Thế giới đón năm mới 2022

​​​​​​​Vui vẻ một cách an toàn

- Thứ Hai, 03/01/2022, 06:42 - Chia sẻ
​​​​​​​Bước sang năm Covid-19 thứ ba, với sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, thế giới tiếp tục đón năm mới với những biện pháp phòng ngừa cẩn trọng dù tỷ lệ tiêm vaccine ở nhiều nơi đã tăng lên. Ngay trước thềm chuyển giao sang năm mới 2022, người dân toàn cầu hy vọng sẽ có nhiều tín hiệu lạc quan để kết thúc đại dịch, nhanh chóng trả lại không khí lễ hội vui vẻ, náo nhiệt với pháo hoa, người với người tay bắt mặt mừng…

Mỹ: Lễ hội ở Quảng trường Thời đại cho người tiêm vaccine

Nhằm thể hiện sức sống tràn đầy của New York, giới chức thành phố cho phép tổ chức lễ đón Giao thừa chào Năm mới với quy mô hoành tráng tại Quảng trường Thời đại, quận Manhattan như các năm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, trước đó Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã thông báo chỉ những người đã được tiêm phòng đầy đủ mới được tham dự. Để sự kiện diễn ra an toàn, người tham dự phải xuất trình bằng chứng đã tiêm phòng và giấy tờ tùy thân hợp lệ. Đối với những người không thể có mặt trực tiếp ở Manhattan để ăn mừng thời khắc năm mới đến, họ cũng không phải buồn phiền vì lễ hội đêm giao thừa cũng sẽ được phát sóng trên truyền hình và trên internet, bao gồm cả “trải nghiệm đa phương tiện ảo”.

Brazil: Bắn pháo hoa hạn chế

Chính quyền thành phố Rio de Janeiro của Brazil, một trong những điểm du lịch nổi tiếng thế giới, hôm 9.12 quyết định tổ chức bắn pháo hoa chào năm mới tại 10 bãi biển lớn nhất của thành phố này vào đêm cuối cùng của năm 2021. Việc tổ chức bắn pháo hoa giúp giảm thiểu số lượng người quy tụ về một địa điểm như trước đây. Cùng với đó, các chương trình hòa nhạc không được tổ chức và chỉ có các cột đèn đếm ngược được đặt tại nhiều bãi biển khác nhau. Sự kiện này thay thế lễ hội truyền thống Reveillon bị hủy bỏ do lo ngại về sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid-19 sau khi những ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được phát hiện.

Theo Thị trưởng Eduardo Paes, chương trình bắn pháo hoa chỉ diễn trong 16 phút và người dân không nhất thiết phải tụ tập tại các tụ điểm vui chơi giải trí để có thể chiêm ngưỡng màn bắn pháo hoa này.

Brazil là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19 với 22,2 triệu người nhiễm bệnh kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện hồi đầu năm 2020, trong đó có hơn 616.000 ca tử vong.

Pháp: Siết chặt các quy định đón năm mới

Thủ đô Paris năm nay đã phải hủy chương trình bắn pháo hoa và các lễ hội trên đại lộ Champs Elysees vốn được lên kế hoạch tổ chức vào đêm Giao thừa đón năm mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron. Trước đó, hôm 17.12, Thủ tướng Jean Castex khuyến cáo người dân, kể cả những người đã tiêm vaccine, tự xét nghiệm Covid-19 trước khi tham gia các bữa tiệc cuối năm. Ông Castex nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi tất cả mọi người, dù đã tiêm phòng hay chưa, nên đi xét nghiệm trước khi gặp gỡ trong những ngày nghỉ lễ. Đó có thể là xét nghiệm PCR, xét nghiệm kháng nguyên, hoặc là tự xét nghiệm đơn giản. Liên quan đến các bữa tiệc công cộng lớn và các sự kiện bên ngoài, đặc biệt là đêm đón năm mới, chính quyền sẽ cấm tụ tập tự do, uống rượu ở nơi công cộng và chúng tôi sẽ kêu gọi các thành phố cấm việc tổ chức các cuộc tụ tập công cộng lớn, chẳng hạn như bắn pháo hoa hay hòa nhạc".

Ngoài ra, để tăng sức ép buộc người dân phải đi tiêm chủng, từ đầu năm 2022, Pháp sẽ áp dụng thẻ vaccine mới, trong đó yêu cầu người dân phải xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi vào nhà hàng và lên các phương tiện giao thông công cộng đường dài. Hiện nay, Pháp chỉ yêu cầu chứng nhận xét nghiệm âm tính khi đến các địa điểm công cộng trong không gian kín.

Không chỉ riêng Pháp mà nhiều quốc gia châu Âu khác cũng phải nhanh chóng thắt chặt các biện pháp hạn chế để giảm áp lực cho hệ thống y tế. Nhiều sự kiện mừng năm mới bị cắt giảm hoặc thậm chí bị hủy hoàn toàn. Chẳng hạn, Chính phủ Anh, quốc gia đi đầu trong việc tái mở cửa ở châu Âu, cũng phải tái áp đặt một số biện pháp hạn chế vì Omicron. Thủ tướng Boris Johnson từng phải lên truyền hình kêu gọi người dân đi tiêm liều vaccine tăng cường trước khi đón năm mới bởi “hai liều vaccine không đủ để bảo vệ chúng ta” sau khi nước này nâng cảnh báo về đại dịch.

Australia không phong tỏa dịp đón mừng năm mới

Mặc dù, số ca Covid-19 mới phát hiện tại Australia gia tăng nhanh chóng sau khi nước này nới lỏng nhiều biện pháp kiểm dịch. Nhưng người dân xứ sở chuột túi không phải đón năm mới trong cảnh bị phong tỏa trên diện rộng. Bởi chính quyền cho rằng, Australia sẵn sàng đối mặt với đại dịch, cân bằng giữa bảo vệ mạng sống, sinh kế của người dân và khi tỷ lệ tiêm chủng cao, thay vì tập trung vào số ca bệnh mới thì cần theo dõi số lượng người nhập viện và người bệnh nặng vì Covid-19.

Theo Thủ tướng Scott Morrison, mặc dù “số ca bệnh mới phát hiện hàng ngày vẫn rất quan trọng song không còn được coi là tiêu chí để quyết định chính sách. Thay vào đó cần phải để ý đến số người bị bệnh nặng phải điều trị tích cực hoặc phải nhập viện. Đây là những yếu tố tạo nên sức ép cho hệ thống y tế và bệnh viện của chúng ta”.

Tính đến ngày 17.12, 93,7% người dân từ 16 tuổi trở lên tại Australia đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và hơn 1,1 triệu người đã được tiêm hơn 2 mũi vaccine.

Malaysia: Cấm các sự kiện mừng năm mới 

Năm nay, các sự kiện công cộng đón năm 2022 không được tổ chức ở Malaysia bởi từ hôm 16.12, nước này đã công bố các biện pháp hạn chế phòng dịch mới, bao gồm cấm tụ tập đông người và yêu cầu tiêm mũi tăng cường cho các nhóm nguy cơ cao. Đối với những bữa tiệc cá nhân mừng năm mới quy mô nhỏ, người tham dự sẽ phải tự xét nghiệm Covid-19.

Sau khi ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, Malaysia đã tạm thời cấm du khách nước ngoài từ 8 quốc gia ở miền Nam châu Phi nhập cảnh và chỉ định một số quốc gia khác “có nguy cơ cao”. Tất cả người đến từ các quốc gia này phải trải qua cách ly bắt buộc và được gắn thiết bị theo dõi kỹ thuật số, bất kể tình trạng tiêm chủng.

Cũng giống như Malaysia, tất cả các hoạt động tập trung đông người chào đón dịp lễ cuối năm ở Indonesia như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… đều bị cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới. Được biết, trong dịp năm mới, tất cả các tỉnh thành trên khắp nước này đều thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3. Cảnh sát quốc gia giám sát thực thi PPKM tại các địa phương có đông người dân trở về quê nghỉ lễ, đồng thời triển khai lực lượng trực chốt tại các tuyến đường cao tốc, bến cảng và sân bay nhằm giám sát hoạt động đi lại của người dân…

Singapore: Bắn pháo hoa nhiều điểm để hạn chế tụ tập

Năm nay không có pháo hoa trong lễ kỷ niệm đếm ngược đêm giao thừa ở vịnh Marina - biểu tượng cho sự phát triển thần tốc của đảo quốc sư tử Singapore. Thay vào đó, pháo hoa sẽ được bắn tại nhiều điểm trung tâm trên khắp cả nước nhằm tránh tình trạng tụ tập đông người. Đây không phải là lần đầu tiên lễ kỷ niệm đếm ngược đêm giao thừa của vịnh Marina không có pháo hoa. Năm ngoái, pháo hoa cũng bị loại khỏi sự kiện do đại dịch.

Thay vì bắn pháo hoa, hai màn trình diễn ánh sáng mang tên Shine a LightShare the Moment được thực hiện ở vịnh Marina trong năm nay. Ngoài ra, chương trình ca nhạc đêm giao thừa Let’s Celebrate 2022 với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ tên tuổi do Mediacorp tổ chức đem lại không khí tưng bừng, hoành tráng mừng năm mới bởi nó kết hợp được các cảnh bắn pháo hoa ở nhiều nơi trung tâm và các cuộc trình diễn ánh sáng ở vịnh Marina…

Trung Quốc: Khuyến cáo không về quê vào dịp Tết Nguyên đán

Để ngăn chặn sự lây lan của virus, chính quyền các địa phương khuyến cáo người dân nên hạn chế về quê nếu “không cần thiết” trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giống như kế hoạch đã được thực hiện vào năm trước. Ngoài ra, giới chức nước này còn kêu gọi tất cả người dân thuyết phục những thành viên trong gia đình họ ở nước ngoài, hoặc từ các vùng có nguy cơ trung bình và cao trong nước, không nên di chuyển về quê đón Tết.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc chứng kiến cuộc di cư hàng năm lớn nhất thế giới trước Tết Nguyên đán, khi mọi người, phần lớn là các lao động nhập cư về quê đoàn tụ với gia đình. Nhưng truyền thống này năm ngoái bị phá vỡ bởi đại dịch.

Tính đến ngày 18.12, Trung Quốc đã tiêm 2,66 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19, với hơn 1,18 tỷ người hoàn thành tiêm chủng đầy đủ. Để đối phó với dịch bệnh, Trung Quốc áp dụng chính sách “phát hiện sớm, chẩn đoán sớm, cách ly sớm và điều trị kịp thời” cùng tiêm chủng hàng loạt để phòng bệnh.                                             

Ngọc Minh