gói hỗ trợ lãi suất 2% cần đẩy mạnh hơn; Quốc hội xem xét để giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.