Vui Tết Trung thu tại ngôi nhà cổ

Lê Thủy 14/09/2008 00:00

Cứ gần đến Tết Trung thu, ngôi nhà cổ tại 87 Mã Mây, Hà Nội lại tấp nập đông vui. Năm nay, với chủ đề “Vui Tết Trung thu truyền thống”, di tích mở cửa từ 8h - 17h hàng ngày từ 10 - 14.9, thu hút đông đảo khách tham quan, đặc biệt là trẻ em.

      Không gian truyền thống

Được xếp hạng Di tích quốc gia từ năm 2004, ngôi nhà cổ 87 Mã Mây hàng ngày vẫn là nơi tới thăm của nhiều du khách, cả trong và ngoài nước. Vào mỗi dịp Trung thu, chỉ trong 4 – 5 ngày, di tích thu hút hơn 4.000 lượt khách, phần đông là các em thiếu nhi được nhà trường tổ chức cho đi thăm quan. Vì diện tích ngôi nhà tương đối nhỏ (hơn 150m2) nên các trường ở Hà Nội thường đăng ký trước để được sắp xếp lịch thăm quan, sao cho các em vừa có không gian nhìn ngắm vừa được tham gia làm bánh dẻo, làm ông tiến sỹ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao… 

      Với kiến trúc cổ kính, độc đáo, ngôi nhà như đưa du khách bước vào thế giới Tết Trung thu xưa của dân tộc Việt. Trong căn nhà nhỏ ấy là một kho tàng những đồ chơi, hình ảnh Tết Trung thu, phần lớn diễn ra ở tầng một. Ngay trước cửa là một chiếc bàn có bột, nhân bánh, dụng cụ làm bánh - đặc sản không thể thiếu trong mỗi dịp Tết Trung thu, vây quanh là các em nhỏ đang tự làm những chiếc bánh dẻo, tay lấm tấm bột trắng và rối rít khoe khi tác phẩm của mình hoàn thành. Các em cũng được nghe giảng giải, hướng dẫn các khâu để làm nên chiếc bánh dẻo trắng trong. Chính giữa ngôi nhà là mâm ngũ quả lớn với đủ loại quả khác nhau, với những con vật ngộ nghĩnh được làm từ chính các loại quả. 

      Không chỉ làm bánh, các em nhỏ còn được nghe giới thiệu về lịch sử của tò he và chứng kiến cách tạo ra những con tò he từ bột nếp nhuộm màu xanh đỏ; cách làm những đồ chơi bằng giấy như đèn ông sao, ông tiến sỹ; cách ghép những mảnh sắt nhỏ sơn màu sắc thành chiếc tàu thủy chạy được trong nước; cả cách người ta làm ra hạt cốm xanh mướt, đượm hương sen...

      Ở mỗi gian có một khoảng không gian giới thiệu các nghề gắn với Tết Trung thu. Các sản phẩm, nguyên vật liệu đã chuẩn bị sẵn, cùng các tấm áp phích lớn giới thiệu về truyền thống làng nghề, cách làm, sự tích và ý nghĩa của từng sản phẩm. Trên gác hai của ngôi nhà có khoảng 10 bức ảnh về Tết Trung thu và đồ chơi truyền thống, vừa mang tính giải trí, vừa có ý nghĩa giáo dục. 
      Tiếp xúc những “di sản sống”
      Với mong muốn giới thiệu một cách đầy đủ về các nghề làm đồ chơi phục vụ Tết Trung thu, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của du khách, từ năm 2007, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã mời một số nghệ nhân đến tham dự và trực tiếp trình diễn. Du khách không chỉ được tận mắt chứng kiến cách làm đồ chơi truyền thống, được nghe kể về các công đoạn làm ra chúng mà còn có thể tự mình làm các sản phẩm, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân. 

      Tham gia lễ hội Vui Tết Trung thu tại ngôi nhà cổ năm nay có nghệ nhân làm đồ chơi từ “những mảnh sắt tây thần kỳ” Nguyễn Văn Mạnh Hùng. Ông là đời thứ năm làm nghề thiếc ở thôn Hồng, làng Khương Hạ, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài ra còn có nghệ nhân làm tò he đến từ làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên, Hà Nội, đời thứ bảy nối nghề truyền thống; Nghệ nhân làm đồ chơi bằng giấy từ xã Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Nghệ nhân của làng Vòng cũng sẵn sàng chia sẻ cách làm cốm, cách thưởng thức, nỗi vất vả và cả lòng yêu quý nghề làm cốm truyền thống… 
      Bằng những sáng tạo trong cách bài trí, sắp xếp và đưa vào những nội dung hấp dẫn, mang tính giáo dục cao, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây đã góp phần đem tới cho các em thiếu nhi một tết Trung thu vui tươi, ý nghĩa.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Vui Tết Trung thu tại ngôi nhà cổ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO